Lời dẫn: Con người ăn chay vì nhiều lý do, bao gồm sức khỏe, niềm tin tôn giáo, mối quan tâm về quyền lợi động vật hoặc góp phần bảo vệ trái đất.
Tuy nhiên, không phải ai cũng được “suôn sẻ” với chế độ ăn chay của mình. Một số người gặp không ít khó khăn do lựa chọn một chế độ ăn chay. Lý do vì họ chưa hoàn toàn hiểu biết về vấn đề ăn chay cũng như chưa có một kế hoạch ăn chay hợp lý. Ngoài ra, những người xung quanh họ hay cộng đồng cũng có những hiểu biết khiêm tốn về ăn chay, do vậy vô tình hoặc cố tình làm ảnh hưởng đến việc ăn chay của họ.
Bài viết cung cấp những thông tin ở góc độ khoa học và bàn luận xung quanh vấn đề ăn chay giúp mọi người hiểu biết hơn về vấn đề này. Từ đó, người đang ăn chay có thể tự tin tiếp tục duy trì chế độ ăn này và có ý tưởng về một kế hoạch ăn chay hợp lý hơn. Những người chưa ủng hộ việc ăn chay có thể có cái nhìn khác về vấn đề này hoặc có cái nhìn rộng hơn về vấn đề ăn uống của loài người.
Kỳ 1: Thay đổi tư duy về ăn chay!
Con người ăn chay vì nhiều lý do, bao gồm sức khỏe, niềm tin tôn giáo, mối quan tâm về quyền lợi động vật hoặc việc sử dụng kháng sinh và hormone trong chăn nuôi, hay họ muốn ăn theo cách mà tránh sử dụng quá nhiều tài nguyên môi trường cũng như để bảo vệ trái đất. Một số người theo một chế độ ăn uống chủ yếu là ăn chay, vì họ không có đủ khả năng để ăn thịt. Ăn chay đã trở nên hấp dẫn hơn và dễ tiếp cận, nhờ vào sự sẵn có quanh năm của sản phẩm tươi.
Trong những năm gần đây, các nghiên cứu đều khẳng định những lợi ích sức khỏe của việc ăn chay với một kế hoạch hợp lý. Ngày nay, ăn thực vật được công nhận là không chỉ có hàm lượng dinh dưỡng đầy đủ mà còn là chế độ ăn uống để giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh mãn tính như bệnh tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường tuýp 2.
Tuy nhiên, hiện nay, số lượng người chọn chế độ ăn này trên thế giới vẫn chỉ là thiểu số (Theo thống kê năm 2014, tỷ lệ người ăn chay chiếm 2 - 5% dân số Hoa Kỳ tùy theo cách thức ăn chay). Do vậy, những người chọn chế độ ăn này gặp không ít khó khăn để giải quyết các tình huống phát sinh từ cách ăn uống không giống với hầu hết những người xung quanh (bạn bè, đồng nghiệp, người thân trong gia đình). Nhiều người bị phản đối mạnh mẽ do quyết định theo chế độ ăn này và dẫn đến những mâu thuẫn không đáng có. Sở dĩ để dẫn đến một kết quả như vậy, điều đầu tiên do người ăn chay chưa chuẩn bị tâm lý thật tốt cho mọi người, đặc biệt là những người thân sát bên cạnh mình.
Điều thứ hai, do cộng đồng còn nhiều người chưa hiểu biết về ăn chay. Hoàn toàn dựa trên thói quen lâu đời của loài người về một chế độ không ăn chay từ trước đến giờ để nhận định và kết luận. Họ thường cho rằng “ăn chay thiếu chất”, “ăn chay bị thiếu máu, bủn rủn chân tay”, “ăn chay không tạo được cơ bắp khỏe mạnh”… Đây hoàn toàn là những kết luận không có căn cứ khoa học mà cộng đồng tự đưa ra và tự cài đặt trong suy nghĩ của mình. Họ không được tiếp cận với những nghiên cứu về ăn chay, cũng như không được hướng dẫn bởi bất cứ chuyên gia dinh dưỡng nào cụ thể là chuyên gia về lĩnh vực ăn chay nên mới có những đánh giá như vậy. Con người thường có xu hướng tin theo những gì họ “muốn tin”, ví dụ một số người thích ăn thịt và bấy lâu nay gia đình họ ăn rất nhiều thịt thì họ “muốn tin” rằng một chế độ ăn tốt nhất thì không thể thiếu thịt. Và lẽ thường tình, con người ta hầu hết tin theo những gì mà người ta thấy quen thuộc, thấy thật phổ biến trong đại đa số ở thế giới xung quanh.
Thực tế lại khác, chân lý hay những điều giúp con người sống tốt đẹp, bền vững, đạt được hạnh phúc bền lâu không hẳn thuộc về đa số (thậm chí tuyệt đại đa số) hay những gì vô cùng quen thuộc, rất đỗi tự nhiên đang diễn ra xung quanh. Mọi người cần hết sức lưu ý điều này để có một lối tư duy thích hợp về mọi việc trong xã hội ngày nay.
Theo Hiệp Hội Dinh dưỡng Hoa Kỳ: “Chế độ ăn chay, bao gồm cả ăn thuần chay, với một kế hoạch hợp lý, là chế độ ăn khỏe mạnh, đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ, và có thể mang lại lợi ích trong việc phòng ngừa và điều trị một số bệnh. Một chế độ ăn chay đúng cách thích hợp cho mọi người trong mọi giai đoạn của cuộc đời kể cả lúc mang thai, thời kỳ cho con bú, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người trưởng thành và cho cả vận động viên” (Ghi chú: Ăn thuần chay - Vegan là không sử dụng bất kỳ sản phẩm nào có nguồn gốc động vật trong khẩu phần ăn như thịt, trứng, sữa…. Link tài liệu: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/19562864)
Trong hướng dẫn chế độ ăn uống của Mỹ năm 2010, Bộ Nông Nghiệp và Bộ Y tế & Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ đã đề xuất một chế độ thích ứng ăn chay, bao gồm một chế độ ăn chay cân bằng. Đồng thời, trong Hướng dẫn đưa ra một số bằng chứng từ các nghiên cứu về ăn chay: “Trong các nghiên cứu tiến cứu đối với người trưởng thành, so với chế độ không ăn chay, chế độ ăn chay có liên quan đến giảm nguy cơ các bệnh tim mạch và tỷ lệ tử vong thấp hơn. Một vài thử nghiệm lâm sàng đã chứng minh rằng chế độ ăn chay giúp giảm huyết áp. Những đặc điểm này và một số yếu tố lối sống khác liên quan đến chế độ ăn chay có thể cải thiện các kết quả sức khỏe tích cực. (Link tài liệu:https://health.gov/dietaryguidelines/dga2010/dietaryguidelines2010.pdf)
Thêm vào đó, trong một báo cáo năm 2010, Liên Hợp Quốc kêu gọi toàn thế giới chuyển sang ăn thuần chay. Trong báo cáo, Liên Hợp Quốc tuyên bố: "Với dân số thế giới đang tiến dần đến 9,1 tỉ người, chế độ ăn nhiều thịt và sữa kiểu phương Tây là không bền vững. Toàn thế giới chuyển sang ăn Thuần Chay là giải pháp sống còn để cứu thế giới khỏi nạn đói, sự kiệt quệ nhiên liệu và những tác động tồi tệ nhất lên biến đổi khí hậu".
Báo cáo của Liên Hợp Quốc chủ yếu đề cập đến khía cạnh lương thực và biến đổi khí hậu. Nhưng như vậy cũng đủ để thấy tầm quan trọng của việc chuyển sang chế độ ăn chay với việc “cứu thế giới”.
(Còn nữa...)