Sau ngày Tết Đoan Ngọ (5/5 âm lịch) chủ đề "ăn cơm rượu nếp có thể sẽ bị phạt khi thổi nồng độ cồn" được nhiều người quan tâm. Bởi cơm rượu nếp là một món ăn có trong mâm cúng ngày Tết Đoan Ngọ của nhiều gia đình.
Nhiều người cho rằng, cơm rượu nếp chính là "cốt" của rượu gạo, nếu sau khi ăn mà điều khiển xe máy, ô tô có thể sẽ vi phạm nếu bị thổi nồng độ cồn.
Chị Hằng Nga (39 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, sáng hôm qua (Tết Đoan Ngọ) bất ngờ khi đến cơ quan làm việc có rất nhiều người hỏi "bị thổi nồng độ cồn không?" với thái độ hài hước. Ban đầu chị không hiểu vì sao mọi người lại hỏi mình vậy, mãi sau chị mới biết là do người người, nhà nhà đều ăn cơm rượu nếp vào ngày này.
Nhiều người lo lắng sau khi ăn cơm rượu nếp mà điều khiển phương tiện tham gia giao thông có thể sẽ vi phạm nếu bị thổi nồng độ cồn. Ảnh: Đ.T.
"Lúc đó mình mới "hú hồn", may quá không bị thổi nồng độ cồn vì buổi sáng trước khi ra khỏi nhà mình đã ăn rất nhiều cơm rượu nếp, cả nếp cẩm lẫn nếp cái hoa vàng", chị Nga cho biết.
Giống với chị Nga, anh Vinh (45 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) cũng rất thích ăn cơm rượu nếp. Không chỉ vào ngày Tết Đoan Ngọ, mà thường ngày anh vẫn mua món này về ăn "chơi" vào buổi sáng hoặc lúc xế chiều khi đi làm về. Bản thân anh Vinh cũng biết, ăn cơm rượu nếp sẽ có nồng độ cồn trong người, nhưng anh cho rằng nồng độ này sẽ rất nhỏ, khi bị thổi nồng độ cồn thì máy sẽ không báo.
Còn chị Hạnh An (29 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) lại cẩn thận mang cơm rượu nếp lên cơ quan rồi mới ăn vào ngày Tết Đoan Ngọ.
"Ngày này thì phải ăn cơm rượu nếp để "diệt sâu bọ", nhưng ăn món này không khác gì ăn "cốt" rượu nên chẳng may bị thổi nồng độ cồn là sẽ bị phạt, nên mình mang lên cơ quan rồi mới ăn. Như vậy vừa diệt được sâu bọ lại tránh được việc không may mất tiền nộp phạt", chị An cười nói.
Ăn cơm rượu nếp cũng có thể bị say như uống rượu
Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, PGS.TS.Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho hay, vào dịp Tết Đoan Ngọ, các loại cơm rượu nếp làm từ nếp cẩm, nếp cái hoa vàng luôn "hút" khách. Tuy nhiên khi ăn món ăn này cũng cần chú ý vì có chứa ethanol.
Bản thân cơm rượu nếp chính là "cốt" để làm ra rượu, nồng độ cồn thường sẽ thấp hơn các loại rượu vodka, rượu nếp…. vì chưa ủ đến mức thành rượu nhưng nồng độ cồn có thể cao hơn rượu vang. Chính vì vậy, khi ăn cơm rượu nếp chắc chắn sẽ có nồng độ cồn trong hơi thở, càng ăn nhiều thì nồng độ cồn sẽ càng cao lên.
Cơm rượu nếp chính là "cốt" để làm ra rượu. Ảnh: Đ.T.
Cũng theo PGS.TS.Nguyễn Duy Thịnh, cơm rượu nếp được làm từ gạo lứt nếp hoặc gạo nếp cẩm. Gạo đãi sạch, đem nấu chín, để nguội bớt sau đó trộn cùng với men rượu rồi cho vào hũ, đem ủ kín. Ở môi trường có nhiệt độ khoảng 40 - 45 độ C thì chỉ khoảng 4 giờ đồng hồ là cơm rượu nếp bắt đầu được hình thành.
"Gạo nếp khi nấu chín sẽ có thành phần đường trong đó, đem kết hợp với men rượu sẽ "biến" thành rượu. Sau khoảng 4 giờ đồng hồ với nhiệt độ thích hợp cơm rượu sẽ ngọt như cho đường, sau đó cơm rượu bắt đầu có vị cay, trở thành rượu, càng để lâu rượu càng "nặng", thời gian lâu hơn nữa thì cơm rượu trở thành giấm, có vị chua", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nói.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cũng cho biết thêm, ngoài cơm rượu nếp thì khi ăn/uống các loại hoa quả ngâm đường như mơ, sấu, mận… cũng sẽ khiến cơ thể có nồng độ cồn. Nhiều người khi ăn cơm rượu nếp hay uống nước của những loại quả ngâm không tránh khỏi tình trạng "say rượu" ở mức độ nhẹ.
"Với những thực phẩm này nồng độ cồn ở mức thấp, nhưng nếu ăn/uống nhiều cũng sẽ bị say. Nếu điều khiển phương tiện tham gia giao thông thì cần có thời gian chờ để cồn "bay" đi, tránh khi bị thổi nồng độ cồn rất có thể sẽ bị xử phạt", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho hay.