Làm thế nào để khắc phục được tình trạng này, dưới đây là ý kiến của PGS.TS Nguyễn Thị Vân Hồng chuyên gia về tiêu hoá sẽ giúp độc giả giải đáp những băn khoăn này.
Điểm danh các bệnh về tiêu hoá thường gặp dịp Tết
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Vân Hồng, nguyên Phó trưởng khoa Tiêu hoá, BV Bạch Mai vào mỗi dịp lễ Tết lượng bệnh nhân tăng chủ yếu liên quan đến chế độ ăn uống, các bệnh lý thường gặp là bệnh về dạ dày, các ổ loét dạ dày gây biến chứng xuất huyết tiêu hoá, trướng bụng, đầy hơi…Nguyên nhân của tình trạng này là do vào dịp tết chúng ta có chế độ ăn uống thất thường kiểu “no dồn, đói góp”. Ngoài ra, vấn đề nổi trội trong những dịp này khiến cho đường tiêu hoá “nặng gánh” hơn là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm dễ gây ra tình trạng ngộ độc, rối loạn tiêu hoá.
Một số bệnh đường tiêu hoá thường gặp như sau:
Trướng bụng, đầy hơi: Đây là rối loạn thường gặp nhất trong các bệnh lý về đường tiêu hoá trong dịp lễ Tết. Biểu hiện của đầy hơi, trướng bụng là do có sự tích khí trong đường tiêu hoá, do thức ăn ứ động tại dạ dày. Nguyên nhân chủ yếu là do trong những ngày lễ Tết chúng ta thường ăn uống không điều độ ăn nhiều đạm, ít rau, ít chất xơ, bánh kẹo, rượu, bia, cà phê…
Tiêu chảy, nôn ói do ngộ độc thức ăn: Do ăn phải thức ăn kém vệ sinh hoặc ôi, để quá lâu lưu cữu nên các biểu hiện trên hệ tiêu hoá rõ nhất là tiêu chảy, buồn nôn đôi khi kèm theo sốt…
Vào những ngày Tết do mải vui xuân, nhịp sống thường ngày của chúng ta bị đảo lộn, nhiều người thường ăn uống không đúng bữa, bỏ bữa, ăn quá nhiều thực phẩm dầu mỡ nên ảnh hưởng rất lớn đến đường tiêu hoá (ảnh minh hoạ)
Các bệnh về gan: Ngày lễ Tết lượng tiêu thụ rượu bia cũng cao hơn hẳn ngày thường, rượu là nguyên nhân gây tổn thương gan đặc biệt là những người bị viêm gan mãn tính.
Viêm dạ dày cấp, viêm đại tràng: trong ngày lễ Tết nguyên nhân chủ yếu là do uống nhiều rượu và sử dụng các chất kích thích như cà phê, ớt...
Táo bón: Ngày Tết, mọi người có xu hướng ăn nhiều bánh kẹo, đồ ngọt, các loại thức ăn chế biến nhiều từ thịt. Ăn nhiều lại vận động ít, thậm chí uống ít nước nên tình trạng táo bón cũng thường "hỏi thăm" dịp này.
Ăn có chừng, dừng đúng lúc
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Vân Hồng, để tránh những rắc rối cho đường tiêu hoá, một lời khuyên là chế độ ăn uống phải thực sự cân đối với đầy đủ các thành phần đạm, đường, mỡ, chất xơ, khoáng chất vitamin, uống đủ nước chế độ ăn đảm bảo số lượng vừa đủ no, đừng ăn thái quá, không ăn các bữa liên tiếp dồn nhau.
"Dấu hiệu để nhận biết chúng ta đang ăn quá mức là đầy bụng, ậm ạch khi thấy như vậy thì bữa sau giảm bớt số lượng xuống và tăng thời gian vận động lên, có như vậy ống tiêu sẽ vận động trở về bình thường. Cùng với đó mọi người cũng cần lưu ý khi đến dịp lễ hội thức ăn thường được lưu cữu qua nhiều ngày nên vấn đề an toàn thực phẩm cũng cần hết sức lưu ý vì có thể ăn phải sẽ bị ngộ độc thực phẩm", PGS. Hồng nói.
PGS. Hồng cũng cho hay, có những rối loạn tiêu hoá như tiêu chảy hay táo bón thì nghĩ đến nguyên nhân là chế độ dinh dưỡng chưa cân đối giữa các thành phần trong bữa ăn: đó là ăn quá nhiều đường, đạm, mỡ còn thiếu chất xơ và khoáng chất. Trong khi khoáng chất và chất xơ lại giúp đường tiêu hoá hoạt động tốt hơn. Do vậy khi có những rối loạn như vậy chúng ta phải bổ sung thành phần còn thiếu đặc biệt là rau xanh và nước, với số lượng nước mỗi ngày thì cơ thể cần 1,5 lít đến 2 lít mỗi ngày, tập luyện thể dục thể thao sẽ giúp cho vận động của đường tiêu hóa tốt hơn.
Còn tình trạng tiêu hoá bị rối loạn mệt mỏi, mất nước thậm chí xuất hiện sốt thì ta nghĩ ngay đến tình trạng nhiễm khuẩn của đường tiêu hóa. Một sai lầm mọi người hay mắc khi bị ngộ độc thực phẩm là sử dụng kháng sinh. Như vậy là không đúng, khởi đầu vẫn phải là điều chỉnh chế độ ăn trước.
Vào dịp Tết nhiều gia đình lựa chọn đi du lịch xa vì thế cần chú ý ăn uống, cung cấp dưỡng chất đầy đủ
Bên cạnh đó, Theo PGS. Hồng hiện nay vào dịp lễ Tết nhiều gia đình có các chuyến du lịch xa nên nếu đi xa cần chú ý ăn uống, cung cấp chất dinh dưỡng đầy đủ.Trong hành trang đi xa nên mang theo gói men tiêu hóa, để giúp bao phủ niêm mạc đường tiêu hóa, giảm bớt yếu tố vi khuẩn vi rus tấn công đường tiêu hóa…
PGS. Hồng cũng chia sẻ, nhiều người tâm sự với bà mỗi dịp lễ tết đến thường được mời ăn, có khi ngày ăn đến 4-5 bữa sau đó lại ăn vặt, bánh kẹo và tăng cân vùn vụt. Đây chính là nỗi ám ảnh lớn nhất mỗi mùa lễ tết.
Vì thế, theo PGS. Hồng, thật sự mỗi dịp lễ Tết thì nhà nào cũng nhiều thức ăn và sẵn sàng chào mời khách. Tuy nhiên ăn hay không ăn, ăn ở chừng mực nào để vừa có dinh dưỡng cân đối không quá thừa cũng không quá thiếu dinh dưỡng thì tự bản thân chúng ta có thể điều chỉnh được. Bởi khi chúng ta ăn uống không điều độ, không theo quy luật hàng ngày thì cơ thể hình thành phản xạ không điều kiện. Trước khi ăn cơ thể sẽ bài tiết men tiêu hóa acid để sẵn sàng bài tiết tiêu hóa thức ăn nhưng nếu chúng ta không ăn thì đây sẽ là yếu tố tấn công hệ tiêu hóa.
Vì thế ăn điều độ cân bằng tập luyện vẫn là những biện pháp vừa đơn giản, hiệu quả để phòng bệnh.