>> Xem thêm: Loài cua xù xì như mặt quỷ ai nhìn cũng hãi, ngư dân ăn vào ngừng tim
Trường hợp ở BV Bạch Mai trên thực tế không phải là ca đầu tiên bị ngộ độc sinh vật biển sau khi ăn. Trước đó, 3 công nhân ở Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã phải nhập viện trong tình trạng tê cứng chân, tay, khó thở do ăn cua mặt quỷ. Do được cấp cứu kịp thời nên không ảnh hưởng đến tính mạng.
Cua mặt quỷ (Nguồn: Internet)
Một nhóm 3 ngư dân khác ở huyện Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hòa) đã lặn bắt được một số ốc biển lạ, vỏ có màu nâu với những chấm trắng và luộc ăn số ốc này. Sau khi ăn khoảng 30 phút, cả 3 người xuất hiện triệu chứng tê môi, tê tay, tê chân, chóng mặt, buồn nôn và đau đầu. 1 người đã tử vong sau đó, 2 người còn lại được điều trị tại BVĐK tỉnh Khánh Hòa và may mắn qua cơn nguy hiểm...
Ốc bùn răng cưa và ốc bùn bóng.
Ngoài ra, tại huyện Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm do ăn cá hồng khiến 23 người nhập viện với các triệu chứng: mệt, khó chịu, đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, mạch loạn nhịp, chậm nhịp tim.
Kết quả mẫu xét nghiệm được gửi về Viện Hải dương học Nha Trang nhằm định danh loài cá và định lượng độc tố ciguatera trên mẫu thử. Mẫu cá hồng nguyên con và cá hồng cắt lát chứa chất ciguatera, vượt ngưỡng an toàn.
Theo các chuyên gia, cá hồng là loại thủy sản ăn tảo. Chỉ có những loại cá hồng ăn phải một số loài tảo có chứa độc tố, chất độc được tích tụ trong cơ thể và có khả năng gây mất an toàn cho người sử dụng. Ngộ độc ciguatera từ cá là một loại ngộ độc do ăn phải cá biển đã tích tụ độc tố ciguatoxins trong chế độ ăn của chúng…
Cá hồng gây ngộ độc ở Xuyên Mộc.
Cẩn trọng với những sinh vật bắt mắt
Ước tính mỗi năm, hàng trăm ca ngộ độc do ăn cá, ốc lạ, dẫn đến nhiều ca nguy kịch phải thở máy, lọc máu thậm chí tử vong đã gây xôn xao dư luận. Để không nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng, các chuyên gia khuyến cáo, người dân tuyệt đối không nên ăn những loài sinh vật lạ, có tiền sử gây ngộ độc hoặc chưa được kiểm chứng an toàn thực phẩm.
Một đặc điểm dễ nhận thấy là hầu như các loại sinh vật lạ này đều có vỏ, mai cua có màu rất sặc sỡ. Do đó, giới chuyên môn khuyến cáo, để phòng tránh ngộ độc thì cách tốt nhất khi gặp những loại sinh vật sặc sỡ này, người dân cần thận trọng, không nên ăn.
Ảnh minh hoạ.
Theo các chuyên gia, không chỉ ăn ốc biển lạ, ngay với ốc thông thường, người dân khi ăn cũng cần phải hết sức lưu ý. Ốc chứa ký sinh trùng nhiều nên không được ăn sống, ăn tái… Các loại ấu trùng đi vào cơ thể xuyên qua thành ruột di chuyển lên não và tủy sống có thể gây ra nhiều bệnh như viêm màng não, giảm thị lực… Bởi vậy, khi người dân sử dụng ốc làm thức ăn đều phải sơ chế, chế biến bảo đảm an toàn.
Trong trường hợp nghi ngờ đã ăn phải các thức ăn độc, cần nhanh chóng gọi cấp cứu đồng thời tìm mọi cách để nôn hết thức ăn vừa ăn ra ngoài.
Bộ Y tế khuyến cáo thực hiện: 10 nguyên tắc chế biến thực phẩm an toàn
1. Chọn thực phẩm an toàn.
2. Nấu kỹ thức ăn.
3. Ăn ngay khi thức ăn vừa được nấu chín.
4. Bảo quản cẩn thận thực phẩm đã nấu chín.
5. Đun kỹ lại thực phẩm trước khi ăn.
6. Không để lẫn thực phẩm sống và chín.
7. Luôn giữ tay chế biến thực phẩm sạch sẽ.
8. Giữ bề mặt chế biến, bếp luôn khô ráo, sạch sẽ.
9. Bảo vệ thực phẩm khỏi các loài côn trùng, loài gặm nhấm và các động vật khác.
10. Sử dụng nguồn nước sạch.
Xử lý khi có ngộ độc thực phẩm
1. Khi phát hiện hoặc nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm, phải đình chỉ việc sử dụng thực phẩm nghi ngờ và niêm giữ toàn bộ thức ăn đó lại (kể cả chất nôn, phân, nước tiểu…) để xác minh, báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất đến xử trí kịp thời hoặc đưa người bị ngộ độc đi bệnh viện.
2. Vệ sinh, tẩy uế khu vực có chất nôn, phân, nước tiểu của người bị ngộ độc thực phẩm và thực hiện chế độ cách ly nghiêm ngặt đề phòng sự lây lan của dịch bệnh.
3. Thực hiện các biện pháp diệt ruồi, nhặng, gián, chuột… và các hướng dẫn vệ sinh phòng chống dịch bệnh theo chỉ đạo của ngành y tế.