Thông tin tại lễ khai giảng khóa đào tạo nhà chuyên môn “Can thiệp âm ngữ trị liệu cho trẻ tự kỷ” diễn ra ngày 18/5 tại Trường Đại học Y tế Công cộng, PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dung- nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho hay số trẻ tự kỷ đang ngày một gia tăng.
Trên thế giới thống kê trung bình cho thấy cứ 59 trẻ thì có một trẻ bị tự kỷ từ nhẹ đến nặng, trong đó 3/59 trẻ tự kỷ là nam giới, 1/59 trẻ tự kỷ là nữ
Tại Việt Nam, hiện Việt Nam chưa có nghiên cứu chính thức số lượng người mắc tự kỷ. Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cách đây 10 năm, khoảng 200.000 người Việt mắc chứng tự kỷ. Hiện nay, tại các cơ sở y tế, nhất là tại các khoa tâm bệnh, số trẻ đến khám và được chẩn đoán về tự kỷ đang ngày càng tăng lên
Giáo viên chuyên biệt và nhân viên y tế cùng phối hợp can thiệp trẻ tại phòng khám bác sĩ gia đình, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Ảnh: Lê Phương.
Đối diện với hội chứng này không chỉ những người bị tự kỷ mà ngay cả những người thân của họ cũng đang chật vật đối mặt với sự kỳ thị từ xã hội.
Theo các chuyên gia, tự kỷ được biểu hiện ra ngoài bằng những khiếm khuyết về tương tác xã hội, khó khăn về giao tiếp ngôn ngữ và phi ngôn ngữ, cũng như hành vi, sở thích và hoạt động mang tính hạn hẹp và lặp đi lặp lại
Tự kỷ là một phổ rộng, từ nhẹ đến nặng, không rõ nguyên nhân và không thể phòng ngừa; chỉ có phát hiện sớm, can thiệp sớm để giúp trẻ sớm hòa nhập. Nhiều người chưa biết về chứng tự kỷ nên đã bỏ lỡ cơ hội phát hiện và can thiệp sớm cho trẻ
Điều khó khăn ở trẻ tự kỷ là thiếu ngôn ngữ, nhiều cháu có hành vi bất thường như tự làm đau, tự va đầu vào tường, đánh bạn, tăng động... Vì vậy, can thiệp sớm mang đến cơ hội tốt nhất để hỗ trợ sự phát triển trí não của trẻ, cải thiện khả năng học tập, giao tiếp và các kỹ năng xã hội... Trong quá trình can thiệp của trẻ cần có sự kết hợp, song hành của gia đình cùng với nhân viên y tế.
Giảng viên và toàn thể các học viên tham gia khoá đào tạo nhà chuyên môn “Can thiệp âm ngữ trị liệu cho trẻ tự kỷ” tại Trường Đại học Y tế Công cộng
PGS. TS Nguyễn Thị Ngọc Dung cho hay, với sự phát triển của y học dành cho trẻ tự kỷ các chương trình can thiệp có chứng cớ hiện nay được phổ biến rộng rãi tại Việt Nam. Đặc biệt âm ngữ trị liệu là một chương trình can thiệp có ý nghĩa với các nhà chuyên môn, phụ huynh và trẻ có nhu cầu đặc biệt nói chung và trẻ tự kỷ nói riêng.
Do vậy, Trường Đại học Y tế công cộng phối hợp với trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch - TP Hồ Chí Minh tổ chức khóa đào tạo nhà chuyên môn “Can thiệp âm ngữ trị liệu cho trẻ tự kỷ” kéo dài từ ngày 18/5- hết tháng 7/2019 nhằm cung cấp cho các nhà chuyên môn các kiến thức, kỹ năng lâm sàng, lập kế hoạch can thiệp bằng phương pháp Âm ngữ trị liệu phối hợp với Giáo dục trên các lĩnh vực giao tiếp, ngôn ngữ, tương tác, chơi đùa, tiền học đường ở trẻ tự kỷ trong môi trường tự nhiên cho 45 học viên.
Ngoài các tiết giảng lý thuyết trên lớp do các chuyên gia đầu ngành phụ trách, học viên còn có cơ hội được quan sát và thực hành lâm sàng trên khách hàng tại Đơn vị can thiệp sớm & Giáo dục, Phòng khám đa khoa, Trường Đại học Y tế cộng cộng. Đây là đơn vị khám sàng lọc, tư vấn, can thiệp theo giờ và bán trú cho trẻ có nhu cầu đặc biệt hiện nay.
Đối với trẻ được chẩn đoán mắc tự kỷ, can thiệp sớm có vai trò đặc biệt quan trọng.
Được biết, đây là khoá đào tạo thứ 2 dành cho các nhà chuyên môn “Can thiệp âm ngữ trị liệu cho trẻ tự kỷ” được tổ chức tại miền Bắc, tiếp theo các khoá đã được tổ chức tại phía Nam. Đến tháng 7/2019 khi khoá đào tạo này kết thúc thì có khoảng 200 nhà chuyên môn đã được đào tạo các kiến thức cơ bản “Can thiệp âm ngữ trị liệu cho trẻ tự kỷ”.
Can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ không chỉ hướng tới đứa trẻ mà còn chú trọng đến cha mẹ và gia đình. Độ tuổi được can thiệp tốt nhất là từ 2-4 tuổi. Cha mẹ không nên có tâm lý chờ đợi, hy vọng trẻ sẽ “không sao”, “trẻ chỉ chậm nói thôi”, “lớn lên rồi sẽ khác”.
Cha mẹ cũng không nên đưa trẻ đi khám quá nhiều nơi chỉ mong xác định có chắc chắn tự kỷ hay không. Tất cả những điều này sẽ làm mất thời gian, mất cơ hội cho trẻ được can thiệp sớm.