Ðảm bảo ATVSTP để bảo vệ sức khỏe người dân

15-01-2013 09:56 | Thời sự
google news

Trả lời trong chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” tối ngày 13/1, PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế đã có những giải đáp phần nào khúc mắc về vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP)

Trả lời trong chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” tối ngày 13/1, PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế đã có những giải đáp phần nào khúc mắc về vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) – hiện đang là mối quan tâm hàng đầu của người dân, nhất là khi Tết Nguyên đán Quý Tỵ đang đến gần và nhu cầu sử dụng thực phẩm sẽ gia tăng nhanh chóng.
Ðảm bảo ATVSTP để bảo vệ sức khỏe người dân 1
 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong chương trình ”Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời”.
Thanh, kiểm tra ATVSTP toàn diện trên cả nước

Mở đầu cuộc trò chuyện trong chương trình, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, chuyến kiểm tra ngày 5/1 vừa qua của hai tư lệnh ngành y tế và nông nghiệp - Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT là một cuộc khảo sát, mở đầu cho một đợt thanh kiểm tra toàn diện, cụ thể, diễn ra từ Trung ương đến địa phương vào dịp cao điểm Tết Nguyên đán. Nói về kết quả chuyến khảo sát này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, nhìn chung các chỉ tiêu về phát hiện nhanh và chất cấm vẫn chưa phát hiện ra, nhưng điều đó không có nghĩa rằng, vấn đề  ATTP đã tốt, kết quả này không thể đại diện. Do đó, chúng ta phải khảo sát hàng trăm cửa hàng, lấy hàng trăm ngàn mẫu thì mới có thể phản ánh được thực trạng của ATVSTP... Hiện, Bộ Y tế cùng các Bộ: NN&PTNT, Công Thương, Công an và các tổ chức đoàn thể khác đã triển khai kế hoạch thực hiện Tháng cao điểm ATTP phục vụ Tết Nguyên đán với chủ đề “Bữa ăn an toàn”. Theo đó, Ban Chỉ đạo liên ngành TW về ATVSTP đã thành lập 8 đoàn thanh, kiểm tra của TW tiến hành thanh, kiểm tra 24 tỉnh, thành phố có nguy cơ cao, đông dân. Đồng thời, tất cả các địa phương đều phải thanh, kiểm tra từ tuyến tỉnh tới xã, phường tất cả quá trình, các khâu liên quan đến thực phẩm...

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, trong tháng cao điểm này, các ngành chức năng sẽ triển khai Nghị định số 91/2012/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính về ATTP. Nếu kiểm tra mà phát hiện vi phạm thì có thể xử phạt cao nhất tới 100 triệu đồng. Thậm chí, nếu việc xử phạt đó vẫn chưa đúng mức thì có thể xử tới mức gấp 7 lần giá trị hàng hóa vi phạm; đồng thời có thể rút giấy phép điều kiện kinh doanh. Ngoài ra, cơ quan chức năng sẽ thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng những cơ sở sản xuất, những mặt hàng không đạt tiêu chuẩn, để người dân quay lưng lại với những sản phẩm đó.
Ðảm bảo ATVSTP để bảo vệ sức khỏe người dân 2
 Lấy mẫu thực phẩm tại một nhà hàng để kiểm nghiệm.Ảnh :TM
Không cấm việc kinh doanh thức ăn đường phố

Trong chương trình, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, về lâu dài, ngành y tế sẽ hướng tới xây dựng một đề án về bữa ăn an toàn cho người dân. Ðể làm được điều này, phải có một quy trình kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ từ trang trại tới bàn ăn, từ nuôi trồng, chế biến đến kinh doanh, phân phối… đòi hỏi sự phối hợp của nhiều bộ ngành. Bộ Y tế sẽ phối hợp với các bộ ngành, địa phương tiếp tục đưa ra thị trường những thương hiệu thực phẩm có tem an toàn. “Theo quy luật, những sản phẩm không an toàn sẽ bị đào thải nếu người dân có địa chỉ để lựa chọn những sản phẩm chất lượng, an toàn”, Bộ trưởng nói.

Một trong những vấn đề liên quan đến ATTP được dư luận quan tâm gửi đến Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến là bắt đầu từ ngày 20/1 tới đây, Thông tư 30/2012/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về điều kiện ATTP đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố sẽ có hiệu lực. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, không phải đến Thông tư 30 mới có các quy định về thức ăn đường phố. Trước đây, vấn đề này cũng đã được quy định nhưng chưa cụ thể như trong Thông tư 30, đồng thời khẳng định Thông tư 30 ra đời không có nghĩa là cấm việc kinh doanh trên đường phố.

Về lực lượng kiểm tra, xử phạt những sai phạm của việc kinh doanh thức ăn đường phố, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, trong Thông tư 30 cũng như trong luật ATTP, thức ăn đường phố đã được phân cấp cho chính quyền địa phương xã, phường trực tiếp quản lý. Do đó, chính quyền địa phương có rất nhiều lực lượng để có thể triển khai việc kiểm tra, xử lý này. Tất nhiên, không thể một sớm một chiều có thể giải quyết được vấn đề thức ăn đường phố, nhưng Thông tư 30 và những quy định khác chính là những hành lang pháp lý cơ bản để chúng ta tiến dần tới việc thức ăn đường phố phải đảm bảo được các tiêu chuẩn: Thứ nhất, đảm bảo ATVSTP cho người dân, qua đó đảm bảo sức khỏe cho người dân; thứ hai, góp phần chỉnh trang bộ mặt đô thị. Chúng ta không thể chấp nhận những quán cóc vỉa hè mất ATVSTP với việc một xô nước rửa hàng trăm cái bát, thức ăn để cạnh cống rãnh, chỗ ngồi ăn uống thì đầy bụi bặm... “Chúng ta phải quyết tâm tiến tới để có một bộ mặt đô thị khang trang, nhưng vẫn đồng thời đảm bảo cho người dân quyền được kinh doanh”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Thái Bình

 


Ý kiến của bạn