Hiện tượng âm thịnh dương suy trên các sân khấu nhạc dân gian đang đặt ra câu hỏi điều gì đã khiến các giọng ca nam e dè lựa chọn dòng nhạc này để thử sức và tỏa sáng.
Cảm tình với một dòng nhạc
Sự tấn công của nhạc quốc tế và các dòng nhạc trẻ trung, hiện đại cũng không thể làm giảm sức mạnh của dòng nhạc dân gian vốn chiếm được cảm tình của đông đảo người yêu nhạc trong nước. Với ưu điểm gần gũi với cuộc sống, chuyển tải được tâm tư, nguyện vọng của tầng lớp bình dân, giai điệu gần với lời ăn tiếng nói hàng ngày, không gì chuyển dời được chỗ đứng vững vàng của dòng nhạc dân gian, tuy nhiên, một vấn đề khá tế nhị mà nếu không để ý chúng ta rất khó nhận thấy là trong số các ca sĩ trẻ chuyên tâm theo đuổi, thành tài, nổi tiếng với dòng nhạc này, có rất ít người là nam giới.
Những cái tên ghi được dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng ở dòng nhạc dân gian cũng như chiến thắng ở các cuộc thi lớn nhờ thể hiện ca khúc dòng nhạc này có thể kể đến Anh Thơ, Tân Nhàn, Nguyệt Anh, Bùi Lê Mận, Thành Lê, Phương Thảo, Vân Khánh... trong khi lực lượng sáng tác dòng dân gian toàn những cái tên nam giới, tiêu biểu hiện nay là Nguyễn Vĩnh Tiến và Lê Minh Sơn. Quay trở lại quá khứ, một thời dòng nhạc dân gian nổi đình nổi đám với các tên tuổi như NSND Thu Hiền, NSND Thanh Hoa cũng rất hiếm hoi những giọng ca nam thực sự xuất sắc. Nếu ở dòng thuần dân gian trước kia, dường như chỉ có NSƯT Trung Đức nổi lên thì nay cái tên Tùng Dương cũng được nhắc đến như một vị trí độc tôn trong dòng dân gian đương đại.
Có lẽ các giọng ca nữ biết cách mang hơi thở của dòng dân gian hòa nhập với không khí hiện đại hơn. Cũng có thể vì các ca sĩ muốn theo đuổi dòng nhạc dân gian phải được rèn luyện học hành bài bản. Mặt khác, kỹ thuật hát cổ điển của dòng dân gian đòi hỏi sự bền bỉ, mềm mại, lấy giọng hát làm nhân tố chính để thành công. Về khía cạnh này, có lẽ nữ giới làm tốt hơn nam giới.
Ca sĩ Tân Nhàn nổi tiếng với dòng nhạc dân gian đương đại. |
Thiếu vắng các giọng ca nam
Hiện tượng âm thịnh dương suy trong dòng nhạc dân gian càng bộc lộ rõ nét trong đêm chung kết dòng dân gian vừa rồi của sân khấu giải Sao Mai. Có tới 4 giọng ca nữ lên ngôi trong đêm thi được đánh giá cao về chất lượng này. Sự thiếu vắng của các giọng ca nam phần nào gây nên sự hụt hẫng cho khán giả, nhất là trong bối cảnh rõ ràng các giọng ca nữ đang áp đảo thị trường âm nhạc dân gian. Sự kế thừa, phát triển của dòng nhạc này là một dấu hiệu đáng mừng, tuy nhiên, cần thêm hơn nữa là sự cân bằng, bứt phá của những giọng nam dòng dân gian xuất sắc. Có như vậy, sức ảnh hưởng, cái hay, cái đẹp của ca khúc mang âm hưởng dân gian mới tạo được những cung thanh, cung trầm hài hòa, phục vụ được nhiều tầng lớp nhân dân yêu nhạc.
Có lẽ ý thức được điều này, ở nhiều cuộc thi ca hát, đặc biệt và gần đây nhất là chương trình Giọng hát Việt nhí, những người làm chuyên môn đã có xu hướng gợi ý các em nhỏ thử sức với dòng nhạc dân gian. Bên cạnh bé gái Phương Mỹ Chi được ngợi ca, yêu mến, những bé trai có khả năng hát nhạc dân gian ổn có thể kể đến Quang Anh, Hồ Văn Phong, Vũ Song Vũ... Điều này gieo hi vọng cho khán giả về một thế hệ những giọng ca nam trẻ có niềm yêu thích và hát tốt các ca khúc nhạc dân gian.
Bên cạnh yếu tố sàng lọc tự nhiên, việc sáng tác những ca khúc dân gian đương đại có nội dung, giai điệu phù hợp với các giọng ca nam cũng là một yếu tố quan trọng. Điều này sẽ thu hút những nam ca sĩ có quãng giọng phù hợp cũng như có niềm yêu thích với dòng nhạc này thử sức và truyền lửa đến cho khán giả yêu nhạc. Về mặt bằng chung, chúng ta không thiếu những giọng ca nam hay, vấn đề nằm ở chỗ là làm thế nào để khơi dậy niềm đam mê với dòng nhạc dân gian đồng thời đào tạo một thế hệ nam ca sĩ hát nhạc dân gian tỏa sáng như các nữ ca sĩ đã làm được mà thôi.
Huỳnh Sơn