Phương án phát triển vùng trồng dược liệu quý trên địa bàn tỉnh Điện Biên giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 1772 ngày 26 tháng 9 năm 2022 của UBND tỉnh Điện Biên đã cụ thể hóa chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của địa phương trong thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo.
Thực tế cho thấy, phát triển kinh tế rừng, trong đó có việc trồng cây dược liệu quý dưới tán rừng gỗ lớn đã tạo sinh kế cho nhiều người dân, khu vực vùng cao của tỉnh Điện Biên, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
Vừa tham gia bảo vệ rừng, vừa trồng cây dược liệu đã mở hướng đi mới cho người dân trong phát triển kinh tế rừng, có nhiều hộ mỗi năm cho thu nhập hàng chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng không còn là trường hợp hiếm gặp. Đồng thời, sẽ góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ và phòng, chống cháy rừng hàng năm.
Huyện Điện Biên là một địa phương điển hình chú trọng phát triển cây dược liệu quý cung cấp nguyên liệu cho thị trường. Từ đó, góp phần tạo hướng đi mới trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho người dân.
Huyện Điện Biên có 21 đơn vị hành chính cấp xã, diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn, do vậy việc phát triển gây trồng cây dược liệu dưới tán rừng là một lợi thế, nhất là mở rộng diện tích trồng cây sa nhân dưới tán rừng theo hình thức liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm để nâng cao thu nhập và đời sống của người dân vùng rừng.
Để biến tiềm năng thành lợi thế phát triển cây dược liệu bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế, huyện Điện Biên đã chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, khảo sát để quy hoạch vùng phát triển dược liệu của huyện theo từng vùng, từng xã phù hợp với đặc điểm khí hậu và lợi thế của mỗi loại cây.
Đồng thời, huyện cũng khuyến khích người dân xây dựng các vườn ươm, nhân giống, đáp ứng một phần nhu cầu cây giống tại chỗ. Đẩy mạnh liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp để xây dựng, phát triển hệ thống thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân.
Chỉ đạo các ngành chức năng hướng dẫn người dân các vùng trồng cây dược liệu, ứng dụng quy trình kỹ thuật mới trong sản xuất, thu hái, bảo quản để nâng cao chất lượng, mẫu mã khi tiêu thụ. Hiện trên địa bàn huyện Điện Biên đã và đang triển khai trồng cây dược liệu (sa nhân tím, quế) tập trung tại 4 xã: Mường Pồn, Pa Thơm, Phu Luông, Mường Lói... với tổng diện tích 109,49ha (sa nhân 54,49ha; quế 55ha). Trong đó, kinh phí thực hiện trồng cây sa nhân từ năm 2017 - 2022 là 5,55 tỷ đồng.
Xã Mường Pồn được biết đến là nơi có khí hậu nhiệt đới mát mẻ quanh năm, độ ẩm cao, rất thuận lợi để phát triển nhiều loại cây dược liệu. Tận dụng tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu, hiện xã đang triển khai Dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm quả sa nhân tím với quy mô 11ha, 43 hộ tham gia với sự tham gia liên kết với doanh nghiệp.
Ông Chào Anh Nguyên, Bí thư Đảng ủy xã Mường Pồn cho biết: "Xác định những lợi thế, xã đẩy mạnh việc tuyên truyền, chú trọng phát triển cây dược liệu theo chủ trương của tỉnh và huyện, bước đầu có những tín hiệu đáng mừng. Đó là đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị kinh tế trên diện tích đất canh tác. Cây sa nhân dễ trồng, tận dụng được diện tích đất dưới tán rừng, tốn ít công chăm sóc, giá trị kinh tế cao".
Được biết, cây sa nhân dễ trồng, tận dụng được diện tích dưới tán rừng, tốn ít công chăm sóc, giá bán cao, cây trồng sau 2 - 3 năm bắt đầu cho thu hoạch và rễ cây lan tới đâu thì diện tích trồng tự nhiên được mở rộng tới đó; nếu chăm sóc tốt, có thể thu hoạch trong thời gian 10 - 12 năm. So với các loại cây trồng khác, trồng cây sa nhân không phải làm cỏ mà chỉ bón phân một lần duy nhất vào lúc mới trồng, nên chi phí đầu tư ít mà hiệu quả kinh tế cao.
Bình quân 01 ha sa nhân xanh có thể cho thu từ 150 - 200 kg quả khô/năm. Với giá bán hiện nay thì mỗi một ha cho thu hoạch khoảng 80 - 100 triệu đồng. Nhận thấy tiềm năng kinh tế từ loại cây này, bà con mở rộng diện tích sa nhân trồng dưới tán rừng nhằm đem lại hiệu quả sử dụng đất và tạo nguồn sinh kế từ rừng cho người dân.
Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND huyện Điện Biên hiện nay ngoài những khó khăn từ yếu tố khách quan ảnh hưởng đến việc phát triển, mở rộng cây dược liệu như: Địa hình chia cắt phức tạp, giao thông khó khăn, thời tiết khô hạn, nắng nóng kéo dài nhiều tháng...
Phần lớn các mô hình sản xuất cây dược liệu trên địa bàn đều có quy mô nhỏ, phân tán, chưa có sự liên kết chuỗi giá trị và chưa có nhiều sản phẩm bán ra thị trường.
Với định hướng đến năm 2030, huyện Điện Biên tiếp tục mở rộng 65ha cây sa nhân, trồng dưới tán rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Để thực hiện mục tiêu trên, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật để người dân áp dụng vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Có thể thấy phát triển cây dược liệu dưới tán rừng là tiềm năng, lợi thế của địa phương. Hiện nay, việc đẩy mạnh phát triển trồng cây dược liệu quý, đồng thời, với các loại cây dược liệu phù hợp có khả năng phát triển thành hàng hóa có thể chế biến, có thị trường tiêu thụ theo hướng liên kết chuỗi bền vững với doanh nghiệp sẽ giúp nâng cao thu nhập cho người dân.