Hà Nội

Ấn Độ chinh phục khoảng không vũ trụ

26-08-2017 15:23 | Quốc tế
google news

SKĐS - Ấn Độ mới đây đã lập kỷ lục thế giới với việc đưa 104 vệ tinh lên quỹ đạo trong 1 lần phóng. Không chỉ phóng vệ tinh do thám thành công lên Mặt Trăng và sao Hỏa, Ấn Độ còn dự định đưa người lên khoảng không và tiếp tục chinh phục sao Kim bằng tên lửa và vệ tinh hoàn toàn do Ấn Độ sản xuất.

Tên lửa Mangalyaan của Ấn Độ lập kỷ lục phóng thành công vệ tinh lên sao Hỏa trong lần thử đầu tiên

Tên lửa Mangalyaan của Ấn Độ lập kỷ lục phóng thành công vệ tinh lên sao Hỏa trong lần thử đầu tiên

Ấn Độ giàu truyền thống sử dụng khoảng không vũ trụ làm công cụ phát triển quốc gia. Người nghèo nhất trong số những người nghèo Ấn Độ đã hưởng lợi từ công nghệ vũ trụ. Từ nông dân cho tới người đánh cá, vệ tinh Ấn Độ đã chạm tới cuộc sống của gần 1,3 tỷ cư dân nước này.

Năm nay, Ấn Độ kỷ niệm 70 năm bước vào kỷ nguyên vàng của công nghệ vũ trụ. Các lĩnh vực như truyền hình vệ tinh, ngân hàng, phát triển thành phố thông minh, dự báo thời tiết, smart phone, chính phủ điện tử, hàng hải với sự hỗ trợ của vệ tinh đã giúp Ấn Độ triển khai công nghệ cao ứng dụng trong cuộc sống.

Tên lửa đầu tiên do Ấn Độ sản xuất được vận chuyển bằng... xe đạp

Hành trình chinh phục vũ trụ được Cơ quan Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) khởi xướng vào năm 1969 và tới nay có ngân sách hàng năm khoảng 1,4 tỷ USD. Đất  nước này có 44 vệ tinh quay quanh quỹ đạo. Ấn Độ ghi dấu ấn bởi khả năng tự làm vệ tinh nhân tạo; phóng tên lửa và gửi vệ tinh Mangalyaan do Ấn Độ sản xuất cùng Sứ mệnh Vệ tinh sao Hỏa bay tới sao Hỏa cách trái đất 200 triệu km.

Hành trình ISRO bắt đầu từ một ngôi làng chài nhỏ bé ở Thumba, bên bờ biển Ả Rập nơi các nhà khoa học sử dụng một ngôi đền để thiết lập cơ sở phóng tên lửa đầu tiên. Những chiếc tên lửa đầu tiên được vận chuyển bằng xe đạp và những vệ tinh đầu tiên được kéo bằng xe bò. Ngày nay, tên lửa nặng nhất của Ấn Độ là GSLV MKIII hay có tên dễ thương khác là “Bahubaali” nặng 640 tấn, gấp 200 lần một con voi trưởng thành. Bahubaali lần đầu được phóng lên vào ngày 5/6/2017, đưa vệ tinh GSAT-19 vào quỹ đạo và hứa hẹn thành trụ cột để đưa mọi trang thiết bị lên vũ trụ.

Tên lửa Ấn Độ GSLV Mk-III mang theo vệ tinh GSAT-19 cất cánh từ trung tâm vũ trụ Satish Dhawan

Tên lửa Ấn Độ GSLV Mk-III, mang theo vệ tinh GSAT-19 cất cánh từ trung tâm vũ trụ Satish Dhawan ở Sriharikota.

Vệ tinh đầu tiên được Ấn Độ phóng lên là vào năm 1972, khi vệ tinh mang tên nhà toán học huyền thoại của Ấn Độ Aryabhata được đưa vào quỹ đạo nhờ tên lửa Xô Viết. Vệ tinh này đã mở đường cho ISRO tiến tới các vì sao. Trong vòng vài tháng tới, Ấn Độ hy vọng sẽ phóng vệ tinh nặng chưa từng thấy GSAT-11, nặng tận 5725 kg.

Với việc phóng Bahubaali, ngành vũ trụ Ấn Độ bước vào kỷ nguyên mới. Chủ tịch ISRO Kiran Kumar cho biết, tên lửa hoàn toàn do Ấn Độ chế tạo đã thành công trong lần phóng đầu tiên. Tên lửa này có khả năng chở đến 8 tấn lên quỹ đạo trái đất, đủ cho một phi hành đoàn.

Chinh phục Mặt Trăng, sao Hỏa và sao Kim

ISRO chuẩn bị kế hoạch đưa 2-3 phi hành gia lên vũ trụ và chính phủ đã mạnh tay chi đến 3-4 tỷ USD, bởi Thủ tướng Narendra Modi muốn ghi dấu ấn lịch sử cho chương trình vũ trụ  trước khi nhiệm kỳ 2019 của ông kết thúc. Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia thứ 4 sau Nga, Mỹ và Trung Quốc thực hiện chuyến bay vũ trụ có người lái. ISRO bật mí, người Ấn Độ đầu tiên đặt chân lên vũ trụ có thể là một phụ nữ.

Ấn Độ có tên lửa Polar Satellite Launch Vehicle (PSLV) có thể nâng tải trọng 1,5 tấn vào vũ trụ và chuẩn bị cho sứ mệnh chinh phục Mặt Trăng và sao Hỏa. Ngoài ra, tên lửa Geosynchronous Satellite Launch Vehicle Mark (GSLVM) II có thể nâng 2 tấn vệ tinh và gần đây đã giành kỷ lục thế giới nhờ đưa thành công 104 vệ tinh vào quỹ đạo, đánh bại kỷ lục cũ của Nga là đưa 39 vệ tinh vào quỹ đạo trong một lần phóng.

Ấn Độ trở thành nước thứ 4 trên thế giới phóng vệ tinh thành công vào quỹ đạo sao Hỏa

Ấn Độ trở thành nước thứ 4 trên thế giới phóng vệ tinh thành công vào quỹ đạo sao Hỏa

Năm nay, Ấn Độ chú trọng vào ngoại giao vũ trụ hơn bao giờ hết. Lần đầu tiên, New Delhi thể hiện sức mạnh công nghệ vũ trụ qua ngoại giao “tầng bình lưu” chưa từng có thông qua món quà vệ tinh Nam Á miễn phí sử dụng cho các quốc gia láng giềng gồm Afghanistan, Nepal, Bhutan, Maldives, Bangladesh và Sri Lanka. Vệ tinh Nam Á giúp truyền phát tín hiệu truyền hình, giáo dục từ xa, y tế từ xa và cứu trợ thảm họa, dự báo sóng thần,....

Năm 2013, Ấn Độ khởi động Mangalyaan, sứ mệnh đầu tiên lên sao Hỏa vào vào ngày 24/9/2014 vệ tinh này đã bước vào quỹ đạo sao Hỏa, Ấn Độ đã trở thành nước đầu tiên trong lịch sử thế giới tiến tới quỹ đạo sao Hỏa trong lần thử đầu tiên. Mangalyaan đã hoàn thành 1000 ngày trong quỹ đạo và tiếp tục gửi dữ liệu và hình ảnh sao Hỏa đỉnh tới mức đã được tạp chí National Geographic đăng tải trọn bộ.

Cận cảnh sứ mệnh sao Hỏa Mangalyaan

(Nguồn video: MANGALYAAN - India's Mars Orbiter Mission Explained YouTube)

Đầu năm sau, Ấn Độ sẽ thực hiện sứ mệnh thứ hai lên Mặt Trăng, Chandrayaa-2 sẽ cắm cờ lên bề mặt của mặt trăng trên chiếc máy bay không người lái bản địa. Tiếp theo sẽ là các sứ mệnh thám hiểm sao Kim và tái thăm sao Hỏa.

Chuyến bay vũ trụ có người lái cũng đang cất cánh, tên lửa gần đây nhất của Ấn Độ có thể được lựa chọn để đưa “người Ấn Độ lên vũ trụ, từ mảnh đất của Ấn Độ sử dụng tên lửa Ấn Độ”. Đây chỉ là khởi điểm tiến tới các vì sao và khám phá sự kỳ diệu của vũ trụ vượt lên đường chân trời.


Nhà báo khoa học Pallava Bagla
Ý kiến của bạn