Âm nhạc hàn lâm - Những nỗ lực kích cầu

12-11-2009 10:27 | Văn hóa – Giải trí
google news

Thời gian qua trên các diễn đàn, vấn đề sự thống soái của âm nhạc đại chúng và vị thế của âm nhạc hàn lâm trong đời sống âm nhạc Việt Nam hiện nay đã được đặt ra và trao đổi khá sôi nổi với những ý kiến tâm huyết của nhiều nhạc sĩ và những người yêu âm nhạc.

Thời gian qua trên các diễn đàn, vấn đề sự thống soái của âm nhạc đại chúng và vị thế của âm nhạc hàn lâm trong đời sống âm nhạc Việt Nam hiện nay đã được đặt ra và trao đổi khá sôi nổi với những ý kiến tâm huyết của nhiều nhạc sĩ và những người yêu âm nhạc. Tại Việt Nam, những đêm nhạc cổ điển đặc biệt, thuần chất, có sự đầu tư kỹ càng về mọi mặt tuy xuất hiện không nhiều nhưng luôn khiến khán giả mong chờ. Loại nhạc kén người nghe này cũng cần được làm mới, được biến tấu để trở nên gần gũi hơn với công chúng và nhất là chinh phục công chúng trẻ.

Những thực trạng đáng suy ngẫm

Đa số các sinh viên du học âm nhạc sau khi tốt nghiệp không quay về quê nhà mà làm việc tại các dàn nhạc hoặc giảng dạy ở nước ngoài. Đây lại là lực lượng xuất sắc nhất trong số những sinh viên của các nhạc viện. Hiện tượng chảy máu chất xám nhạc hàn lâm ở nước ta bấy lâu nay vẫn còn nhức nhối. Thêm vào đó, ở ta nhìn chung chưa có nhà hát nào có thể coi là "nhà hát" đúng nghĩa. 34 năm qua, kể từ ngày đất nước thống nhất đến nay, chỉ tính riêng ở TP.HCM, ngoài Nhà hát Hòa Bình (quận 10), thành phố chưa có một nhà hát nào được xây mới nói gì đến nhà hát chuyên ngành cho một loại hình nghệ thuật. Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM mua sắm nhạc cụ hiện đại vào thời điểm đầu thế kỷ 21, số nhạc cụ này không thể lưu giữ ở cơ sở là rạp hát xập xệ được xây dựng từ giữa thế kỷ 20. Mặt khác, nếu đầu tư phát triển nhiều dàn nhạc giao hưởng, đoàn opera, hợp xướng, nhiều nhóm nhạc thính phòng và đầu tư nhiều nhà hát chuyên biệt cho các đơn vị đó, khối lượng kinh phí sẽ rất lớn. Nhưng khi đã có những nhà hát hiện đại, rộng lớn, lèo tèo khán giả ngồi dự, chỉ 100 - 200 người lọt thỏm giữa một khán phòng hiện đại với sức chứa 2.000 - 3.000 người thì ngoài chuyện thất thu, có lẽ nghệ sĩ cũng sẽ không đủ tinh thần phấn chấn mà biểu diễn.

Chương trình nghệ thuật đương đại Những ô cửa sổ.

BTC Liên hoan âm nhạc châu Âu từng ca thán "Có đêm khách không đầy 1/3 số ghế dù vé được phát hành miễn phí, dù một chương trình tương tự như thế ở nước ngoài người ta phải mua vé trước vài tháng với giá lên đến hàng trăm USD". Vậy nên để nghệ sĩ đỡ tủi thân, để các buổi diễn bớt lời ra tiếng vào, người ta hay chọn Nhạc viện TP làm nơi tổ chức bởi khán phòng nhạc viện không chỉ đảm bảo về chất lượng âm thanh mà còn vì "lỡ vắng khách còn có thể nhờ sinh viên xuống lấp đầy chỗ trống".

Tự tin đi tìm công chúng

Trong thời gian gần đây, một loạt chương nghệ thuật hàn lâm, kinh điển được thể hiện nhẹ nhàng, trẻ trung, nhiều màu sắc đã cho thấy quyết tâm tìm đến khán giả đại chúng của các nghệ sĩ trong lĩnh vực này. Có thể kể đến chương trình ca múa hợp xướng Lục Vân Tiên chỉ phát hành vé mời (8/9), hai đêm diễn Màu tình yêu ra mắt nhóm nhạc Credo (18 và 19/9) và chương trình nghệ thuật đương đại của Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM - HBSO (19/9). Đặc biệt chương trình nghệ thuật đương đại Những ô cửa sổ vừa qua đã để lại nhiều bất ngờ, ấn tượng trong lòng độc giả. Công chúng đã được thưởng thức đêm diễn đa dạng về tiết mục và loại hình trình diễn của các nghệ sĩ nổi tiếng trẻ trong nước và nhiều "nhân tài" âm nhạc Việt Nam từ nước ngoài trở về với hai loại hình âm nhạc và múa được hỗ trợ bởi các tác phẩm sắp đặt, video clip, hiệu ứng ánh sáng. Những ô cửa sổ là một bước mới trong hành trình hấp dẫn hóa nhạc hàn lâm để đưa nhạc hàn lâm vào công chúng rộng rãi mà phương thức chủ đạo là sử dụng nhiều phong cách và phối kết nhiều loại hình. Ở đây, nhạc hàn lâm được đặt trong một không gian nghệ thuật hấp dẫn trẻ trung và năng động, đặt cạnh những khuynh hướng và những phong cách khác nhau như hiện đại, cổ điển, dân gian, hip-hop, jazz, rock... trở nên mới mẻ hấp dẫn người xem.

Những người say mê đưa âm nhạc  hàn lâm vào cuộc sống đang dần đi lên và tự khẳng định trong một thế giới âm nhạc sôi động, đầy màu sắc. Hy vọng trong tương lai không xa, âm nhạc hàn lâm sẽ ngày càng được biết đến như những thể loại nhạc khác, một món ăn tinh thần  không thể thiếu trong đời sống, vượt qua những khó khăn về nếp cảm thụ âm nhạc của đông đảo công chúng âm nhạc Việt Nam hôm nay.

Quỳnh Nga


Ý kiến của bạn