Amiăng là chất gây hại cho sức khỏe con người, tất cả các dạng amiăng đều có thể gây ung thư ở nhiều thể, ung thư phổi, thanh quản và buồng trứng là phổ biến nhất. Ngoài ra, hít phải sợi amiăng có thể gây ra các bệnh khác ngoài ung thư như xơ hóa phổi hay tràn dịch màng phổi. Đây là nội dung được công bố tại Hội thảo do Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế cùng Tổ chức Y tế Thế giới tổ chức ngày 17/7.
Tại một số quốc gia phát triển, amiăng trắng chỉ còn sử dụng trong công nghệ quốc phòng, nhà máy điện hạt nhân, tuy nhiên ở Việt Nam nó lại chủ yếu được dùng để sản xuất tấm lợp. Tại một số nơi như vùng cao người dân sử dụng tấm lợp này để lợp mái nhà và hứng nước mưa dùng cho sinh hoạt, vô tình sử dụng phải nước có nhiễm amiăng. Chính vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo: Các gia đình có sử dụng mái nhà làm bằng tấm fibroximăng, không nên hứng nước mưa dưới mái nhà sử dụng, điều này rất nguy hiểm.
Tổ chức Y tế Thế giới khẳng định: Tác hại tiềm tàng không chỉ với sức khỏe của người lao động mà cả với những người sinh sống tiếp xúc với chất này. Thời gian ủ bệnh sau khi tiếp xúc với chất này thường kéo dài 20 - 30 năm. Nó xâm nhập vào cơ thể chủ yếu qua đường hô hấp, đường tiêu hóa và đâm xuyên qua da gây nên một số bệnh như: bệnh bụi phổi, ung thư phổi, trung biểu mô, thanh quản, buồng trứng...
Kết quả nghiên cứu khoa học của Bộ Y tế giai đoạn 2010 - 2011 khẳng định, Việt Nam đã có nhiều trường hợp ung thư trung biểu mô. Cụ thể có 80% ca ung thư trung biểu mô có liên quan đến amiăng. Chính vì gánh nặng bệnh tật và gánh nặng tài chính do các bệnh liên quan đến amiăng, Tổ chức Y tế Thế giới và Tổ chức Lao động Quốc tế đều khuyến nghị cấm hoàn toàn mọi dạng amiăng. Đây là cách hiệu quả nhất để loại bỏ các bệnh liên quan đến chất này.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: “Amiăng trắng là tác nhân gây nhiều loại ung thư, đặc biệt là ung thư trung biểu mô. Việc sử dụng amiăng, càng tăng sử dụng thì càng tăng tỷ lệ ung thư”. Theo Thứ trưởng, các công trình nghiên cứu về ung thư trên thế giới đã cho thấy rõ amiăng là tác nhân gây ung thư. Vì vậy cần tìm hướng xử lý các vật liệu thải có chứa chất này trong cộng đồng, để đảm bảo môi trường sống của cộng đồng được an toàn hơn. Sau hội thảo này, Bộ Y tế sẽ có văn bản báo cáo Thủ tướng để sớm đưa amiăng vào danh mục hoá chất độc hại của Công ước Rotterdam, tiến tới cấm sử dụng hoàn toàn chất này tại Việt Nam.
Nguyễn Hà
Theo số liệu điều tra của cơ quan địa chất Mỹ, từ năm 2000, trung bình, Việt Nam nhập khẩu khoảng hơn 60.000 tấn amiăng/năm và trên 95% dùng cho sản xuất tấm lợp amiăng - xi măng. Bà Lương Mai Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết, có khoảng trên 3.000 sản phẩm thương mại sử dụng amiăng như: Tấm lợp A-C, tấm cách âm, phanh ô tô, trong khai thác mỏ, thi công, đóng tàu thủy, phá dỡ hoặc cải tạo các công trình kiến trúc có sử dụng vật liệu amiăng. Một lo ngại khác, hiện nhiều gia đình ở nông thôn, mái nhà bằng tấm fibroximăng, lại có thói quen hứng nước mưa dưới mái nhà sử dụng, điều này rất nguy hiểm.