Hà Nội

Ăn chay gián tiếp gây biến đổi khí hậu

24-03-2016 10:29 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Những người ủng hộ việc ăn chay bao gồm cả những người ăn chay trường đang chọn cách tiêu thụ thực vật như một cách hữu hiệu để bảo vệ môi trường sống bằng cách cắt giảm sử dụng năng lượng và khí thải nhà kính. Nhưng liệu họ có biết rằng phương pháp ăn chay phần nào đó phải chịu trách nhiệm gây biến đổi khí hậu, hủy hoại môi trường hơn những người ăn thịt ?

Nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học tại Đại học Carnegie Mellon (CMU), Mỹ tiến hành tổng hợp và thẩm định về lượng nước sử dụng, năng lượng tiêu tốn và lượng khí thải phát ra trong quá trình sản xuất đối với 1kg của hơn 100 loại thực phẩm. Kết quả cho thấy: thực phẩm chay như rau, củ quả… tiêu tốn năng lượng và nước nhiều hơn. Giáo sư Paul Fishchbeck, tác giả nghiên cứu cho biết: “Ăn rau diếp tốn gấp ba lần lượng khí thải nhà kính so với ăn thịt xông khói. Bên cạnh đó, rất nhiều loại rau thông thường đòi hỏi nhiều năng lượng hơn bạn nghĩ”.


Các món ăn có nguồng gốc thực vật tiêu tốn nhiều năng lượng và nước hơn

Theo số liệu về biểu đồ xếp loại thực phẩm theo lượng khí thải phát sinh trong quá trình sản xuất: động vật nhai lại (trâu, bò), thị cừu tạo ra 39 kg carbon dioxide cho mỗi kg thịt, tương ứng với thịt lợn là 12, gà tây 11, gà 7. Thực vật có lượng khí thải phát sinh thấp hơn, cụ thể: khoai tây là 3, đậu lăng 1. Thực vật có lượng khí thải thấp nhưng không đồng nghĩa với việc sử dụng hoàn toàn thực phẩm thực vật thì lượng khí thải và hiệu ứng nhà kính giảm. Lý giải điều này theo Giáo sư Paul Fischbeck: “Một kilogram thịt bò sẽ cung cấp 2280 calorie, tức là gần đủ mức trung bình. Nếu thay 1 kg thịt bò bằng 1 k rau cải xanh thì cần tới 6,7 kg cải xanh để cân bằng lượng calorie cần thiết. Vì mỗi kg cải xanh chỉ cung cấp 340 calo. Như vậy, chắc chắn việc sản xuất một lượng lớn thực phẩm rau cải xanh để bù đắp lượng calo thiếu hụt so với 1 kg thịt bò sẽ tốn nhiều năng lượng, hiệu ứng nhà kính, lượng khí thải”.

Mâm cơm chay (ảnh minh họa)

Tầm quan trọng của nghiên cứu trên cho thấy cần phải xem xét lại chế độ ăn uống của chúng ta ảnh hưởng như thế nào đến môi trường và các nguồn tài nguyên. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì hơn lúc nào hết, trái đất đang có sự biến đổi khí hậu rõ rệt và cạn kiệt dần các nguồn tài nguyên thiên nhiên.


Q.Tuấn
Ý kiến của bạn