Ăn cháo ấu tẩu rồi đi viện cấp cứu

18-06-2021 19:50 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Chị Vũ Thị Mầu trú tại huyện Yên Bình, Yên Bái đến viện trong tình trạng lơ mơ, vã mồ hôi, chân tay lạnh, người vật vã, mạch nhanh nhỏ khó bắt, huyết áp tụt, da tái nhợt, tê lưỡi, nôn, hoa mắt chóng mặt…

BS Vũ Hoàng Toàn, Khoa Hồi sức - Cấp cứu, TTYT huyện Yên Bình cho biết, ngay sau khi chị M. được đưa đến viện, kíp trực cấp cứu đã lập tức rửa dạ dày loại bỏ chất độc ra ngoài, dùng thuốc chống loạn nhịp, bù dịch, dùng thuốc vận mạch… Hiện tại, sau khi cấp cứu, hồi sức và điều trị tích cực, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.

Sau 1 ngày điều trị, chị Mầu đã tỉnh táo và kể lại. Chị tự tìm hiểu trên internet thấy củ ấu tẩu (gấu tầu) có nhiều tác dụng, nên đã tự tiến hành sơ chế và nấu cháo ấu tẩu (gấu tầu) để ăn.

Sau ăn khoảng 20 phút bắt đầu cảm thấy tê lưỡi, nóng mặt, hoa mắt chóng mặt, buồn nôn, đau đầu dữ dội, đau bụng, tức ngực, khó thở nên được người nhà đưa đi cấp cứu.

Chị Mầu nhận hoa chúc mừng trong ngày ra viện từ Giám đốc TTYT Yên Bình, Yên Bái

TS.BS. Nguyễn Song Hào – Giám đốc TTYT huyện Yên Bình, Yên Bái cho biết, đây là ca bệnh đầu tiên do ngộ độc dược liệu được cấp cứu kịp thời tại đơn vị, thể hiện sự thay đổi rõ nét về trình độ, tác phong, thái độ làm việc của đội ngũ y bác sĩ nơi đây.

BS Hào khuyến cáo: Củ ấu tẩu (gấu tầu) là rễ củ của cây ô đầu phụ tử, được xếp vào danh sách thuốc độc bảng A, là một vị thuốc quý đứng thứ 4 trong “tứ đại danh dược” (sâm, nhung, quế, phụ) sau khi được bào chế cẩn thận.

Theo đông y, củ ấu tẩu thường được dùng làm rượu thuốc để xoa bóp chữa các chứng đau, tê, nhức, mỏi. Tuy nhiên, trong thành phần của nó chứa aconitin là một chất rất độc.

Trong trường hợp uống rượu ngâm củ ấu tẩu hoặc bệnh nhân tự ý dùng thuốc có chứa aconitin… aconitin ngấm rất nhanh qua da và niêm mạc dạ dày, ruột để vào máu gây nên các triệu chứng: đầu tiên là các rối loạn cảm giác tại chỗ, cảm giác kiến bò ở lưỡi rồi mất hết cảm giác dẫn tới tê môi, lưỡi, họng và mặt, đôi khi gây cảm giác như đầu to ra; các chi cũng có thể mất cảm giác.

TS Nguyễn Song Hào khuyến cáo: Không được tự ý sử dụng củ ấu tẩu (gấu tầu)

Ngoài ra, các triệu chứng khác thường gặp là người bệnh thấy lo sợ, khó chịu, buồn bã chân tay, tiếp theo là các rối loạn thần kinh thực vật: buồn nôn, nôn mửa, vã mồ hôi, chảy nước dãi, co giật thớ cơ, có thể ngất, hạ thân nhiệt.

Rối loạn hô hấp: Khó thở, nhịp thở chậm, tình trạng tăng tiết gây ứ đọng khí phế quản, ngừng thở. Rối loạn nhịp tim là triệu chứng hay gặp và thường nặng, có thể gây tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời và đúng cách.

Vì củ ấu tẩu rất độc nên người dân tuyệt đối không tự ý sử dụng. Khi dùng các chế phẩm thuốc có thành phần là củ ấu tẩu phải hết sức thận trọng và theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc có kinh nghiệm.

Không tự chế biến củ ấu tàu làm thức ăn nếu không biết cách chế biến để loại bỏ độc tố. Tuyệt đối không được uống rượu ngâm củ ấu tàu, sẽ bị ngộ độc dẫn đến tử vong.

Các loại rượu ngâm ấu tẩu dùng để xoa bóp phải dán nhãn rõ ràng, cất giữ nơi an toàn, xa tầm tay trẻ em, để tránh nhầm lẫn khi sử dụng.

Chính quyền địa phương cần tuyên truyền để người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa hiểu biết về củ ấu tẩu và cách sử dụng, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.


Thu Hiền
Ý kiến của bạn