Màu xanh trên “thung lũng tử thần”
Cuối tháng 12, từ TP.Cam Ranh qua những cung đèo ngoằn ngèo, rợp bóng cây xanh, huyện Khánh Sơn hiện ra với những bản làng bình yên bên dòng sông Tô Hạp. Sông bắt đầu từ đâu, chẳng còn ai nhớ nữa. Lai lịch ấy được bắt đầu bằng những câu chuyện kể truyền miệng tồn tại trong tâm thức người già. Nhưng, có điều, ai cũng biết, từ thuở sinh ra sông luôn chở che, tắm táp, nuôi dưỡng cho lũ làng vượt qua bao biến cố từ những ngày cận kề tử thần đến sự trù phú, tươi xanh như hôm nay. Cái tên Tô Hạp được lấy theo tên một loại dược liệu quý chỉ mọc ở vùng đất Khánh Sơn và những người bản địa chân chất, thực bụng sẵn sàng chia sẻ với các dân tộc anh em.
Các bản làng ấm no ở Tô Hạp
Lục lại ký ức của mình, già làng Cao Nhân Hùng (xã Sơn Hiệp) nhớ như in; Trong kháng chiến, cộng đồng các dân tộc ở Khánh Sơn (chủ yếu là dân tộc Rắk Lây) kiên trung một lòng theo Đảng, theo bác Hồ, che giấu bộ đội, thành lập các đội du kích đánh địch đến cùng. Lòng dũng cảm cộng với sự sáng tạo, người Rắk Lây chuyển từ các vũ khí thô sơ sang vũ khí hiện đại thu được của địch để đánh chúng. Hàng chục đội du kích ở Tô Hạp đã đánh tan nhiều cuộc tấn công quy mô của Mỹ-Ngụy. Tiêu biểu nhất là trận chiến tháng 6-1963, địch huy động hơn 1.600 quân, 23 máy bay trực thăng, hai máy bay trinh sát, năm máy bay khu trục, một đại đội pháo 105 ly…nhưng đã thất bại thê thảm và thung lũng Tô Hạp trở thành nỗi ám ảnh của chúng.
Sau ngày giải phóng, bộn bề khó khăn nhưng lòng cần mẫn cộng với những đôi tay chăm chỉ đã ươm xanh những quả đồi, những thửa cát trắng khô như sa mạc. Già làng Cao Văn Nhiến, một trong những cựu chiến binh tiêu biểu thời chống Mỹ, từng làm Phó Ban chỉ huy quân sự huyện Khánh Sơn tự hào; Người Rắk Lây ở Khánh Sơn không bao giờ ỷ lại. Không xâm nhập vào được căn cứ Tô Hạp, địch ráo riết ném bom nhiều nơi làm cây cối cũng chết khô. Khí thế quyết liệt xây dựng cuộc sống mới, từng người, từng nhà bắt tay vào trồng lúa nước, bắp rẫy, sắn. Chỉ 5 năm sau ngày giải phóng, người dân Khánh Sơn đã không còn chịu cảnh đói kém vào những ngày giáp hạt nữa.
Nối liền những bờ vui
Những cây cầu nối nhịp bờ vui
Khi cái bụng đã no, người dân Khánh Sơn nghĩ đến cách thông thương, trao đổi hàng hóa với bên ngoài. Những tuyến đường huyết mạch, những cây cầu chủ đạo nhanh chóng được hình thành. Già làng Cao Văn Nhiệp (ở thị trấn Tô Hạp) bồi hồi; Mấy chục năm trước để từ Cam Ranh theo đường đất tỉnh lộ 9 độc đạo lên Khánh Sơn phải chạy máy cày, mất cả ngày trời, vừa đi vừa đánh vật. Nhưng nay đường nhựa láng bóng, xe chạy bon bon. Từ trên cao nhìn xuống, tỉnh lộ 9 như một dải lụa kết nối vùng biển, miền xuôi với huyện miền núi đặc biệt này. Người dân Khánh Sơn sáng uống cà phê ở Tô Hạp trưa đã có thể giao thương ở TP. Nha Trang, TP.Cam Ranh. Các tuyến đường liên thôn, liên xã cũng nhanh chóng được kiên cố hóa. Buôn này cũng được nối liền với các buôn kia phía hai bên dòng sông Tô Hạp bằng những cây cầu sắt chắc chắn.
Từ tập quán canh tác từ phát, đốt, chọc, tỉa, huyện Khánh Sơn đã từng bước áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu cây trồng và vật nuôi theo hướng tạo ra hàng hóa. Ngoài cây chủ lực là lúa, ngô, mỳ cộng đồng người Rắk Lây đã trồng mía cao sản, bơ, sầu riêng. Hàng loạt mô hình trang trại phát triển rầm rộ.
Theo UBND huyện Khánh Sơn thì; Một trong những điều đặc biệt tạo nên những đột phá ở vùng đất này là đưa ra mô hình nào, người dân hào hứng áp dụng mô hình ấy. Hiện toàn huyện có 7 xã và 1 thị trấn với trên 23 ngàn dân (chủ yếu là người Rắk Lây). Huyện có trên 6.000 con bò, hơn 5.000 con heo, khoảng 40.000 con gia cần và hoàng loạt ao hồ. Các địa điểm du lịch như Thác Tà Gụ xã Sơn Hiệp, Suối Đá xã Ba Cụm Bắc, rừng thông xã Ba Cụm Nam, thác Co Róa xã Sơn Lâm cũng đang được đánh thức tiềm năng.
Giữ gìn đặc sản
Nhìn từ trên cao, đường lên Tô Hạp như dải lụa
Sau những ngày lao động cật lực, mỗi người dân ở Khánh Sơn có thể thở phào tự tin, nếu Khánh Sơn của những năm trước là Khánh Sơn của xa xôi, cách trở, là Khánh Sơn quẩn quanh với rừng với núi thì ngày nay Khánh Sơn đã vươn xa để hội nhập.
Trên cầu treo Tô Hạp mỗi chiều, những đứa trẻ Rắk Lây hay những đứa trẻ người Kinh nắm tay nhau bấm điện thoại thông báo giờ học phụ đạo, học cồng chiêng, học đàn đá, học những điệu múa uyển chuyển, phóng túng như tính cánh của những cư dân bên dòng Tô Hạp này. Em Lê Thị Mỹ Huyền (học sinh lớp 10 ở thị trấn Tô Hạp) bộc bạch; Được sẻ chia, trao đổi và học hỏi văn hóa đặc sắc của các bạn người Rắk Lây chúng em rất thích thú, mở mang được nhiều điều. Nền văn hóa trong cộng đồng các dân tộc thiểu số luôn đặc sắc.
Đứng bên dòng Tô Hạp, nghệ nhân Mấu Xuân Điệp tâm tình; Đàn đá, đàn Chapi, mã la (cồng chiêng), múa…là đặc sản của cộng đồng người Rắk Lây. Thời gian có thể bào mòn nhiều thứ nhưng niềm đam mê những đặc sản này thì không thể để lạnh nguôi đi được, phải thường xuyên hâm nóng. Tiếng đàn đá, đàn Chapi ngân lên cũng như tiếng lòng người, như lời tâm tình miền núi gửi về miền xuôi.