Ðảm bảo công tác y tế trong thời tiết khắc nghiệt

27-01-2016 12:21 AM | Tin nóng y tế

SKĐS - Trong 3 ngày rét đậm vừa qua, tại nhiều cơ sở y tế khu vực phía Bắc, miền Trung, bệnh nhân là người già, trẻ nhỏ nhập viện đã có phần gia tăng.

Trong 3 ngày rét đậm vừa qua, tại nhiều cơ sở y tế khu vực phía Bắc, miền Trung, bệnh nhân là người già, trẻ nhỏ nhập viện đã có phần gia tăng. Trong khi Bộ Y tế cảnh báo Tết đến, khi thời tiết chuyển mùa đông - xuân thường tạo ra sự thay đổi về môi trường, nhiệt độ, độ ẩm... gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, làm tăng nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt đối với những người sức khỏe yếu, sức đề kháng giảm hoặc không thích nghi kịp sẽ dễ bị nhiễm bệnh.

Chủ động chống rét cho người bệnh

Tại BV Bạch Mai, mấy ngày rét đậm vừa qua, số bệnh nhân đến không tăng đột ngột, nhưng các bệnh liên quan đến thời tiết lạnh giá như: tăng huyết áp, đột quỵ, tim mạch... có xu hướng tăng, đáng chú ý có cả nhiều người trẻ - có thể nghĩ mình còn trẻ khỏe nên chủ quan. Theo các bác sĩ, nhóm người dễ bị tác động nhất trong thời tiết rét đậm những ngày qua là: người cao tuổi, những người có bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Tại Khoa Nhi, số trẻ đến khám có xu hướng tăng trong mấy ngày rét đậm, chủ yếu do các bệnh hô hấp; trong đó chủ yếu là trẻ nhỏ. Đáng chú ý có bé hơn 1 tháng tuổi mới bị ho, khó thở, khò khè vào cấp cứu đã bị viêm phổi.

Chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ninh.(Ảnh: quangninhonline)

Từ giữa tháng 12, khi dự báo có những đợt không khí lạnh bất thường, BV Bạch Mai đã có kế hoạch phòng chống giá rét. BV trang bị thêm điều hòa 2 chiều tại những khu vực quan trọng như: Khoa Nhi, Nhà đẻ, Cấp cứu, Hồi sức tích cực... Đồng thời sửa chữa lại nhà cửa, thay kính bị nứt vỡ, đảm bảo kín gió; cung cấp thêm chăn, ga đệm cho bệnh nhân đảm bảo đủ ấm. Người nhà cũng được phép mang chăn, đệm vào...

Tại Quảng Ninh, theo thống kê của Sở Y tế, tính đến chiều ngày 25/1, số lượng bệnh nhân nhập viện trong đợt rét đậm, rét hại (từ ngày 23 đến 25/1) không có sự gia tăng đột biến. Tuy nhiên, số bệnh nhân bị mắc bệnh lý về đường hô hấp đến khám và điều trị tại một số bệnh viện có tăng nhẹ, trong đó chủ yếu là đối tượng trẻ em và người cao tuổi. Để phục vụ công tác khám chữa bệnh (KCB) trong điều kiện mưa rét, hiện nay, tất cả các khoa, phòng của BVĐK Quảng Ninh đều được trang bị hệ thống điều hòa 2 chiều và hàng loạt máy sưởi được trang bị tăng cường phục vụ bệnh nhân trong đợt rét đậm, rét hại tại các buồng bệnh, nhất là tại các khoa, phòng phục vụ cho trẻ nhỏ, người cao tuổi bị các bệnh lý mạn tính về tăng huyết áp, hô hấp, tim mạch... Bên cạnh đó, tất cả hệ thống cửa ở các khoa, phòng đều được trang bị hệ thống màn gió, tăng cường thêm chăn ấm cho bệnh nhân...

Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các trung tâm y tế, các BV chuẩn bị đầy đủ vật tư, trang thiết bị và nhân lực, phân công cán bộ, nhân viên tổ chức trực 24/24 giờ trong các ngày diễn ra rét đậm, rét hại và dịp trước, trong, sau Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 để sẵn sàng triển khai các hoạt động chống rét, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Sở Y tế cũng đã có công văn yêu cầu các đơn vị KCB đảm bảo các điều kiện, tập trung chống rét cho bệnh nhân. Đồng thời chỉ đạo Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe, Trung tâm Y tế dự phòng tổ chức tuyên truyền cho nhân dân về phòng chống rét, đặc biệt các đối tượng người già, trẻ em; cảnh báo để nhân dân biết về các tai nạn như ngộ độc khí CO do sưởi ấm bằng than trong nhà kín, bỏng lửa, hoặc tử vong trẻ em do chở bằng xe máy đi ngoài trời rét; ngạt thở trẻ em do mặc quá nhiều áo ấm...

Tại Lạng Sơn, ngành y tế chỉ đạo các cơ sở KCB trên địa bàn bảo đảm việc phòng chống rét cho người bệnh trong quá trình KCB, bố trí đủ cơ số thuốc cấp cứu, giường bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện cấp cứu thường gặp do trời rét hoặc thời tiết thay đổi bất thường gây ra.Bệnh nhân đợi khám tại Bệnh viện Lão khoa. Ảnh: TM

Tuân thủ khuyến cáo của ngành y tế để bảo vệ sức khỏe

Liên quan đến việc đảm bảo công tác KCB trong thời tiết giá rét, Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế đề nghị các cơ sở KCB bảo đảm việc phòng chống rét cho người bệnh trong quá trình KCB tại bệnh viện: nơi xếp hàng chờ khám, phòng khám bệnh, buồng điều trị, buồng kỹ thuật người bệnh phải đảm bảo kín gió, có đủ chăn đệm, phương tiện giữ nhiệt, sưởi ấm phù hợp. Không để người nhà người bệnh ở lại thăm nuôi nằm trên sàn nhà lạnh, hành lang gây nguy hại đến sức khỏe. Đồng thời bảo đảm bố trí đủ cơ số thuốc cấp cứu, giường bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện cấp cứu để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp do thời tiết rét lạnh hoặc thời tiết thay đổi bất thường gây ra...

Dự báo trong những ngày tới, miền Bắc vẫn tiếp tục lạnh, nhiều nơi vẫn rét âm độ. Vì thế, Bộ Y tế khuyến cáo, khi đi ra ngoài đường trong thời tiết lạnh, người dân cần phải mặc đủ ấm, mặc áo nhiều lớp mỏng để giữ thân nhiệt ổn định, có thể dễ dàng cởi ra lúc nóng, thích hợp thời điểm thời tiết thay đổi. Người dân cũng cần chú ý giữ ấm đầu, cổ, ngực và bàn chân. Tránh đi ra ngoài vào ban đêm và thay đổi tư thế đột ngột, tránh gió lùa. Khi ngủ dậy cần ra khỏi giường một cách từ từ, đồng thời mặc đủ quần áo ấm; không nên dậy vào lúc 4-5 giờ sáng vì lúc đó huyết áp hay tăng. Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như cúm, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, Rubella, thủy đậu...

Bên cạnh đó, người dân cần ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không ăn tiết canh, không sử dụng gia cầm/sản phẩm từ gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc để chế biến thực phẩm. Tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch (đối với các bệnh có vắc-xin phòng bệnh như: sởi, Rubella, ho gà...).


Thái Bình - Nguyễn Nga
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH