Bác sĩ Trang kể, ngay từ khi học đại học rồi học nội trú và đến khi đi làm chị đều tâm niệm, nghề y là một nghề rất đặc biệt, một công việc đòi hỏi phải có kỹ năng xử trí và chịu áp lực rất tốt. Nhất là trong những dịp đặc biệt như Tết, bác sĩ ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà.
4 năm đón giao thừa tại bệnh viện đối với bác sĩ Trang đều là những kỷ niệm đáng nhớ. Chị được đón nhận tình cảm ấm áp từ đồng nghiệp, bệnh nhân và người nhà của bệnh nhân.
Khi chúng tôi hỏi về ấn tượng khi đi trực bệnh viện vào ngày Tết, chị Trang cho biết, không muốn nói nhiều về công việc hay những xúc cảm cá nhân. Chị chỉ nhoẻn miệng nở nụ cười với phóng viên: "Ngày này, đi "vèo" một cái là đến bệnh viện, đường phố rất vắng vẻ, không có cảnh ùn tắc".
Vui vẻ là vậy, khi gặng hỏi về áp lực khi trực bệnh viện trong những ngày nghỉ Tết, chị Trang giọng chùng xuống: "Không khí Tết bên ngoài vui tươi, người người nhà nhà náo nức, còn trong bệnh viện lại là một thế giới khác. Ở đây, bất kể ngày đêm, các bệnh nhi vẫn phải điều trị, truyền thuốc. Bệnh nhi lúc này càng cần sự quan tâm đặc biệt hơn nữa".
Bác sĩ Nguyễn Minh Trang khám lại cho bệnh nhi. Ảnh: Quỳnh Mai.
"Thông thường, ngày Tết là ngày đoàn viên nên sẽ ít trường hợp phải nhập viện. Tuy nhiên, nhiều trường hợp phải cấp cứu hoặc đang điều trị mà không thể ngừng thuốc, hóa chất. Bệnh nhân vẫn phải vào viện hoặc ở lại viện trong những ngày Tết.
Những bệnh nhân như thế, mình luôn đồng cảm và thương như con cháu trong nhà. Bởi có bé từ quê ra, phải xa ngôi nhà quen thuộc "làm bạn" với những ống thuốc truyền và những cơn đau giằng xé. Bệnh nhân rất cần tình thương và sự chăm sóc, vì vậy mình cũng muốn đóng góp một phần nhỏ để giảm nỗi đau cho các con về cả thể xác lẫn tinh thần. Không chỉ riêng mình, bất kỳ bác sĩ nào cũng sẽ sẵn sàng làm điều đó", bác sĩ Trang bồi hồi.
Bác sĩ Trang kể lại thời khắc đón giao thừa, năm nào cũng vậy, sau khi nghe Chủ tịch nước chúc Tết, bệnh viện đều tổ chức khai xuân đầu năm mới.
Riêng tại các khoa, các bác sĩ sẽ chọn bố mẹ của bệnh nhi nào điều trị tiến triển tốt nhất để đến xông đất cho cả khoa, sau đó lãnh đạo bệnh viện sẽ đến chúc mừng, trao quà và mừng tuổi cho các bé.
"Con chúc mẹ trực Tết vui vẻ!"
Chồng chị Trang là bộ đội nên hầu như năm nào cũng phải trực Tết tại đơn vị. Hai vợ chồng bác sĩ Trang nhiều năm nay đều thu xếp trực cùng một ngày, để những ngày sau họ chung ngày nghỉ.
Thời gian ít ỏi trong ngày Tết dành trọn cho ngôi nhà nhỏ bé thân thương, nơi 2 con luôn đợi bố, mẹ trở về!
"Không riêng Tết, bình thường 2 bé nhà mình đã rất quen với việc mẹ phải đi trực. Tuy nhiên trong những ngày Tết, có đặc biệt hơn một chút, đó là các con sẽ gọi điện cho mình để nói lời chúc mừng năm mới. Con nói: "Chúc mẹ trực Tết vui vẻ và chúc các bạn mau khỏe"… chị Trang tự hào "khoe" con của mình.
Tình cảm của con dành cho bố mẹ là động lực giúp tôi vượt qua những khó khăn trong công việc. Các con còn biết chia sẻ với các bạn đang phải ở lại bệnh viện, điều này khiến tôi trân quý những phút giây bên người bệnh", chị Trang nói.
Ngày trực Tết dù không ở gần các con nhưng đổi lại bác sĩ Trang sẽ nhận được tình cảm từ phía các bệnh nhi và cha mẹ của các em. Khác với ngày thường, Tết đến, nhìn các bệnh nhi với bàn tay bé xíu bị cắm dịch truyền đi lại trong khoa, mỗi khi gặp bác sĩ lại vẫy tay chào khiến chúng tôi vừa vui nhưng cũng vừa thương các bé.
Bác sĩ Minh Trang luôn thầm cảm ơn gia đình của mình, bởi họ luôn là "hậu phương vững chắc", là "điểm tựa" cho những y bác sĩ như chị yên tâm công tác, giúp họ hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho mọi người. Năm Giáp Thìn sắp đến, bác sĩ Minh Trang chỉ mong sao những người thân yêu cũng như đồng nghiệp của mình luôn khỏe mạnh. Riêng đối với các y bác sĩ sẽ phải "thất nghiệp" vì sẽ không có bệnh nhân nào phải nhập viện, hay thêm một bệnh nhi nào phải chịu những đau đớn do bệnh tật gây ra ....
Mời bạn đọc xem tiếp video: Nét đặc trưng của thời tiết Tết năm Thìn trong 60 năm qua
Nét đặc trưng của thời tiết Tết năm Thìn trong 60 năm qua.