Trong một hội thảo về đàn bầu gần đây, một số nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc khá lo lắng lẫn bức xúc khi hay tin quốc gia khác có ý định sở hữu “bản quyền” đàn bầu, dù nhạc cụ này được khẳng định có xuất xứ, tồn tại và phát triển ở Việt Nam. Trước nguy cơ đàn bầu bị “ăn cắp” bản quyền, đa số ý kiến cho rằng chúng ta cần khẩn trương xây dựng hồ sơ đàn bầu trình UNESCO để công nhận Di sản văn hóa thế giới.
Đàn bầu là của người Việt
Hầu hết các nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc, các nhạc sĩ... ở nước ta cũng như nhiều chuyên gia quốc tế khác khi đề cập đến cây đàn bầu (còn gọi là độc huyền cầm) đều nhận định, nhạc cụ này xuất xứ ở Việt Nam và mang nhiều giá trị. Cho đến nay, chưa có thời gian cụ thể đàn bầu ra đời ở nước ta, song qua nhiều công trình nghiên cứu, tài liệu và cả điển tích lịch sử đều khẳng định cây đàn bầu xuất hiện ở Việt Nam từ nhiều thế kỷ trước.
NSND. Nguyễn Tiến giới thiệu về đàn bầu Việt Nam với bạn bè quốc tế trong một sự kiện gần đây.
Vì đàn bầu xuất phát từ dân gian, nên ít được nhắc đến trong sách sử. Phải đợi tới thời vua Thành Thái, đàn bầu mới được thay thế đàn tam trong ngũ tuyệt tranh - tỳ - nhị - nguyệt và bầu. Theo NSND. Nguyễn Thị Thanh Tâm, chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định đàn bầu có xuất xứ từ Việt Nam, hơn nữa nhạc cụ này không “đụng hàng” với một loại đàn nào tương tự trên thế giới. NSND. Thanh Tâm phân tích, đàn bầu ở nước ta đã phát triển ở trình độ cao hơn hẳn, đặc biệt là về mặt âm sắc, tính năng của nhạc cụ cũng như sự phổ biến trong đời sống xã hội. Trong khi đó, dù các truyền thuyết của đàn bầu ở Việt Nam có những mốc khác nhau về thời gian, song hầu hết có điểm chung là đàn bầu được trời (Phật, Bụt) ban tặng cho những người lao động có số phận kém may mắn để kiếm sống với nghề hát xẩm.
Trong đời sống âm nhạc nước ta từ xưa đến nay, đàn bầu xuất hiện trong những làn điệu dân ca, các môn nghệ thuật như tuồng, chèo, cải lương, xẩm. Trong thời đại mới, đàn bầu của Việt Nam vẫn tham gia diễn tấu ăn ý với các nhạc cụ hiện đại, hòa tiếng réo rắt,
khoan thai và cả rộn ràng theo giai điệu nhạc nước ngoài, nhạc đương đại. Vì thế, NSND. Nguyễn Tiến nhận định, đàn bầu không những đánh linh hoạt được các quãng của âm nhạc ngũ cung mà có thể chơi ở các gam hoặc có thể chơi được cả ở các nốt của âm nhạc Tây phương. Nhà thơ Meray (người Pháp) khi được nghe tiếng đàn bầu do các nghệ sĩ Việt thể hiện đã thốt lên: “Cây đàn bầu giống với con người Việt Nam: giàu lòng nhân ái, giản dị mà thanh tao, đơn sơ mà phong phú”.
Cần nhanh chóng “đóng dấu bản quyền”
Với các giá trị, dẫn chứng về nguồn gốc ra đời trên của cây đàn bầu ở trên đã khẳng định nhạc cụ này chỉ có ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong Hội thảo khoa học “Cây đàn bầu Việt Nam” vừa qua, GS.TS. Trần Quang Hải đưa ra thông tin khiến nhiều chuyên gia giật mình, lo lắng và bức xúc. Theo đó, GS.TS. Trần Quang Hải chia sẻ, một quốc gia khác trong những năm gần đây đã mời một số nhà nghiên cứu sưu tầm tài liệu để viết về đàn bầu và đưa lên từ điển trên mạng để tuyên bố đàn bầu là nhạc cụ của nước họ chứ không phải Việt Nam. Ở một góc độ khác, nhạc sĩ Đức Trí cho biết ông từng xem trên kênh truyền hình quốc gia này có buổi hòa tấu nhạc dân tộc, trong đó có xuất hiện cây đàn bầu trong dàn nhạc dân tộc. Cũng có thông tin, hiện nay quốc gia đang có ý định “ăn cắp” bản quyền đàn bầu của chúng ta mở hẳn một khoa giảng dạy về đàn bầu tại Học viện âm nhạc, đồng thời nhiều học sinh nước này đang theo học về đàn bầu tại Việt Nam.
Chính những yếu tố trên đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ đàn bầu của Việt Nam bị một quốc gia khác “ăn cắp” bản quyền. Nếu chúng ta không lên tiếng và có biện pháp bảo vệ thì trải qua thời gian, đàn bầu nước nhà sẽ bị xâm hại. Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam - GS. Tô Ngọc Thanh thẳng thắn cho biết, nếu càng để lâu chúng ta càng có nguy cơ mất chủ quyền với cây đàn bầu của Việt Nam. Trước vấn đề này, nhà lý luận phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long cho rằng, các cơ quan chức năng chuyên môn cần sớm vinh danh đàn bầu như một di sản quý của dân tộc, cần tổ chức nhiều hoạt động thường niên trong nước và quốc tế liên quan đến đàn bầu. Trong khi đó, GS. Trần Quang Hải và NSND. Nguyễn Thị Thanh Tâm cùng đưa ra quan điểm, Bộ VH-TT&DL cần nhanh chóng lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận đàn bầu là một giá trị văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại của Việt Nam.