Hiện tại, Ngành Y tế đang kiểm nghiệm mẫu bánh dày gấc lấy tại cỗ của gia đình ông Nguyễn Văn Chức để xác định nguyên nhân.
Cụ thể, theo báo cáo sau cỗ đám cưới tại gia đình ông Nguyễn Văn Chức vào ngày 22/6, có 76 người đã phải nhập viện cấp cứu với biểu hiện buồn nôn, đau bụng, đi ngoài, váng đầu…có 62 ca được đưa vào Trung tâm Y tế huyện Tân Yên; 14 ca vào Trung tâm Y tế huyện Việt Yên. Đặc biệt, có 3 ca nặng phải chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang để điều trị vào lúc 10 giờ ngày 23/6.
Đến nay, phần lớn bệnh nhân đã xuất viện, sức khỏe cơ bản ổn định. Hiện còn 14 người đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Tân Yên và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang. Theo nhiều bác sĩ, các bệnh nhân đã hết các triệu chứng rối loạn tiêu hóa, dự kiến có thể xuất viện trong ngày 24/6.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang kiểm tra sức khỏe bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm.
Được biết, bữa cỗ buổi chiều 22/6 có khoảng 360 người ăn với các món: Thịt ngựa sốt vang, thịt ngựa xào, giò ngựa, giò lợn, thịt lợn nướng, thịt gà luộc, nộm đu đủ, canh chua nấu xương lợn, trứng vịt lộn hầm ngải cứu, cơm, bánh dày gấc, bia, rượu trắng, dưa hấu.
Bước đầu, cơ quan chức năng nghi các bệnh nhân bị ngộ độc từ bánh dày gấc do một số người không ăn cỗ cưới, chỉ ăn bánh dày gấc do người thân đem về cũng phải nhập viện.
Đoàn kiểm tra liên ngành về An toàn thực phẩm huyện Tân Yên đã kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất bánh dày cung cấp cho đám cỗ là hộ bà Nguyễn Thị Vinh tại thôn Tân Hòa, xã Hợp Đức, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang; xác định cơ sở này không có giấy phép sản xuất bánh dày theo quy định.
Được biết, trong Tháng hành động vì ATTP tại các địa phương trong tỉnh Bắc Giang đã thành lập 269 đoàn, tổ kiểm tra về ATTP. Tiến hành kiểm tra, thanh tra 3.238 cơ sở thực phẩm, tỷ lệ cơ sở đạt điều kiện về ATTP chiếm 86,2%, xử phạt 113 cơ sở với số tiền phạt là 219,4 triệu đồng.
Trong đó, tuyến xã, phường, thị trấn kiểm tra 2.398 cơ sở, phát hiện 306 (12,8%) cơ sở còn tồn tại về điều kiện ATTP, xử phạt 33 cơ sở; tuyến huyện, thành phố kiểm tra 800 cơ sở thực phẩm, phát hiện 130 (16,3%) cơ sở còn tồn tại về điều kiện ATTP, xử phạt 74 cơ sở; tuyến tỉnh đã kiểm tra 40 cơ sở thực phẩm, phát hiện 12 (30%) cơ sở còn tồn tại về điều kiện ATTP.
Các nội dung vi phạm chủ yếu do trang thiết bị dụng cụ không đảm bảo vệ sinh; điều kiện về con người tiếp xúc với thực phẩm; thực hiện chế độ kiểm thực 03 bước và lưu mẫu thức ăn theo quy định; ghi nhãn hàng hóa không đầy đủ nội dung theo quy định…
Ngoài ra, trong Tháng triển khai vì ATTP ngành Nông nghiệp và PTNT tiến hành kiểm tra 54 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y trên địa bàn tỉnh; xử phạt 13 cơ sở vi phạm.
Cùng với đó, trong tháng, lực lượng Công an, Quản lý thị trường các cấp đã tăng cường kiểm soát thị trường, kiểm soát vận chuyển và đấu tranh chống gian lận thương mại; phát hiện, xử lý 100 vụ hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không qua kiểm dịch, với số tiền xử phạt hơn 227,2 triệu đồng. Tiến hành tiêu hủy 2 tấn thịt gà và các sản phẩm từ thịt gà; 2,7 tấn (xương lợn, mỡ lợn, nầm lợn)…
Thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục xây dựng, củng cố hệ thống giám sát ngộ độc thực phẩm từ tỉnh đến cơ sở. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về ATTP của người sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm; nhất là sự tự giác tham gia của người tiêu dùng thực phẩm đối với công tác ATTP…