Nguy cơ nhiễm trùng, vi khuẩn và cách phát hiện
Ngày nay, do tỷ lệ ô nhiễm môi trường tăng cao, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước, các sinh vật ở sông, biển mang một lượng chất độc hại hóa học rất lớn. Các nhà khoa học đã phát hiện ra trong miếng cá sống có nhiều vi khuẩn và ký sinh trùng có hại như listeria, vibrio, clostridium, salmonella và giun.
Và nếu ăn phải những thực phẩm chứa vi khuẩn, ký sinh trùng rất dễ lây nhiễm nhất là người có hệ miễn dịch yếu như người già, trẻ nhỏ và người bệnh HIV.
- Nguy cơ nhiễm trùng do giun từ hải sản sống hoặc nấu chưa chín
Nếu ăn hải sản sống hoặc nấu chưa chín có thể mắc bệnh bệnh nhiễm trùng do giun. Các nhà khoa học đã tìm thấy ký sinh trùng có mặt thường xuyên ở trong cá tuyết, cá hồi, cá trích, cá bơn.
Nhiều nghiên cứu cho thấy nếu ăn cá sống hoặc nấu chưa chín có thể mắc Anisakiasis – đây là một bệnh nhiễm trùng do giun. Anisakis là một giống ký sinh trùng giun tròn, có chu kỳ liên quan đến một số loài cá và động vật có vú ở biển.
Chúng nhiễm cho người và gây ra bệnh Anisakiasis. Khi mắc người bệnh có thể đau bụng dữ dội, buồn nôn và nôn mửa trong vòng vài giờ sau khi ăn. Thậm chí, giun có thể chui vào thành ruột, gây ra phản ứng miễn dịch cục bộ hoặc viêm trong ruột.
- Nguy cơ nhiễm vi khuẩn Vibrio
Nếu ăn cá và động vật có vỏ sống hoặc nấu chưa chín, đặc biệt là hàu sống rất dễ nhiễm vi khuẩn Vibrio. Khi đó, nhiễm trùng có thể gây ra các triệu chứng như tiêu chảy, đau quặn bụng, buồn nôn, nôn mửa, nhức đầu, sốt và ớn lạnh.
Vibrio vulnificus là một loại vi khuẩn sống ở vùng nước mặn, nước lợ. Những người dân có bệnh nền như đái tháo đường, suy giảm miễn dịch rất dễ nhiễm loại vi khuẩn này. Đây là loại bệnh cảnh dễ nhầm với các bệnh cảnh nhiễm trùng huyết khác như vi khuẩn liên cầu lợn, nhiễm não mô cầu, tụ cầu, liên cầu,...Hiện nay, Vibrio đã được xác nhận là nguyên nhân gây ra nhiều vụ ngộ độc thức ăn do ăn cá biển và hải sản.
Biểu hiện có thể trở nên nghiêm trọng ở những người bị bệnh gan hoặc hệ thống miễn dịch suy yếu, vi khuẩn có thể xâm nhập vào máu, gây nhiễm trùng toàn thân đe dọa tính mạng.
- Nguy cơ nhiễm vi khuẩn Listeriosis
Nếu ăn hải sản sống, sữa chưa tiệt trùng, các loại rau mầm sống và một số loại thực phẩm có thể sẽ nhiễm vi khuẩn Listeria monocytogenes. Điều đáng lo hơn là bệnh do nhiễm khuẩn Listeria gây ra rất nguy hiểm ở những trường hợp: phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh (vi khuẩn có thể truyền qua nhau thai), những người trên 65 tuổi, người có hệ thống miễn dịch suy yếu.
Các triệu chứng của bệnh thường bắt đầu xuất hiện vài ngày sau khi ăn/uống phải các loại thực phẩm bị nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, có một số trường hợp thời gian ủ bệnh kéo dài đến 2 tháng mới xuất hiện các dấu hiệu đầu tiên của bệnh.
Các dấu hiệu của bệnh thường gặp là: tiêu chảy, sốt nhẹ, buồn nôn, nôn, đau cơ, có các cơn ớn lạnh hoặc rùng mình, đôi khi có các biểu hiện giống cúm. Nếu xuất hiện tình trạng nhiễm Listeria vào hệ thần kinh các diễn biến thường nặng hơn, có thể dẫn đến viêm não, màng não và nhiễm khuẩn huyết ở trẻ sơ sinh, người lớn, gây sảy thai ở phụ nữ có thai.
Bất kỳ thực phẩm tươi sống nào có nguồn gốc động vật đều có nguy cơ ô nhiễm vi khuẩn. Đặc biệt Listeria monocytogenes có nhiều trong sữa, các sản phẩm của sữa không được bảo quản lạnh thích hợp, pho mát mềm; ngoài ra còn thấy ở patê, thịt tươi sống hoặc thịt đông lạnh, gà vịt, rau quả tươi, tôm, cua…
- Nguy cơ nhiễm khuẩn salmonella
Vi khuẩn Salmonella có thể được tìm thấy ở một số nguồn thực phẩm khác nhau như: thịt, trứng, một số loại rau và cá sống bao gồm cá hồi và cá ngừ… Đây là một loại vi khuẩn có thể gây ra bệnh đường tiêu hóa.
Vi khuẩn Salmonella (Salmonella) là một trong 4 nguyên nhân chính gây ra bệnh tiêu chảy trên toàn thế giới. Hầu hết các trường hợp nhiễm khuẩn salmonella đều nhẹ, nhưng đôi khi căn bệnh này đe dọa đến tính mạng. Mức độ nghiêm trọng của bệnh phụ thuộc vào các yếu tố vật chủ và kiểu huyết thanh Salmonella.
Lời khuyên thầy thuốc
Để phòng tránh nhiễm trùng, vi khuẩn cần thói quen ăn uống vệ sinh, an toàn. Cụ thể:
- Để thịt tươi sống riêng biệt với rau và các thực phẩm ăn sẵn khác. Sau khi mua cần bảo quản đúng cách và sớm.
- Cần rửa sạch tay trước và sau khi sơ chế thực phẩm. Rửa sạch rau và trái cây dưới vòi nước chảy.
- Nấu, bảo quản tủ lạnh, cấp đông thịt, gia cầm, trứng, cá và các thực phẩm ăn tươi đúng cách.
- Cần nấu chín kỹ thực phẩm chú ý nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ cá sống (gồm món sushi, sashimi), trai, hàu.
Nếu chọn ăn sushi, sashimi làm từ cá sống, cần đảm bảo rằng cá đã được bảo quản đông lạnh an toàn (-35°C). Tốt nhất lựa chọn địa chỉ có uy tín, rõ nguồn gốc xuất sứ để đảm bảo an toàn.
Mời độc giả xem thêm video:
Một số lưu ý để phòng tránh ngộ độc thực phẩm