Hà Nội

Ẩm thực trị bệnh sốt nhiệt

15-08-2015 09:30 | Y học cổ truyền
google news

SKĐS - Bệnh sốt nhiệt là một chứng bệnh hay gặp ở trẻ nhỏ, trên lâm sàng có đặc trưng là ăn ít, nằm nhiều, trọng lượng cơ thể giảm, rêu lưỡi dày nhớt. Bệnh này phần nhiều phát sinh ở vùng khí hậu ẩm ướt, thấy nhiều ở trẻ em sức khỏe yếu.

Bệnh sốt nhiệt là một chứng bệnh hay gặp ở trẻ nhỏ, trên lâm sàng có đặc trưng là ăn ít, nằm nhiều, trọng lượng cơ thể giảm, rêu lưỡi dày nhớt. Bệnh này phần nhiều phát sinh ở vùng khí hậu ẩm ướt, thấy nhiều ở trẻ em sức khỏe yếu. Sau khi bước vào mùa hè, trẻ bị bệnh dần kém thèm ăn, rêu lưỡi trắng nhớt hoặc vàng nhớt, mệt mỏi ham ngủ, hình thể dần gầy còm đồng thời thường kèm đi ngoài không điều hòa. Sau khi bước vào mùa thu, trạng thái chứng bệnh dần tự giải trừ, đến mùa hè năm sau chứng bệnh lại tái phát, nếu không chữa trị, năm nào cũng vậy khiến trẻ bị ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ và hình thể sau này.

Nguyên tắc ăn uống

Trẻ bị bệnh sốt nhiệt do nguyên nhân ẩm ướt gây nên bệnh ở bên trong khiến cho chức năng tiêu hóa giảm, do vậy ăn uống nên tránh đồ béo nhớt như thịt mỡ, ba ba, lươn, sôcôla, bơ...

Ngó sen xào tôm tốt cho bệnh nhân sốt nhiệt.

Ngó sen xào tôm tốt cho bệnh nhân sốt nhiệt.

Nên ăn các thức ăn bồi bổ dạ dày như các loại rau xanh, dưa quả tươi như ý dĩ nhân, biển đậu, mướp, dưa hấu, bí xanh, ngó sen tươi...

Khi trẻ bị bệnh kém thèm ăn, không thể ép trẻ ăn mà nên cho ăn thức giải nóng, hợp khẩu vị hoặc đồ uống bổ sung dinh dưỡng.

Món ăn bài thuốc

Bài 1: Mía vừa đủ, rửa sạch, chẻ khẩu nhỏ cả vỏ, ép lấy 100ml nước, uống hết một lần, ngày 2 lần, dùng chữa miệng khát, muốn uống nhưng uống không nhiều.

Bài 2: Kim ngân hoa 15g, thêm nước chừng 300ml, đun sôi 10 phút, bỏ bã lấy nước, dùng 2 thìa mật ong hòa đều, chia 2 lần uống, mỗi ngày một thang, dùng chữa kèm có sốt.

Bài 3: Bí xanh 250g, rửa sạch, để cả vỏ thái miếng nhỏ. Măng trúc 150g, bóc vỏ rửa sạch, thái miếng nhỏ, thêm nước vừa đủ, cùng với bí xanh nấu canh, nêm gia vị vừa đủ, khi ăn bỏ hạt bí và măng già, dùng chữa ăn ít, ham ngủ.

Bài 4: Ý dĩ nhân 30g, đậu xanh 30g, gạo tẻ 50g, thêm nước nấu cháo loãng, dùng ăn, chữa kèm có sốt nhẹ, rêu lưỡi vàng nhớt.

Bài 5: Dạ dày lợn 250g, rửa sạch thái miếng nhỏ. Bạch truật 30g, hạt cau 10g, dùng vải màn khô sạch bọc, thêm nước vừa đủ, cùng dạ dày lợn nấu canh đặc, nhặt bỏ bọc thuốc, thêm gia vị vừa đủ ăn, chữa trướng bụng, ăn ít.

Bài 6: Bột sa nhân 3g, bột mộc hương 2g, bột ngó sen 30g, cùng hòa trộn, dùng nước sôi nguội hòa thành hồ đặc, lại đổ nước sôi vào từ từ, vừa đổ vừa nguấy, khi bột ngó sen trở thành dạng hồ đặc trong mờ là được, thêm đường trắng vừa đủ, dùng ăn, chữa trướng bụng ăn ít, rêu lưỡi trắng nhớt.

Bài 7: Phục linh lượng vừa đủ, rửa sạch, cho vào chõ hấp chín nhừ, gọt bỏ vỏ ngoài, giã nhão, thêm chút bột mì, đường trắng, nước vừa đủ, dùng chút dầu ăn, tráng bánh mỏng, ăn để chữa ăn ít phân nát.

Bài 8: Bạch truật 30g, phục linh 30g, trần bì 5g, thêm nước đun sôi chừng 20 phút, bỏ bã lấy nước, thêm 50g gạo tẻ, nấu cháo loãng ăn, dùng chữa sốt nhẹ kèm trướng bụng, đi lỏng.

Bài 9: Bạch biển đậu 30g, rửa sạch ngâm nở, gạo tẻ 50g, thêm nước, cùng bạch biển đậu nấu cháo loãng, dùng ăn, chữa sốt nhẹ, ăn ít, phân nát.

Bài 10: Hạt sen 30g, dội nước sôi, bóc vỏ bỏ tâm, ý dĩ nhân 30g, gạo tẻ 50g, thêm nước vừa đủ, cùng nấu cháo loãng, thêm đường phèn vừa đủ ăn, dùng chữa người bứt rứt, sợ nóng.

Bài 11: Cuộng hoắc hương 10g, cuộng bội lan 10g, thêm nước vừa đủ, đun sôi 10 phút, bỏ bã lấy nước, thêm 50g gạo tẻ, nấu cháo loãng, lấy 1/4 tàu lá sen, rửa sạch, đậy lên mặt cháo, lại nấu sôi vài lượt là được, khi ăn bỏ lá sen, thêm đường trắng vừa ngọt, dùng chữa kèm có sốt nhẹ phân nát loãng.

Trẻ bị bệnh sốt nhiệt phần lớn do mắc bệnh lâu ngày dẫn tới sức khỏe hư yếu, dạ dày, lá lách hoạt động kém, không thể chịu đựng được nắng nóng, ẩm độc mùa hè mà phát bệnh. Cho nên với người bệnh loại này khi phát bệnh, cần chữa trị đúng với chứng bệnh, hằng ngày cũng cần nuôi dưỡng hợp lý, thúc đẩy chức năng tiêu hóa của trẻ, tích cực rèn luyện tăng cường sức khỏe cho trẻ, mới có thể trừ tận gốc bệnh.

BS. Thu Hương

 

 


Ý kiến của bạn