Theo Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội (quận Hoàn Kiếm), đơn vị đã "ấn định" được ngày chặt hạ 3 cây Sưa chết khô tại Hồ Gươm. Theo đó, việc chặt hạ, trồng thay thế cây mới sẽ do Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh Hà Nội thực hiện vào sáng 24/5/2023.
Được biết, do giá trị của gỗ Sưa rất cao nên các giấy tờ, thủ tục xin cấp phép chặt hạ cũng mất thời thời gian hơn so với các loại cây đô thị khác. Vào ngày 24/5 tới đây ngoài việc chặt hạ 3 cây Sưa chết khô ở ven Hồ Gươm, đơn vị quản lý cũng phải tiến hành trồng thay thế bằng cây mới.
Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội cho biết: "Sau khi phía Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh Hà Nội chặt hạ 3 cây Sưa thì sẽ tổ chức bàn giao cho Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố Hà Nội tiếp nhận và bảo quản khối lượng gỗ Sưa tại kho, thực hiện thanh lý gỗ, củi theo quy định"
Trước đó, ngày 6/4, Tổ công tác kiểm tra hiện trạng cây xanh đã khảo sát cây xanh, vườn hoa khu vực hồ Hoàn Kiếm, lập biên bản tại hiện trường đối với 3 cây sưa bị chết, gồm: 2 cây sưa gần đồng hồ hoa Thụy Sỹ, sát mép hồ và 1 cây sưa đối diện ngã 3 Lò Sũ – Đinh Tiên Hoàng (ô số 94).
Sưa hay còn gọi trắc thối (danh pháp khoa học Dalbergia tonkinensis Prain) là loài cây thân gỗ thuộc họ đậu. Vỏ cây màu vàng nâu hay xám, nứt dọc. Gỗ sưa cho mùi thơm thoảng nhẹ kiểu hương trầm. Khi đốt tàn có màu trắng đục, mùi khó chịu nên được gọi là trắc thối. Cành sưa non màu xanh, có lông mịn thưa. Lá mọc cách, cấu tạo lá dạng kép lông chim sẻ. Là cây ưa sáng, ưa đất sâu, dày, độ ẩm cao.
Gỗ sưa thớ mịn, vân đẹp. Thời phong kiến, vua chúa dùng gỗ sưa để đóng đồ nội thất cao cấp trong cung đình vì vừa là hương liệu vừa là dược liệu. Thời nay, gỗ sưa đỏ rất quý hiếm, giá trị trường rất cao nên là đối tượng săn lùng của kẻ trộm.
Xem thêm video được quan tâm:
Nhếch nhác hố ga mất nắp - Nguy cơ tiềm ẩn cho người dân.