"Sóng thần" Hàn Quốc lan tỏa khắp toàn cầu
Sabrina Kaur, 12 tuổi, người Singapore hoàn toàn không hiểu gì phần lời trong các bài hát của Hàn Quốc, cũng chưa từng gặp những người Hàn Quốc ở ngoài đời. Nhưng điều đó không cản trở cô tham gia vào một lực lượng hơn 1.000 cô gái Singapore tìm tới cuộc biểu diễn thử hồi tháng 1 vừa qua để tìm kiếm tài năng cho một ban nhạc pop Hàn Quốc với thành viên trải rộng trên khắp châu Á.
"Cháu muốn trở thành cô bé Singapore gốc Ấn đầu tiên tham gia một nhóm nhạc Hàn Quốc", cô bé nói trước khi bước vào phòng diễn thử, bên trong đang tràn ngập những ứng cử viên tới từ cộng đồng người Hoa thiểu số ở Singapore.
![]() Văn hóa Hàn Quốc đang lan tỏa khắp thế giới. |
Kể từ năm 2006, doanh thu từ các đĩa CD, DVD và các trò chơi điện tử Hàn Quốc tăng đều đặn. Riêng trong năm 2011, con số này tăng lên đến 14%, đạt 3,8 tỷ USD. Theo nhận định của một nhà cựu ngoại giao Hàn Quốc, nếu Hollywood kiểm soát khoảng 30% công nghiệp văn hóa thế giới, thì Hàn Quốc chiếm khoảng 5%.
Theo một cuộc khảo sát do Bộ Văn hóa Hàn Quốc tiến hành hồi năm ngoái, ước tính có 2,31 triệu người hâm mộ Hallyu ở châu Á, chỉ tính riêng số thành viên các câu lạc bộ hâm mộ chính thức.
Trước làn sóng này, chuyên gia quản lý tài năng Chris Cahilig bày tỏ lo ngại hiện tượng văn hóa Hàn Quốc có thể làm lụi tàn sự xuất hiện của các tài năng địa phương. Ông cho rằng bản thân "rất quan ngại" trước việc có một lượng lớn thanh thiếu niên mất đi bản sắc và tinh thần Philippines bởi họ tiếp xúc và nghe nói quá nhiều về văn hóa giải trí Hàn Quốc.
Tuy nhiên, cũng chính ông thành lập 1:43, một ban nhạc với các thành viên Philippines nhưng có phong cách biểu diễn kiểu K-Pop và lập tức thành công. Album đầu tay của ban nhạc đã trở thành một trong những đĩa hát bán chạy nhất Philippines năm ngoái.
Không chỉ thành công ở khu vực châu Á mà K-pop còn đang lan sang rất mạnh ở thị trường phương Tây.
Nhóm nhạc nữ nổi tiếng nhất Hàn Quốc Girl's Generation lên báo chí phương Tây khi tổ chức một buổi biểu diễn tại quảng trường Madison ở New York hồi năm ngoái, trong đó vé vào cửa nhanh chóng bán hết veo. Gã khổng lồ Google thậm chí còn công bố ý định mở một kênh riêng cho nhạc pop Hàn Quốc.
Thành công rực rỡ cũng được ghi nhận tại buổi đại nhạc hội SM Town Live World Tour tại Thủ đô Paris, Pháp. Sau thành công vượt sức tưởng tượng của SM Town Live World Tour in Paris, nhà phê bình nhạc đại chúng Im Jinmo đánh giá: “Các nước châu Âu luôn kiêu hãnh về bề dày lịch sử và những truyền thống lâu đời cũng như thường không thoải mái trong việc chấp nhận những nền văn hóa khác. Mối quan tâm đến Kpop không chỉ là một hiện tượng ở Pháp. Phản ứng tích cực và sự nhiệt tình của khán giả trong buổi hòa nhạc giúp ta thấy được khả năng thành công của Kpop ở châu Âu. Nhờ cơ hội này, chúng ta nên tự hào về sức mạnh mềm của mình”.
Điều đáng chú ý là nhờ vào làn sóng “Hàn lưu” mà ngành du lịch Hàn Quốc phát triển mạnh. Hàn Quốc thu hút hơn 8,8 triệu du khách nước ngoài chỉ nhờ vào thành công của bộ phim truyền hình “Bản tình ca mùa đông” (Winter Sonata).
Hàn Quốc giờ đây trở thành điểm đến đầu tiên của du khách Trung Quốc, đứng trên Hongkong và Ma Cao. Không những thế, văn hóa Hàn Quốc còn thu hút lượng du học sinh đến du học trên quần đảo này ngày càng đông. Tính từ năm 2001, số du học sinh nước ngoài tăng đều đặn khoảng 27% mỗi năm.
Bên cạnh đó, với chiến lược tài trợ cho chương trình phát sóng các phim truyền hình Hàn Quốc trên các đài truyền hình (ví dụ như tại Việt Nam), Hàn Quốc dần dần đưa các thương hiệu hàng hóa của mình ra nước ngoài, từ mỹ phẩm cho đến hàng điện tử, điện thoại di động thông minh và xe hơi.
Bí quyết thành công
Nhà nghiên cứu phim ảnh người Singapore Liew Kai Khiun cho rằng, châu Á sinh ra nhiều thể loại văn hóa pop, như các bài hát và điệu nhảy trong phim Bollywood, các thế võ trong phim Hong Kong. Nhưng Hallyu lại có những đặc điểm vô cùng khác biệt.
"Sự lan tỏa của văn hóa pop Hàn Quốc rất đặc biệt, bởi nó không dựa trên các yếu tố thống trị về mặt quân sự hoặc kinh tế như các nước phương Tây, hay các cộng đồng đông đảo những người người Trung Quốc và Ấn Độ", Liew, người đã nghiên cứu về văn phóa pop Hàn Quốc trong gần một thập kỷ cho biết.
Theo ông, sở dĩ Hàn Quốc có nhiều bộ phim gây được tiếng vang lớn là vì họ biết tôn trọng văn hóa của nước đó. Thường thì các nhân vật trong phim được giới thiệu với những đường nét gần như là châu Âu nhưng lại trang phục theo mốt đời mới nhất trong khung cảnh một Seoul cực kỳ hiện đại. Trái với những cảnh bạo lực hay quá phóng đãng của phim Mỹ, phim Hàn Quốc đáp ứng được thị hiếu của công chúng ở Bắc Kinh hay ở Tehran.
Ngoài ra, để tranh thủ cảm tình của công chúng, Hàn Quốc lấy cảm hứng từ các chương trình sản xuất âm nhạc Nhật Bản và phim truyền hình Mỹ. Chính vì vậy, “Hàn lưu” thành công trong việc kết hợp giữa văn hóa châu Á và phương Tây.
Trong khi đó, lý giải về sự thành công của K-pop, Morgan Carey, chuyên gia tư vấn âm nhạc tại Los Angeles cho rằng: “Đẩy mạnh thị trường nhạc số, chiếm lĩnh các chương trình truyền hình và đầu tư cho các tour diễn đẳng cấp. Đó là cách làm của người Hàn Quốc và họ thành công khi phần bánh của họ trong mùa biểu diễn tại Mỹ hay châu Âu ngày một lớn”.
Trong chuyến thăm Việt Nam hồi cuối năm 2010, ông Myoung Hi-Jun, phó phòng Nghiên cứu thị trường của JYP Entertainments, một trong những công ty giải trí lớn nhất Hàn Quốc cũng chia sẻ: “Chúng tôi có một chiến lược phát triển rất rõ ràng và tích cực đối với vấn đề xuất khẩu văn hoá. Bên cạnh đó, chúng tôi quan niệm khi các nghệ sĩ Hàn Quốc, biểu diễn ở một quốc gia nào đó, nghĩa là anh ta đang quảng bá cho văn hoá Hàn Quốc. Người nghệ sĩ hiểu rằng anh ta không đơn giản chỉ hát cho khán giả và chỉ riêng vì đam mê của mình”.
Tóm lại, âm nhạc đơn giản, mang tính giải trí cao, dễ được giới trẻ yêu thích, nghệ sĩ được tuyển chọn từ khi còn đi học phổ thông và được đào tạo, rèn luyện theo những chương trình được xây dựng cẩn thận, những video clip đầu tư kỹ lưỡng, những phong cách thời trang gây sốt… Chỉ như vậy nhưng với một chiến lược phát triển tốt, các nghệ sĩ Hàn Quốc đã tạo nên sức ảnh hưởng khắp toàn cầu.