Hà Nội

Ẩm thực độc đáo ngày Tết của người Nam Tây Nguyên

22-01-2019 10:19 | Đời sống
google news

SKĐS - Trước đây, Tết của người Tây Nguyên nói chung, người Nam Tây Nguyên nói riêng không theo ngày tháng nhất định mà phụ thuộc vào vòng đời của cây lúa. Trong thời gian này, ngoài việc trình diễn một số lễ thức văn hóa đặc trưng, người Nam Tây Nguyên còn phô bày một nền ẩm thực vô cùng độc đáo.

Thường thì vào đúng vụ canh tác lúa năm trước đã xong, mẹ lúa đã được rước về kho, cửa kho đã được cài chặt, tiếng sấm đầu mùa còn chưa nghe âm âm vang vọng ở chân trời đằng xa, vụ mùa sau chưa đến, chưa giục là thời điểm cộng đồng Nam Tây Nguyên mở hội và kèm theo đó là các món ăn Tết “độc, lạ” .

Cơm nấu trong ống lồ ô

“Piang tăm ding dơr” dịch ra tiếng phổ thông là cơm nấu trong ống lồ ô. Cơm này đặc biệt ngon, đặc biệt thơm và đặc biệt dẻo. Món ăn giản dị mang hương vị rừng núi ấy, giờ không còn gói gọn trong phạm vi Tây Nguyên nữa, mà đã trở thành món ẩm thực được thực khách thập phương ưa chuộng. Cách làm piang tăm ding dơr như sau:

Đầu tiên, chọn gạo nếp mới gặt có hạt to, mẩy, trắng. Sau đó, vo gạo thật sạch, rồi đem ngâm nước khoảng 5 tiếng đồng hồ. Tiếp theo, vớt gạo ra ngoài và để ráo nước. Trước đó, ống lồ ô cũng đã được chuẩn bị sẵn. Ống lồ ô phải còn tươi, không non quá cũng không già quá. Mỗi đốt lồ ô là một ống nấu loại cơm này. Cuối cùng, đổ gạo vào ống lồ ô, thêm nước cho ngập gạo, rồi cời bếp nổi lửa và nấu. Trong quá trình nấu, phải xoay ống lồ ô liên tục, cũng như giữ ngọn lửa cháy không to quá hoặc nhỏ quá để cơm chín đều.

Piang tăm ding dơr có thể ăn với cá suối, thịt rừng và rau rừng.

Rau bép -  đặc sản của đại ngàn.

Rau bép -  đặc sản của đại ngàn.

Thịt xông khói nướng

Người bản địa gọi món ăn ngon, lạ này là “Poăc buh”. Nó là món ăn truyền thống, được chế biến từ thịt bắp của trâu, bò, lợn, nai... nguyên liệu. Những miếng thịt được lựa chọn kỹ càng trước khi treo lên gác bếp cùng với quá trình sấy kỳ công đã làm cho món ăn trở nên độc đáo. Trước kia, thịt xông khói là thực phẩm dự trữ của người Tây Nguyên. Mỗi khi nhà có khách quý, hay dịp hội Tết, người Tây Nguyên lại lấy loại thịt này ra chế biến món poăc buh để ăn và đãi khách. Thịt xông khói nướng sẽ ngon hơn, thơm hơn khi được chấm với muối ớt xanh cay xé lưỡi.

Rau bép

Trong món ăn ngày Tết của người Tây Nguyên thế nào cũng có món “Biăp n’ce” - rau bép. Ngày nay, rau bép, đang trở thành đặc sản trong các nhà hàng, quán ăn ở Tây Nguyên. Từ rau bép, người Tây Nguyên đã làm nên những món ăn mang đậm hương núi, vị rừng như: canh cua rau bép, rau bép xào tỏi, rau bép xào thịt bò, rau bép nấu lẩu với tôm... Thực khách đến Tây Nguyên hầu hết đều gọi món này để vừa thưởng thức, vừa khám phá cái mùi vị độc đáo của đại ngàn. Theo kết quả kiểm nghiệm tại Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt, trong rau bép, hàm lượng chất khoáng khá cao. Ngoài ra, rau bép còn chứa các hoạt chất sinh học có lợi cho sức khỏe, cũng như chứa nhiều chất kháng sinh làm tăng sức đề kháng của cơ thể... Rau bép có vị ngọt, mùi thơm nhẹ, kích thích vị giác người ăn.

Nước chè rừng

“Dà ce bri”, tức nước chè rừng, thức uống gắn bó hàng trăm năm nay với người Tây Nguyên. Chè rừng thường mọc ở những nơi đất có nhiều đá. Sau khi hái chè rừng về, người Tây Nguyên đem phơi khô, rồi gói trong bao nilon. Thỉnh thoảng tưới ít nước ở bên ngoài bao nilon để làm ẩm. Mỗi lần sử dụng thì lấy một ít lá chè đun với nước, hoặc cũng có thể hãm với nước sôi như hãm nước vối. Nước chè rừng màu nâu ngăm ngăm và sẽ sẫm màu hơn khi để qua hôm sau. Chè rừng uống ngọt và thơm, vị nửa chè nửa vối. Uống chè rừng mùi vị nhẹ nhàng, ít bị kích ứng, nhất là ăn được nhiều cơm, đêm ngủ ngon giấc. Nhờ công dụng này mà phụ nữ Tây Nguyên sau khi đẻ có thể lên rẫy làm việc được ngay. Nếu uống chè rừng đều đặn mỗi ngày thì có thể chữa khỏi bệnh đau dạ dày. Ngoài ra, nước chè rừng còn có công dụng mát gan, giải độc cơ thể...

Rượu cần

Thức uống lên men không thể thiếu của người Tây Nguyên đó là rượu cần. Người bản địa Nam Tây Nguyên gọi thức uống độc đáo này là “T’rơ nờm”. Muốn có rượu cần ngon, đòi hỏi phải có men tốt. Men rượu cần được làm từ lá rờ hộch, lá dâu, bột riềng rừng, bột ớt hiểm, muối, bột gạo, vỏ trấu... Men đã sẵn, công việc tiếp theo là nấu loại cơm ngon nhất, rồi đem trộn đều với men rượu. Sau đó, cho hỗ hợp cơm - men này vào ché và ủ kín trong ché càng lâu càng tốt. Rượu cần có vị ngọt sâu, hương thơm đằm, mang đúng đặc trưng rừng núi. Người Tây Nguyên luôn coi rượu cần là thức uống để gắn kết các thành viên trong cộng đồng, gắn kết cộng đồng này với cộng đồng khác và gắn kết dân bản với các thế lực siêu nhiên. Vì vậy, trong nghi thức cúng Yàng và cả trong những lễ hội truyền thống, rượu cần là thứ không thể thay thế.

Ẩm thực ngày Tết của người Nam Tây Nguyên là nét văn hóa độc đáo của người Nam Tây Nguyên. Nó mang nhiều yếu tố tập truyền độc đáo. Tất nhiên, nói đến Tây Nguyên mà quên nhắc yếu tố tâm linh, kể cả trong văn hóa ẩm thực, thì quả là... chưa hiểu Tây Nguyên. Thế nên, ẩm thực cũng là một phần của tín ngưỡng người Tây Nguyên, vì nó thể hiện sự sẻ chia, tình đoàn kết, cố kết trong cộng đồng.


TRỊNH CHU
Ý kiến của bạn