(SKDS) - Đây là vấn đề mà những người làm âm nhạc dân tộc đang băn khoăn, trăn trở kéo dài nhưng chưa tìm được lối ra. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, trong xu hướng hội nhập hiện nay, nền nghệ thuật dân tộc nói chung, âm nhạc dân tộc nói riêng bị tác động rất lớn bởi cơ chế thị trường, bởi nghệ thuật thương mại.
Đất nước ta vốn có nền vǎn hóa lâu đời trong đó có âm nhạc dân tộc cũng ra đời rất sớm. Nền vǎn hóa âm nhạc ấy phát triển liên tục trong suốt chiều dài lịch sử lúc thǎng, lúc trầm, lúc thịnh, lúc suy. Song từ chính cái thǎng - trầm, thịnh - suy ấy, cha ông ta đã tạo dựng được một nền âm nhạc truyền thống có nhạc ngữ riêng, có bản sắc riêng, phong phú về hình thức, đa dạng về thể loại.
![]() NSƯT Thanh Ngoan - người tích cực tham gia khôi phục phong trào hát xẩm Hà thành. |
Có thể nói âm nhạc truyền thống Việt Nam như một phần không thể thiếu trong đời sống của mỗi người dân đất Việt, góp phần làm nên con người với đặc tính và đặc trưng riêng của văn hóa Việt Nam. Các loại hình nghệ thuật kịch hát dân tộc như tuồng, chèo, cải lương và các loại hình dân ca kịch là sản phẩm văn hóa do nhân dân sáng tạo ra và đã trở thành món ăn tinh thần, có vị trí và vai trò quan trọng trong đời sống của người dân các dân tộc Việt Nam.
Đất nước ta đã có những di sản âm nhạc trở thành di sản văn hóa phi vật thể thế giới như: Nhã nhạc cung đình Huế, cồng chiêng Tây Nguyên, hát ca trù, quan họ Bắc Ninh, hát xoan ghẹo và sắp tới có thể là hát ví dặm xứ Nghệ, đàn ca tài tử Nam Bộ, bài chòi miền Trung. Ngoài ra còn hát xẩm, hát chầu văn, ca Huế vô cùng đặc sắc. Đó là một nỗ lực sáng tạo lớn lao của toàn dân tộc. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đã có lúc nhiều loại hình trong số đó tưởng chừng bị thất truyền, song với những giá trị và vai trò đích thực của âm nhạc dân tộc trong đời sống xã hội, Đảng và Nhà nước ta đã và đang dành nhiều quan tâm nhằm phục hồi, bảo tồn và tôn vinh nền âm nhạc truyền thống nước nhà, trong đó đáng chú ý là tôn vinh và quan tâm cụ thể tới đội ngũ nghệ nhân và nghệ sĩ - “di sản nhân văn sống” đang tồn tại trong đời sống chúng ta.
Muốn giữ gìn và phát huy bản sắc vǎn hóa dân tộc, trước hết phải giữ gìn những tinh hoa truyền thống, trong đó có âm nhạc dân tộc. Với tâm huyết đó, Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Âm nhạc dân tộc đã tập hợp lực lượng nghệ nhân, nghệ sĩ âm nhạc dân tộc cùng bảo tồn và phát huy, quảng bá vốn âm nhạc quý báu của cha ông, góp phần tôn vinh văn hoá dân tộc trong bối cảnh mở cửa, hội nhập là vô cùng cấp thiết. Vì vậy mà hội thảo khoa học “Âm nhạc dân tộc với cuộc sống con người hôm nay” đã được sự ủng hộ của đông đảo những nhà lãnh đạo, những nhà văn hóa lớn như nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên; GS.AHLĐ Vũ Khiêu; nguyên UVTW, Chủ nhiệm UB Đối ngoại Quốc hội Vũ Mão; Chủ tịch Hội đồng Lý luận văn học nghệ thuật Trung ương - PGS.TS. Hồng Vinh...
Nhạc sĩMai Tuyết Hoa