Ấm lòng phòng khám trong chùa

03-05-2012 10:38 | Xã hội
google news

Nằm trong một con hẻm nhỏ giữa phố phường Sài Gòn tấp nập, mỗi ngày, tại chùa Linh Quang (80/60 đường Nguyễn Khoái, quận 4) có khoảng 150 bệnh nhân được những thầy thuốc nơi đây khám chữa bệnh,

Nằm trong một con hẻm nhỏ giữa phố phường Sài Gòn tấp nập, mỗi ngày, tại chùa Linh Quang (80/60 đường Nguyễn Khoái, quận 4) có khoảng 150 bệnh nhân được những thầy thuốc nơi đây khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí. Nhờ tấm lòng “lương y như từ mẫu” đó, nhiều người đã qua cơn hiểm nghèo để trở về với cuộc sống bình thường.

Giản dị y đức

Có mặt ở chùa Linh Quang lúc 8 giờ sáng một ngày đầu tuần, hàng trăm người dân, cả già lẫn trẻ đang ngồi trò chuyện bên dãy ghế đá ở cạnh đại điện. Họ là những bệnh nhân ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đang chờ tới lượt mình để khám chữa bệnh. Theo lịch cố định, thứ 2, 4, 6 là ngày khám Đông y, còn chủ nhật khám Tây y. Theo bác sĩ Nghiêm Dũng, người đã nhiều năm gắn bó với phòng khám ở chùa thì các bác sĩ khám chữa bệnh không nhận bất cứ thù lao nào, chỉ là giúp đỡ cho người bệnh nghèo bởi ngoài đời, các y bác sĩ ở đây đều làm việc tại các bệnh viện khác.

Bà Phạm Thị Duyên, 64 tuổi quê ở xã Hồng Sơn (Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) tâm sự: “Năm ngoái, do tuổi già nên tôi bị thoái hóa cột sống, rất khó khăn trong việc đi lại mà chữa trị bệnh này lại rất tốn kém nên thường nén đau chịu đựng vì điều kiện kinh tế gia đình không cho phép vào những bệnh viện điều trị dài ngày. Sau đó, nghe mọi người nói ở chùa Linh Quang có thể chữa được bệnh này lại miễn phí hoàn toàn nên tôi lặn lội đi xe đò vào đây.
 
 Đón tiếp bệnh nhân đến khám tại phòng khám trong chùa Linh Quang.
Cứ hơn một tháng tôi lại tới khám một lần, mỗi lần cả đi lẫn về chỉ mất có 200 ngàn tiền xe chứ ăn, ngủ đều có nhà chùa lo liệu cả. Khám xong, tôi được các bác sĩ bốc cho 24 thang thuốc, sắc uống hết lại vào khám tiếp. May mắn là chỉ có mấy lần khám mà tôi đã hết đau lưng, đi lại bình thường như trước kia. Các bác sĩ và cả sư thầy ở đây đều rất tốt, họ giúp đỡ người nghèo chúng tôi mà chẳng nhận lại bất cứ một thù lao hay đòi hỏi gì!”
 
Mặc dù đã chọn cho mình con đường tu hành, nhưng với những người bệnh, nhất là bệnh nhân nghèo, các tăng ni phật tử của chùa Linh Quang vẫn tận tình, miệt mài giúp đỡ họ suốt nhiều năm qua. Tất cả thuốc Tây đều được nhà chùa quyên góp từ những người hảo tâm đến lễ chùa hay khách thập phương gửi tặng. Đó là các loại thuốc cảm, thuốc sốt, ho, thuốc đặc trị…
 
Ngoài ra, một số thuốc đặc dụng thì được mua từ tiền quyên góp, tiền công đức của chùa. Đặc biệt, thuốc Nam chính là thương hiệu của “bệnh viện mini” này bởi nơi đây có rất nhiều vị thuốc Nam quý được nhà chùa sưu tầm và kê toa cho bệnh nhân. Nhìn những y bác sĩ tận tình chăm sóc, người bệnh nhẹ nhàng cúi đầu cảm ơn trong tiếng chuông chùa ngân vang mà chúng tôi không khỏi xúc động.

Niềm tin vào cuộc đời

Có lẽ, cái mà người bệnh nhận được khi đến trị bệnh ở phòng khám chùa Linh Quang không chỉ có những toa thuốc, những thang thuốc hay các bài châm cứu mà chính là niềm tin. Niềm tin vào cuộc đời, vào những điều tốt đẹp và lẽ sống, khi con người ta có lòng nhân ái, những khó khăn sẽ ở phía sau lưng.

Anh Nguyễn Văn Thắng, ngụ tại đường Phạm Thế Hiển (quận 8) chia sẻ cùng chúng tôi, mẹ anh bị tai biến mạch máu não, chân tay rất khó cử động, gần như bán thân bất toại, đã đưa đi nhiều nơi ở thành phố nhưng các bác sĩ đều lắc đầu bảo, người già mắc bệnh này khó có thể chữa được khiến gia đình rất buồn. Một lần, nghe mọi người nói chùa Linh Quang có bác sĩ châm cứu rất giỏi nên anh đưa mẹ tới.
 
Sau nhiều lần được bác sĩ Nguyệt châm cứu, tâm sự, trò chuyện mà chân tay mẹ anh đã dần cử động được. Cũng từ đó, mỗi dịp rằm, mồng 1 hằng tháng, gia đình anh lại lên chùa Linh Quang. Phần vì để lễ Phật cầu an, và dịp đó gia đình lại mang góp một số thực phẩm chay để nhà chùa nấu ăn, phục vụ các bệnh nhân khác, như chính mẹ anh 2 năm trước đây.
 
Với nhiều bệnh nhân, nhất là những người lớn tuổi, đến chùa không chỉ chữa bệnh mà còn khiến cho tâm hồn họ thấy thanh thản, yên bình hơn. Như bác sĩ Phan Văn Đạt chia sẻ: Nhiều người bệnh thường tuyệt vọng và khá bi quan về căn bệnh của mình, nhất là các bệnh mạn tính. Vì vậy, vừa điều trị, chúng tôi phải vừa trò chuyện, trao đổi, tâm sự và an ủi các bệnh nhân.
 
Có nhiều người, sau một thời gian điều trị đã bất ngờ trước sự thật mình đã được chữa khỏi bệnh. Rồi anh nói thêm, dù khỏi hay chưa thì những ai từng đến chùa Linh Quang thường quay lại nếu không chữa bệnh thì có thể học kinh phật hay làm từ thiện, giúp đỡ những người nghèo khổ khác. 

Bài và ảnh:Đoàn Xá


Ý kiến của bạn