1. Lợi ích của việc ăn hải sản khi mang thai
Cung cấp dinh dưỡng
Thành phần trong cua, cá và các loại hải sản rất giàu vitamin và khoáng chất, đặc biệt là protein, axit béo, đồng, kẽm, canxi, mangan, sắt và nhiều loại khác. Đây là những điều cần thiết để duy trì sức khỏe của thai phụ cũng như thai nhi trong suốt thai kỳ.
Một trong những thành phần chính của cua, cá và hải sản là axit béo omega-3. Yếu tố này đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe tinh thần tốt và chống lại các triệu chứng trầm cảm.
Nguồn cung cấp canxi dồi dào
Hàm lượng canxi trong thịt cua, tôm có ở một lượng khá tốt. Canxi không chỉ giúp phát triển xương của thai nhi mà còn giúp củng cố cấu trúc xương của bà bầu khi đang trải qua những thay đổi về thể chất. Đối với thai nhi, ngoài giúp cho xương phát triển, canxi còn giúp phát triển các dây thần kinh và tai.
Cung cấp sắt
Cung cấp sắt ở phụ nữ mang thai là vô cùng quan trọng để được duy trì ở mức phù hợp. Sắt tăng khả năng miễn dịch của cơ thể bà bầu cũng như nâng cao mức độ huyết sắc tố. Cả hai tác dụng này đều giúp giữ cho thai nhi khỏe mạnh và giúp quá trình sinh nở diễn ra tốt hơn.
Thai nhi phát triển tốt hơn nhờ protein và folate
Protein cũng như folate giúp cơ thể và não bộ ở thai nhi phát triển. Cả hai chất này đều có trong cua với số lượng khá tốt, khiến chúng trở nên khá cần thiết trong việc hình thành em bé khỏe mạnh.
Magiê giúp giảm các vấn đề về tăng huyết áp
Khi mang thai, mức độ căng thẳng trong cơ thể tăng lên cũng làm tăng huyết áp, dẫn đến các triệu chứng tăng huyết áp ở thai phụ. Huyết áp cao có thể làm giảm dòng dinh dưỡng nuôi thai qua nhau thai, làm hạn chế phát triển của thai nhi. Tiền sản giật thường xảy ra nhiều hơn ở những phụ nữ có huyết áp cao mạn tính so với những người có huyết áp bình thường. Magiê có trong thịt cua kiểm soát tốt tăng huyết áp.
Magiê rất cần thiết để giữ cho tất cả các dây thần kinh và cơ bắp trong cơ thể hoạt động với công suất cao nhất. Magiê cũng giúp có giấc ngủ ngon và giúp cải thiện khả năng miễn dịch tổng thể và cân bằng nội tiết tố của cơ thể.
Giảm các vấn đề về tim
Axit béo omega 3 không chỉ đơn giản chịu trách nhiệm cho sự phát triển trí não của trẻ. Những thứ này cũng cần thiết trong khi sinh, vì chúng làm giảm lượng chất béo được giữ trong máu, nếu không được kiểm soát, có thể dẫn đến nguy cơ bị đột quỵ.
Sự hiện diện của acid folic
Acid folic là một vi chất quan trọng cần được bổ sung trong thai kỳ để dự phòng các dị tật bẩm sinh nghiêm trọng. Nếu thai phụ không được bổ sung đầy đủ acid folic, thai nhi sẽ có nguy cơ mắc phải các khuyết tật của ống thần kinh như chẻ đôi đốt sống, thai nhi vô sọ hoặc các bất thường của não bộ.
Vitamin B12
Vitamin B12 là thành phần dễ tìm thấy trong cua. Loại vitamin này đóng vai trò quan trọng nhất, giúp ích trong quá trình sản xuất hồng cầu giúp thai phụ không bị thiếu máu.
2. Lượng cua, cá và hải sản khuyến nghị cho phụ nữ mang thai
Ăn cua, cá và hải sản ít thủy ngân trong khi mang thai có nhiều lợi ích cho sức khỏe mẹ bầu và thai nhi. Những phụ nữ ăn ít axit béo omega-3 từ hải sản có nguy cơ bị trầm cảm cao hơn khi mang thai và sau khi sinh, do đó ăn hải sản khi mang thai có thể cải thiện sức khỏe tinh thần của bà bầu. Thai phụ ăn cá trong thời kỳ mang thai từ 1 -3 lần/ tuần sinh ra con có hội chứng chuyển hóa thấp hơn, nghĩa là ít có khả năng mắc bệnh tim hoặc đái tháo đường, giúp con sinh ra thông minh hơn.
Trẻ 6 tháng tuổi có mẹ ăn 2 lần cá ít thủy ngân trở lên hàng tuần trong khi mang thai có khả năng nhận biết thị giác tốt hơn. Phụ nữ mang thai nên ăn từ 300gr đến 500gr cá mỗi tuần để nhận được các lợi ích cho sức khỏe.
Có rất ít rủi ro khi ăn cua khi đang mang thai tuy nhiên, bà bầu cần tuân thủ các nguyên tắc xử lý thực phẩm và không ăn quá nhiều. Cua được nấu chín kỹ sẽ an toàn cho cả thai phụ và thai nhi. Mặc dù lượng thủy ngân quan sát được trong cua khá thấp, nhưng điều đó không có nghĩa là thai phụ có thể ăn cua thỏa thích thường xuyên. Cua huỳnh đế là loại có hàm lượng thủy ngân thấp nhất và có thể ăn tối đa hai lần trong một tuần, tổng cộng khoảng 170 g. Đối với các loại cua khác như cua tuyết và cua xanh tốt nhất là không nên ăn vì chúng có hàm lượng thủy ngân cao.
3. Biện pháp phòng ngừa an toàn
Mặc dù ăn cá, cua và hải sản có hàm lượng thủy ngân thấp, chẳng hạn như cua, khi mang thai được khuyến khích trong chế độ ăn của phụ nữ mang thai, nhưng vẫn có một số biện pháp phòng ngừa an toàn quan trọng bà bầu cần tuân theo.
Ăn chín hoàn toàn
Bất kỳ loại thịt nào không được nấu chín đúng cách đều có nguy cơ như nhau, ví dụ thịt chua, cá muối chua... Quá trình nấu nướng là cần thiết vì tất cả nhiệt lượng sẽ tiêu diệt vi khuẩn và ký sinh trùng, làm giảm khả năng bị nhiễm bệnh.
Chìa khóa để ăn cua một cách an toàn khi mang thai là đảm bảo rằng chỉ ăn cua khi đã được nấu chín hoàn toàn.
Khi mang thai, hệ thống miễn dịch của người mẹ thay đổi, khiến thai phụ và thai nhi dễ bị nhiễm vi khuẩn và ký sinh trùng trong hải sản sống hoặc nấu chưa chín. Ăn các loại hải sản sống hoặc nấu chưa chín có thể dẫn đến dị tật bẩm sinh cho thai nhi, sinh non hoặc sảy thai. Có một số bệnh do thực phẩm gây ra, bao gồm khuẩn Listeria và Toxoplasma gondii salmonella có thể lây nhiễm cho thai nhi ngay cả khi thai phụ không có triệu chứng gì.
Ăn hải sản sống có thể gây ngộ độc
Những món sử dụng thịt cua, cá, hải sản sống không tốt cho sức khỏe vì chúng có thể chứa một số vi khuẩn hoặc ký sinh trùng sinh sống trong thịt. Khi tiêu thụ, điều này có thể gây ngộ độc thực phẩm và nếu có bất kỳ nhiễm trùng nào xảy ra, thậm chí có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của em bé.
Các loại hải sản cần tránh
Không phải tất cả hải sản đều an toàn cho thai phụ, một số loại cá và động vật có vỏ thai phụ nên tránh:
Hải sản chứa nhiều thủy ngân: Một số loại cá có thể chứa nhiều thủy ngân, có thể gây hại cho hệ thần kinh đang phát triển của bé. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những đứa trẻ sinh ra từ những phụ nữ tiếp xúc với thủy ngân trong thời kỳ mang thai có thể bị chậm phát triển chức năng não. Cá càng lớn thì càng chứa nhiều thủy ngân, do vậy nên tránh những thứ này khi mang thai như: Cá cờ, cam nhám, cá thu vua, cá ngừ mắt to, cá kiếm.
Hải sản chứa ít thủy ngân bao gồm: cá hồi, cá cơm, cá tuyết, cá trích, cá mòi, cua và tôm...
Bảo quản hải sản: Cách xử lý, chuẩn bị và bảo quản thực phẩm cũng rất quan trọng đối với sự an toàn. Dưới đây là một số mẹo để bảo quản và chế biến hải sản an toàn:
- Rửa sạch thớt, dao và khu vực sơ chế thực phẩm bằng nước xà phòng nóng sau khi chế biến hải sản sống.
- Sử dụng dao và thớt riêng cho hải sản sống và chín.
- Cá nên được nấu chín cho đến khi cá bong ra và có màu đục; tôm hùm, tôm và sò điệp cho đến khi có màu trắng sữa; nấu trai, hến và hàu cho đến khi vỏ bật ra.
- Bảo quản tất cả thực phẩm còn thừa và dễ hỏng trong hộp kín khí trong tủ lạnh ở nhiệt độ 4˚C độ trở xuống hoặc trong tủ đông ở nhiệt độ –17˚C.
- Không ăn thực phẩm nào đã để ở nhiệt độ phòng trong hơn 2 giờ.
- Vứt bỏ mọi thức ăn dễ hỏng, nấu sẵn hoặc còn sót lại sau 4 ngày.
- Rửa tay kỹ ltrước và sau khi xử lý thực phẩm.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Ăn cá hay ăn thịt tốt hơn?