Nếu như không có tiếng rì rầm, đôi khi là sầm sập của sóng biển bao quanh thì 5 ngày sống trên đảo Trường Sa Lớn, chúng tôi cứ ngỡ mình đang đi công tác ở một nơi nào đó trong đất liền. Bởi những cơ sở vật chất như: điện, đường, trường, trạm ở nơi hải đảo xa xôi cách đất liền đến vài trăm hải lý này đã không khác với bất kỳ vùng miền nào trên dải đất hình chữ S.
Chúng tôi có lẽ là một trong số ít những phóng viên may mắn được ở lại trên đảo Trường Sa Lớn nhiều ngày đến như vậy: 5 ngày 4 đêm. Và cũng chính nhờ sự may mắn này mà chúng tôi đã được “mắt thấy, tai nghe, tay sờ” một cách rõ ràng và sinh động nhất về cuộc sống của quân dân nơi Huyện đảo Trường Sa Lớn. Có một làng quê yên bình đến ngỡ ngàng đang hiện hữu giữa biển trời đại dương vượt ra ngoài tất thảy những sự tưởng tượng trước đó của mọi người về một mảnh đất khô cằn, thiếu thốn.
Cuộc sống người dân trên đảo Trường Sa Lớn. Ảnh: TL
1. Tàu chúng tôi cập cảng đảo Trường Sa Lớn đúng vào lúc bóng chiều xế tà. Mặt trời đã gần như xà xuống mặt biển, kéo theo cái nắng oi bức của những ngày đầu hè tháng 6. Nhường vào đó là màn đêm với những cơn gió hiu hiu, đã xua tan đi bao mệt mỏi của đoàn thân nhân hai ngày lênh đênh trên biển.
Ngày đoàn chúng tôi lên đảo lại trùng hợp đúng vào ngày diễn ra chương trình Cầu truyền hình trực tiếp Trường Sa với đất liền. Được chứng kiến sự chuẩn bị sân khấu từ hệ thống ánh sáng, âm thanh… khiến chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng về sự hoành tráng của một sân khấu ngoài đảo xa. Tiếp đó là hệ thống đèn điện cao áp được thắp sáng ở khắp các khu vực đường đi đã làm sáng rực cả huyện đảo Trường Sa Lớn. Thật không ngoa khi nói Huyện đảo Trường Sa Lớn hôm nay lung linh như một thành phố trên biển.
Đi dưới hàng điện cao áp được thắp sáng rực hai bên đường vào của khu dân cư, Thiếu tá Đinh Trọng Thắm - Đảo phó Quân sự, phụ trách hậu cần đảo Trường Sa Lớn cho chúng tôi biết. Hiện nay, điện trên đảo đã đảm bảo được 24/24h ở những khu vực quan trọng như: Chỉ huy đảo, cụm thông tin radar... Và nếu những mùa gió ổn định như thời gian 6 tháng đầu năm thì điện cũng được cung cấp đến các hộ dân trên đảo với công suất tối đa 24/24h.
Nguồn điện này có được là nhờ vào việc tận dụng nguồn gió và nguồn sáng mặt trời tại Huyện đảo Trường Sa (được tích hợp trong hệ thống điện lai ghép dùng năng lượng gió và mặt trời gọi là HPSS). Cái nắng, cái gió của Trường Sa giờ đây đã trở thành một nguồn năng lượng sạch vô tận của Trường Sa, góp phần vào việc bảo vệ và làm sạch môi trường trên đảo.
Điện sạch hiện hữu trên đảo Trường Sa Lớn mà chúng tôi cảm nhận được rõ nhất là những thay đổi trong cuộc sống của người dân nơi đây. Khi các bé Trinh Si, Hồng Hương kéo tay tôi về nhà các bé chơi, rồi cho xem đĩa phim hoạt hình của người thân từ trong đất liền gửi ra, tôi mới thật ngỡ ngàng, các hộ gia đình nơi đây nhà nào cũng có tủ lạnh để đồ ăn tươi, rồi tivi, đài, máy tính... để xem thông tin và đọc báo trên mạng. Mọi tiện nghi gia đình khiến tôi thấy chẳng có sự khác biệt nào với những gia đình trong đất liền cả!
Nằm nghỉ tại Nhà khách Thủ đô với điều hòa, tivi và được tắm bình nóng lạnh quả thực khiến tôi có một cảm giác sảng khoái và dễ chịu vô cùng. Đặt lưng trên chiếc đệm của nhà khách, tôi vẫn không tin mình đang ở một huyện đảo xa xôi cách đất liền vài trăm hải lý bởi sự tiện nghi và những bất ngờ nơi đây…
2. Ngày thứ hai trên đảo Trường Sa Lớn, 5h sáng. Nếu giờ này trong đất liền, mọi người vẫn còn đang ngái ngủ trong chăn thì các chiến sĩ và người dân nơi đây đã dậy tập thể dục và chuẩn bị công việc cho một ngày mới. Gọi là ánh nắng bình minh nhưng nó đã khoác lên đảo cả một màu áo vàng rực. Tôi được chiến sĩ Nguyễn Văn Mạc dẫn lên thăm lá cờ Tổ quốc làm bằng gốm lớn nhất Việt Nam trên một nóc nhà của huyện đảo.
Dưới ánh nắng vàng rực của bình minh, chưa bao giờ tôi thấy màu cờ Tổ quốc lại đẹp và tươi màu đến như vậy. Mạc cho biết, những lúc buồn, anh và các chiến sĩ thường lên đây ngồi để nhìn về hướng đất liền. Từ vị trí lá cờ này có thể nhìn thấy biển, nhìn thấy cả một vùng không gian rộng lớn của huyện đảo: những cánh quạt điện gió được dựng xung quanh đảo, hệ thống pin năng lượng mặt trời, chùa Trường Sa Lớn, những khu dân cư và cả hệ thống đường bê tông được xây dựng kiên cố đến từng ngõ ngách trên đảo…
Ngồi trong chiếc xe ôtô chở vật liệu, hàng hóa trên đảo do chiến sĩ Phạm Văn Hùng điều khiển, tôi có thể cảm nhận thấy chiếc xe lăn bánh bon bon đến từng ngõ ngách để vận chuyển đồ đạc giúp người dân cũng như vật liệu từ khu vực này đến các khu vực khác trên đảo.
Trên những con đường bê tông dẫn đến các cụm dân cư dọc hai bên sân băng của huyện đảo, hình ảnh những người dân trên đảo cùng nhau đi lễ chùa thực sự khiến chúng tôi có một cảm giác bình an và ấm lòng vô cùng. Những hình dung ban đầu về một ngôi chùa đơn sơ, hoang vắng nơi hải đảo xa xôi ở trong tôi dường như bị xua tan hết. Ngôi chùa Trường Sa Lớn hiện ra uy nghi, sừng sững như không có gì khác biệt với bất kỳ một ngôi chùa nào trong đất liền.
Thật không sai khi người ta gọi nơi đây là “Cột mốc tâm linh giữa biển khơi”. Truyền thống của người Việt ta từ xưa đã thành lệ. Người Việt hễ đã sống ở đâu, có mặt ở đâu là ở đó có các công trình văn hóa tâm linh như đình chùa, miếu mạo. Đây cũng là một minh chứng rõ nhất thể hiện chủ quyền của dân tộc Việt Nam đối với mảnh đất Trường Sa đã ăn sâu vào tâm thức từ bao đời nay của người Việt. Và hình ảnh người dân đi lễ chùa hôm nay càng khiến chúng tôi thấy được mảnh đất Trường Sa có một sự gắn bó gần gũi máu thịt như thế nào với con dân đất Việt.
Nhìn ảnh bé Phương Anh vừa nắm tay mẹ vừa hí hửng nhảy chân sáo với lộc chùa còn đang cầm trên tay rảo bước trên con đường bê tông trải dài đến cổng nhà, tôi thấy lòng mình thật bình yên và sao thấy yêu Trường Sa đến vậy!
3. Sáng hôm sau, vẫn là 5h. Khi tôi còn đang ngái ngủ trên chiếc giường êm của nhà khách, bé Trinh Si đã ngồi ngay đầu giường kéo tôi dậy để đến buổi học hè đầu tiên của các bé. Với lũ trẻ nơi đây, có lẽ những người khách đất liền như chúng tôi là món quà quý giá mà chúng mong đợi nhất. Bởi chúng rất thèm được kể những câu chuyện của chúng và thích hơn cả là được nghe những câu chuyện về đất liền. Chẳng vậy mà khi mới lên đảo, chỉ trong một thời gian ngắn, chúng đã quấn lấy tôi và những người trong đoàn.
Thậm chí khi tôi đi phỏng vấn các chiến sĩ trên đảo, bé Si cũng đi theo như một người trợ lý, không rời tôi nửa bước. Khi tôi làm việc, bé cầm giúp túi xách và còn đòi cầm máy ảnh để tác nghiệp giúp cô. Các bé ở đây, bé nào cũng đáng yêu và hiếu động như vậy đấy. Chẳng vậy mà thu xếp nhanh chóng, bé Si dẫn tôi vào thăm lớp học hè của các bé.
Khuất sau những tán bàng vuông, những gốc phong ba là một ngôi trường hai tầng khang trang mang tên: “Trường tiểu học thị trấn Trường Sa”. Ngôi trường tuy không có băng rôn đỏ, không có tiếng trống trường… nhưng ngày ngày vẫn vang lên những tiếng cười rộn rã, những bài học vỡ lòng của lớp học trò ở 4 cấp học khác nhau nhưng đều chung 1 cô giáo chủ nhiệm.
Ở đây, ngoài việc đảm bảo chương trình học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cô Bùi Thị Nhung (cô giáo duy nhất đồng thời là hiệu trưởng của trường) luôn lồng ghép vào đó các giờ học ngoại khóa như: dạy các bài thơ, bài hát về biển đảo, về Bác Hồ; cho các em tìm hiểu về Trường Sa, Hoàng Sa - nơi mà chính các em đang được sống; dạy môn vẽ về các chủ đề gần gũi với đời sống của các em như vẽ tàu thủy, biển đảo, chiến sĩ…
Điều đặc biệt mà cô Nhung tự hào nhất về lũ học trò của mình là: “Chúng luôn tò mò và muốn tìm hiểu về những gì đang diễn ra xung quanh chúng như tàu thủy, biển đảo hay nhiệm vụ của các chiến sĩ trên đảo…”. Trong lũ học trò của cô Nhung, cô đặc biệt giới thiệu cho chúng tôi về những điều đặc biệt của bé Trinh Si mà tôi chưa biết. Là một học sinh tiếp thu chậm nhất lớp nhưng Trinh Si lại có một trí nhớ đặc biệt về súng ống, đạn dược hay như tên của các chú bộ đội, ở đơn vị nào, bao nhiêu tuổi, gia đình chú đó ra sao… Tất tần tật, chỉ cần nói một lần là Si có thể nhớ được hết tất thảy. Bởi vậy, nhiều khi không nhớ hết tên các chiến sĩ trên đảo, cô Nhung chỉ cần hỏi là bé Si cứ nói ra vanh vách.
Ngôi trường Tiểu học thị trấn Trường Sa không chỉ là nơi nuôi dưỡng những mầm non trên đảo mà còn là nơi tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho các chiến sĩ trên đảo. Cô Nhung kể với chúng tôi lời tâm sự của một chiến sĩ mà cô nhớ mãi: “Từ ngày có các cháu nhỏ ra đây, đảo có sức sống mãnh liệt cô ạ. Nhìn các cháu nhỏ, tôi vơi đi phần nào nỗi nhớ các con trong đất liền. Những tiếng cười của các cháu làm tôi nhớ đến lũ trẻ ở quê và cảm giác như đang được sống ở làng quê mình vậy”.
Chẳng vậy mà chiều nào cũng vậy, sau khi kết thúc giờ lên lớp, Si dẫn đầu các bạn đi xe đạp tung hoành khắp các ngõ ngách trên đảo. Đến đâu, Si và các bạn cũng được các chiến sĩ ẵm bồng, nâng niu như chính những đứa con nơi quê nhà của mình vậy.
Hàng năm các đoàn công tác gồm cán bộ y tế thuộc nhiều bệnh viện lớn tổ chức những chuyến đi thăm, khám và chăm sóc sức khỏe cho quân và dân ở quần đảo Trường Sa. Ảnh: Việt Cường
4. Ngày thứ tư trên đảo Trường Sa Lớn. Do chưa quen với khí hậu khắc nghiệt nơi đây, tôi và một vài người trong đoàn đã bị ốm. Theo chỉ dẫn, tôi lên bệnh xá của huyện đảo để xin thuốc. Khi lên đến nơi, anh Lê Minh Phong - Trạm trưởng Trạm y tế đã giữ tôi lại để theo dõi. Tôi được anh Phong sắp xếp cho nằm riêng ở một phòng trong bệnh xá. Vào đến nơi, quả thực tôi không tin vào mắt mình. Ở một nơi hải đảo xa xôi như thế này mà bệnh xá Trường Sa Lớn có đầy đủ các trang thiết bị chữa bệnh như: máy chụp Xquang, máy xét nghiệm máu, buồng giảm áp di động… Ngoài ra, bệnh viện 175 Sài Gòn còn triển khai hệ thống Telecom medicin (tivi của ngành y tế) tại đảo. Với hệ thống này trong những trường hợp gặp khó khăn khi mổ thì có thể truyền hình ảnh, thông tin về đất liền để nhận chỉ đạo mổ trực tiếp.
Bác sĩ Phong cho biết, do xa đất liền và khí hậu khắc nghiệt nên sức khỏe của người dân và các chiến sĩ trên đảo luôn được theo dõi và kiểm tra thường xuyên để đảm bảo sức khỏe luôn trong tình trạng tốt nhất. Bởi vậy, Bệnh xá Trường Sa Lớn có thể tiến hành phẫu thuật đến trung phẫu và tiến hành cấp cứu cơ bản ban đầu để giữ tính mạng cho bệnh nhân sau đó chuyển về đất liền. Không chỉ đảm nhận khám chữa bệnh cho người dân trên đảo, mà bệnh xá còn kiêm cả việc cấp cứu, chữa bệnh cho ngư dân đi biển.
Được biết, chiến lược y tế biển đảo giai đoạn 2014 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tiến đến đầu năm 2014 bắt đầu triển khai đóng tàu quân y cho Bộ Tư lệnh Hải quân. Những sự nâng cấp về y tế ngày càng được chú trọng này có lẽ là điều làm an lòng nhất với những ngư dân, chiến sĩ đang công tác và sinh sống tại quần đảo Trường Sa của Tổ quốc.
5. Bốn ngày trên đảo là những trải nghiệm vô cùng đặc biệt. Đảo Trường Sa Lớn hiện ra trong mắt chúng tôi với một diện mạo mới ngoài sức tưởng tượng của cả đoàn. Theo Đại tá Phạm Văn Hiến - Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa - sự đầu tư về cơ sở vật chất này đã được đồng bộ hóa trên rất nhiều đảo thuộc quần đảo Trường Sa như: đảo Song Tử Tây, Đảo Sinh Tồn… tạo thành những thành trì vững chắc cho người dân an cư lạc nghiệp.
Theo lịch trình cuối buổi sáng, tàu sẽ cập cảng đảo Trường Sa Lớn để đưa đoàn thân nhân về đất liền sau 4 ngày sống trải nghiệm trên đảo. Biết ngày hôm nay chúng tôi phải rời khỏi đảo, thầy Thích Giác Nghĩa đã làm một bữa tiệc chia tay nhỏ nhỏ với các thành viên trong đoàn. Thầy gọi tất cả những hộ gia đình sống trên đảo đến làm giúp các món ăn chay, rồi các chiến sĩ thì đi bê bàn ghế, bát đũa… Tôi và tất cả mọi người trong đoàn cũng cùng góp một tay vào làm trong căn bếp nhỏ của thầy Nghĩa. Tiếng cười nói rôm rả khiến cái không khí nó giống như một ngày đại sự của một gia đình trong đất liền vậy. Tiếng những cốc bia chia tay đầy ấm áp cạch vào nhau khiến mọi người dường như vỡ òa trong hạnh phúc. Ai cũng vui vẻ mãn nguyện vì được thăm chồng, thăm con nhưng cũng bắt đầu rơm rớm nước mắt khi sắp phải xa người thân. Buồn vì phải xa người thân nhưng tôi biết trong ánh mắt của những thân nhân này ánh lên một sự yên lòng đặc biệt mà trước đó không hề có.
Tất cả những suy nghĩ về một mảnh đất Trường Sa hoang sơ, thiếu thốn giờ đây đã được lắp đầy bởi những cơ sở vật chất điện, đường, trường, trạm mà nhiều vùng trong đất liền có khi còn chưa sánh kịp mà chính mắt họ được nhìn thấy. Giờ đây, họ đã phần nào yên tâm khi biết người thân của họ được sống trong một điều kiện đầy đủ đến như vậy. Đây chính là 4 cột trụ thể hiện sự hiện diện và chủ quyền của dân tộc Việt Nam với mảnh đất Trường Sa đã gắn bó bao đời với cư dân đất Việt. Trường Sa giờ đây đã không còn xa nữa mà đã trở thành một mảnh đất lành để người dân đất Việt “an cư lạc nghiệp”.
Dạ miêu