Hà Nội

Ăn cay: sống lâu hay giảm thọ?

29-04-2012 10:54 | Y học 360
google news

Nhiều người có thói quen bữa cơm nào cũng phải ăn ba, bốn trái ớt sống mới đã miệng. Theo một số thông tin trên internet nói ăn ớt giúp giảm cân, chống ung thư, cải thiện hệ tiêu hoá nhưng cũng có tài liệu cảnh báo ăn ớt nhiều dễ bị đau dạ dày, hư tim, thận… Vậy thông tin nào là có cơ sở?

Nhiều người có thói quenbữa cơm nào cũng phải ăn ba, bốn trái ớt sống mới đã miệng. Theo một số thông tin trên internet nói ăn ớt giúp giảm cân, chống ung thư, cải thiện hệ tiêu hoá nhưng cũng có tài liệu cảnh báo ăn ớt nhiều dễ bị đau dạ dày, hư tim, thận… Vậy thông tin nào là có cơ sở?
Đã có nghiên cứu chứng minh ăn quá nhiều ớt có thể gây tử vong. Ảnh: Ivar.

Lợi tiêu hoá? Đúng, nếu ăn vừa phải

Theo đông y, ớt có tác dụng tán hàn, kiện tỳ, tiêu thực, giảm đau, thường dùng để chữa đau bụng do lạnh, tiêu hoá kém, đau khớp... Còn y học hiện đại cho thấy vỏ ớt chứa chất capsaicine khá cao (0,2%). Trái ớt chín đỏ chứa một lượng lớn vitamin C; ngoài ra còn có nhiều sắt, canxi, phốtpho, vitamin nhóm B và beta-caroten... Một số nghiên cứu ở Trung Quốc cho thấy capsaicine kích thích não sản xuất endorphine, giúp giảm đau. Hãng Bioglan từng đưa ra thị trường Anh một loại thuốc có tên Zacine, bào chế dưới dạng kem bôi, chứa 0,025% capsaicine dùng giảm đau trong viêm xương khớp. Các nhà khoa học ở Pháp còn phát hiện ớt làm giảm cholesterol trong máu, tránh đông máu, đẩy nhanh sự trao đổi chất, nâng cao tính miễn dịch cơ thể. Nghiên cứu của các nhà khoa học ở đại học Tasmania (Úc) ghi nhận tác dụng của ớt đối với lượng insulin và glucose trong cơ thể. Ăn cay vừa phải giúp tăng tiết dịch vị, tiêu hoá tốt, ngon miệng hơn, đồng thời tránh tình trạng đầy hơi.

Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cũng khuyến cáo không nên ăn quá nhiều ớt. Vị chát trong ớt sẽ kích thích mạnh niêm mạc dạ dày, gây đau bụng, tiêu chảy. Các bệnh ung thư thực quản, viêm dạ dày, loét dạ dày đều có một phần nguyên nhân từ thói quen ăn quá nhiều chất cay. Ăn quá nhiều ớt còn tác động xấu đến các đầu dây thần kinh, làm tổn thương niêm mạc dạ dày và ruột, dẫn đến bệnh viêm dạ dày mãn tính. Ăn cay sẽ khiến khó ngủ, đặc biệt là người già.

Giảm béo, chống ung thư? Khoa học chưa công nhận

Thông tin “ăn ớt để giảm béo” thực sự không có căn cứ khoa học chính thống. Có tác giả lý giải chất cay trong ớt đẩy nhanh quá trình trao đổi chất và sự bài tiết của thận, gây đốt cháy mỡ trong cơ thể. Lý giải này chưa được y văn đông, tây y công nhận. Ăn ớt có thể làm cho da hồng hào, ấm người, tăng nhanh tác dụng trao đổi chất cục bộ, nhưng hiệu quả này không kéo dài nên rất khó làm giảm béo như các phương pháp khoa học khác. Còn thông tin “ăn ớt có thể chống ung thư” đến nay cũng chưa được khoa học công nhận. Có tài liệu giải thích trong ớt có hàm lượng lớn chất chống oxy hoá, có thể giết chết tế bào ung thư, nhưng điều này vẫn đang tiếp tục tranh cãi. Theo một số nghiên cứu gần đây tại Anh và Mỹ, chất capsaicin trong ớt làm 80% tế bào gây ung thư tuyến tiền liệt chết đi và làm những khối u nhỏ dần. Tuy vậy, các nhà nghiên cứu cũng cảnh báo, để có được lượng capsaicin đủ cho tác dụng như vậy, người bệnh phải tiêu thụ rất nhiều ớt cay và có thể dẫn tới ung thư dạ dày.

Để dùng ớt cho an toàn, trong chế biến thực phẩm, nên cho ớt ở mức vừa phải. Ăn ớt theo kiểu cách nhật là tốt nhất. Không nên ăn các chất cay vào buổi tối, sẽ gây mất ngủ. Tuỳ thể trạng mỗi người mà lượng ớt ăn sẽ khác nhau. Một nghiên cứu năm 1980 chứng minh 1,3kg ớt bột Bhut Jolokia nếu cùng lúc đưa vào cơ thể có thể khiến một người bình thường nặng khoảng 68kg tử vong. Người bệnh huyết áp, lao phổi không nên ăn ớt, bởi chất cay sẽ kích thích tuần hoàn máu, khiến tim đập nhanh hơn, tạo gánh nặng cho tim mạch. Người viêm họng, mắc bệnh dạ dày – thực quản, trĩ, đau mắt, bệnh liên quan đến tim, mật, thận… nên ít ăn hoặc không ăn ớt. Sản phụ hay phụ nữ đang cho con bú không nên ăn ớt vì sẽ ảnh hưởng đến thai nhi cũng như chất lượng sữa cho bé. Theo các nhà khoa học, mẹ ăn cay khi mang thai sẽ dễ gây bệnh dị ứng cho trẻ sau này.

ThS.BS. Nguyễn Thị Ngọc
Hội Dinh dưỡng lâm sàng TP.HCM
(TheoSGTT)

Ý kiến của bạn