Ăn chay và ung thư theo y học hiện đại

07-07-2019 07:01 | Dinh dưỡng
google news

SKĐS - Chế độ ăn nhiều thực vật cũng có những lợi ích của nó. Ăn chay sử dụng nhiều thực vật, và giá trị phòng chống ung thư của các thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật là không thể phủ nhận, tuy nhiên các giá trị này không chắc chắn, rau củ quả có thể giúp chống lại nhiều loại ung thư nhờ các hóa chất trong thực vật có tác dụng điều hòa hormone hoặc làm chậm tăng trưởng của tế bào ung thư, chống viêm, chống lại quá trình oxy hóa.

Ăn chay là một phương cách tốt nhất để chữa trị hay phòng ngừa ung thư?

Chế độ ăn có thịt giàu dinh dưỡng như protein, sắt, khoáng chất… vốn rất cần thiết cho sức khỏe.

Trong khi đó chế độ ăn chay chỉ dựa trên thực vật thường ít protein nhưng giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất.

Ăn chay hay còn gọi là trai giới hay ăn lạt là một chế độ ăn uống chỉ gồm những thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật (trái cây, rau quả...), có hoặc không ăn những sản phẩm từ sữa, trứng hoặc mật ong, bơ, phô mai hoàn toàn không sử dụng các loại thịt (thịt đỏ, thịt gia cầm và hải sản, côn trùng) hoặc kiêng ăn các thực phẩm có được từ quá trình giết mổ.

Chế độ ăn nhiều thực vật cũng có những lợi ích của nó.Ăn chay sử dụng nhiều thực vật, và giá trị phòng chống ung thư của các thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật là không thể phủ nhận, tuy nhiên các giá trị này là không chắc chắn.

Rau củ quả có thể giúp chống lại nhiều loại ung thư nhờ các hóa chất trong thực vật có tác dụng điều hòa hormone hoặc làm chậm tăng trưởng của tế bào ung thư, chống viêm, chống lại quá trình oxy hóa.

Ăn chay và ung thư theo y học hiện đại

Một số loại rau củ quả được đánh giá là có thể phòng ngừa ung thư như các loại rau họ cải (cải xanh, cải xoong, bắp cải, súp lơ …. ), thực vật Allium như tỏi và hành, trà xanh, trái cây họ Cam quýt, đậu nành, cà chua và gừng… giúp điều hòa hệ enzyme phức tạp của cơ thể nhờ đó mà ngừa được ung thư, hoặc làm ngưng phát triển tế bào ung thư.

Ngược lại, việc tiêu thụ nhiều thịt đỏ sẽ làm tăng nguy cơ ung thư. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng cơ thể con người xem thịt đỏ như là một “kẻ ngoại xâm” và đã kích hoạt một đáp ứng miễn dịch độc hại.

Nhiều kết quả phòng chống ung thư của thực vật là kết quả trong phòng thí nghiệm, chưa có nghiên cứu thực tế trên cơ thể người

Thịt đỏ có chứa một loại đường gọi là Neu5Gc mà cơ thể con người không thể sản sinh một cách tự nhiên. Do đó, khi con người ăn thịt đỏ, cơ thể sẽ kích hoạt một đáp ứng miễn dịch đối với loại đường lạ này, tạo ra những kháng thể gây viêm nhiễm và cuối cùng dẫn đến ung thư.

Tuy nhiên, kết quả phòng chống ung thư của thực vật là kết quả trong phòng thí nghiệm, chưa có nghiên cứu thực tế trên cơ thể người.Khoảng cách từ nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đến thực tế là khá xa và thậm chí là không trùng nhau.Không nên vội vã thần tượng hóa các kết quả trong phòng thí nghiệm mà mang ứng dụng ngay vào thực tế, sẽ không được kết quả giống như vậy.

Hiện chưa có bằng chứng nào trên thực tế về việc ăn chay có tác dụng phòng và trị ung thư.

Vấn đề phòng và trị bệnh nên chú ý vào các nguyên nhân gây ung thư gồm hút thuốc, dinh dưỡng không hợp lý, thiếu vận động thể lực, sử dụng nhiều rượu bia..., từ đó chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt hợp lý tốt hơn là chỉ lo ăn chay để phòng và chữa bệnh.

Chế độ ăn chay cũng có mặt trái của nó, theo các nhà nghiên cứu đã tiến hành phân tích các chuỗi gien di truyền của nhóm người ăn chay ở Ấn Độ và nhóm người ăn chay ở Mỹ. Kết quả cho thấy, có 68% gien biến dị gây nguy cơ mắc bệnh tim và ung thư ở người Ấn Độ, trong khi ở người Mỹ con số này chỉ là 18%. Cũng trong nghiên cứu này, nhóm tác giả cho biết người Ấn Độ với chế độ ăn chủ yếu dựa trên nền tảng rau củ quả đã phát sinh một biến dị gien khiến họ dễ mắc bệnh tim và ung thư ruột già.

Một nghiên cứu khác cho thấy, nếu ăn nhiều đậu nành, thành phần dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe, tuy nhiên nếu đã bị ung thư vú, dùng nhiều đậu nành lại có thể làm phát triển khối u.

Thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật cũng có chứa nhiều chất dinh dưỡng như sắt, kẽm, vitamin B12,... nhưng ít hơn so với thực phẩm có nguồn gốc từ động vật. Nếu ăn chay trong thời gian dài và không bổ sung đầy đủ chất, con người có thể rơi vào tình trạng thiếu máu.

Ăn chay và ung thư theo y học hiện đạiKiểm tra sức khỏe định kỳ - cách tốt nhất  hiện nay để phòng bệnh ung thư

Ăn chay đúng cách

Người ăn chay nên ăn đa dạng nhiều loại thực phẩm trong khẩu phần ăn hàng ngày của mình.Tốt nhất nên đủ các nhóm thực phẩm như chất đạm (nguồn gốc từ thực vật như đậu, đỗ, nấm; các sản phẩm từ sữa (sữa tươi, bơ, phô mai, sữa chua...), chất béo (các loại dầu ép và hạt có dầu), các loại tinh bột/đường (gạo, ngô, khoai), các loại rau, hoa, quả và muối khoáng.

Ngoài ra, cũng nên hạn chế các thức ăn công nghiệp vì chúng có sử dụng màu thực phẩm, chất phụ gia, chất bảo quản, mùi...

Trong phòng và điều trị ung thư, điều quan trọng là phải có chế độ ăn uống cân bằng, chứ không phải thiên lệch về trường phái ăn uống nào đó. Ăn uống cân bằng tức là sẽ tận dụng được các nguồn dinh dưỡng cho cơ thể và hạn chế tác hại khi ăn quá nhiều thực vật hay động vật.

Khi chưa bị bệnh, ăn uống cân bằng để có cơ thể khỏe mạnh, từ đó tạo lá chắn cho cơ thể phòng chống mọi bệnh tật.Khi đã bị bệnh, ăn uống cân bằng để cơ thể có năng lượng để phục hồi, chống chọi lại với bệnh tật.

Nếu bắt buộc phải ăn chay (vì lý do tôn giáo…) nên tìm hiểu thế nào là ăn chay hợp lý và cân bằng để cơ thể không bị thiếu chất.Nếu không cần thiết phải ăn chay nên ăn chế độ ăn nhiều rau củ quả, ăn ít thịt. Bên cạnh đó, không sử dụng chất kích thích như thuốc lá, rượu bia,...

Kiểm tra sức khỏe định kỳ.cách tốt nhất hiện nay để phòng bệnh ung thư. Khi phát hiện ra bệnh, nên bình tĩnh và tin tưởng vào thầy thuốc điều trị cho mình để có cuộc sống vui khỏe phòng chống bệnh tật hiệu quả.


BS.CKII. HUỲNH TẤN VŨ
Ý kiến của bạn