Ấm áp những “cánh én” thiện nguyện

03-01-2015 08:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Sau những chuyến làm từ thiện theo đúng những nghĩa đen của từ này, rằng con người ta trợ giúp nhau với lòng thành thật...

Sau những chuyến làm từ thiện theo đúng những nghĩa đen của từ này, rằng con người ta trợ giúp nhau với lòng thành thật, với một lương tâm thanh thản như vô thức, không mảy may vì một sự hồi đáp nào đó, nếu ai đó đã đạt được sự vô thức ấy sẽ luôn có những cảm giác trong trẻo rất khó tả. Từ thiện có thể với bất cứ ai và nhiều cách khác nhau, khi là chia sẻ những lời động viên, những việc làm, những khoản tiền lớn nhỏ, còn trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi muốn giới thiệu những con người ngành y tế bấy lâu nay vẫn lặng thầm làm công việc từ thiện của mình. Không phải để khen ngợi bởi họ không muốn, không cần những điều đó, mà là để khơi gợi vốn thiện trong mỗi con người, đặc biệt là vào thời điểm đầu xuân mới…

Các bác sĩ CLB Sala đang phẫu thuật từ thiện cho bệnh nhân tại Cao Bằng. Ảnh: T.A

Những câu lạc bộ thiện nguyện thường xuyên

Giống như sự đơn giản của những tấm lòng thiện nguyện, dòng giới thiệu trên trang web và facebook về Câu lạc bộ Sala chỉ một vài dòng ngắn ngủi: Sala Club là câu lạc bộ của những người tự nguyện  mong muốn làm nhân đạo trong lĩnh vực y tế-sức khỏe cộng đồng phạm vi chấn thương chỉnh hình, tuân thủ theo pháp luật Việt Nam.

Đối tượng được trợ giúp trong lĩnh vực chấn thương-chỉnh hình: ưu tiên hàng đầu dành cho bệnh nhi hoàn cảnh đặc biệt; các ưu tiên tiếp theo dành cho người bệnh dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa; người bệnh có hoàn cảnh khó khăn.

Thành lập và hoạt động đã nhiều năm, nhóm từ thiện Sala Club đã mang đến không ít niềm vui cho những mảnh đời bất hạnh trên địa bàn các tỉnh như Hòa Bình, Thái Nguyên, Phú Thọ, Cao Bằng, Nghệ An… 

“Hầu hết các thành viên trong câu lạc bộ đều là những bác sĩ đang công tác tại bệnh viện và người trẻ có chung nhiệt huyết”, tiến sĩ Ngô Văn Toàn - Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Việt Đức - Chủ nhiệm CLB Sala cho biết. Ban đầu, nhóm chỉ có vài chục thành viên và cách họ có thể sẻ chia với các vùng đất họ đi qua - đó là việc gom góp mấy đồng tiền túi ít ỏi của mỗi người. Về sau, càng đi nhiều hơn, nhóm phát hiện thêm nhiều vùng đất với biết bao mảnh đời cơ cực. Họ lấy thông tin rồi quay về, bắt đầu hành trình kêu gọi, gây quỹ bằng chính trái tim yêu thương, đầy nhiệt huyết.

Theo BS. Toàn, đã nhiều lần cùng CLB Sala trong các chuyến công tác xã hội phẫu thuật miễn phí cho trẻ em nghèo, có một điều luôn được ghi nhận là dường như ở đâu cũng vậy, “tinh thần vì người bệnh, đặc biệt với các em nhỏ luôn được đặt lên hàng đầu. Việc phẫu thuật được càng nhiều trường hợp càng tốt để các em nhỏ bớt đi thiệt thòi, mất mát trong cuộc sống”.

Với những bệnh nhân nghèo ở tỉnh nghèo vùng cao như Hà Giang, Hòa Bình…, cơ hội được phẫu thuật là rất hiếm hoi. Nguyên nhân chính là họ không đủ tiền để tiếp cận với dịch vụ y tế cao tại địa phương hoặc trung ương. Đó cũng là lý do các bệnh nhân thuộc chương trình Sala được CLB tài trợ hoàn toàn hoặc một phần viện phí, đi lại, ăn ở trong thời gian nằm viện, bao gồm cả chi phí dành cho người bảo trợ đối với bệnh nhi.

Bệnh nhân được mổ mắt miễn phí trong đợt lễ ra quân Ngày hội thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác. Ảnh: T.A

Một trong những chương trình phẫu thuật đáng nhớ nhất của Câu lạc bộ là chuyến đi Hà Giang 6/2012 và Hòa Bình 10/2012. Để thực hiện mỗi chương trình phẫu thuật từ thiện đòi hỏi phải có sự chuẩn bị kĩ lưỡng về chuyên môn cũng như tài chính. Trung bình thời gian chuẩn bị cho mỗi chương trình tại Hà Giang và Hòa Bình trên dưới 2 tháng. Trong quãng thời gian này, các bộ phận chức năng của CLB Sala như bộ phận kế hoạch, chuyên môn, tài chính, truyền thông… phải thực hiện các công việc được phân công và phối hợp nhịp nhàng với các cơ quan chức năng có liên quan tại địa phương. Trong khi đó, để có được danh sách bệnh nhân đáp ứng yêu cầu của chương trình, các bác sĩ địa phương phải tiến hành nhiều đợt khám sàng lọc tại tuyến huyện, xã. Đây là một công việc gian khổ, tốn nhiều thời gian và công sức, nhưng nó giữ vai trò vô cùng quan trọng đến thành công của chương trình.

Đáng nhớ nhất, trong 2 chương trình này, hơn 200 bệnh nhân là trẻ em, người nghèo ở Hà Giang và Hòa Bình đã được các bác sĩ tình nguyện khám, hội chẩn. Trong số đó, hơn 30 bệnh nhân đã được phẫu thuật miễn phí. Đặc biệt, trong chương trình tại Hà Giang, ngoài sự có mặt của các chuyên gia đầu ngành Việt Nam còn có sự tham gia của chuyên gia nước ngoài thuộc Hội Chữ thập xanh quốc tế là GS. Claude Muller - Bệnh viện Kanton – Bruderholz, Thụy Sĩ. Nhiều kĩ thuật mới trước đây chỉ thực hiện ở nước ngoài hoặc tuyến trung ương đã được đưa vào ứng dụng thành công trên bệnh nhân.

Tương tự như mô hình hoạt động của Câu lạc bộ Sala, ở phía Nam, tại TP.HCM có đoàn bác sĩ Tâm Việt. Chi hội Hữu nghị Bác sĩ Tâm Việt được thành lập vào đầu năm 1998, lúc đầu không có tên. Nhóm tập hợp các bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ, điều dưỡng và các tình nguyện viên từ nhiều bệnh viện, hoạt động trung bình mỗi tháng 2 chuyến, từ miền Trung đến mũi Cà Mau suốt 8 năm với sự tài trợ của một vị ân nhân. Đến cuối năm 2007, một chuyến đi đầy kỉ niệm tại tỉnh Đắk Nông, nhóm quyết định thành lập  “Đoàn Bác sĩ Tâm Việt” với tiêu chí: Phi lợi nhuận - Phi chính trị - Phi tôn giáo là cái tâm của người Việt đối với đồng bào nghèo, chia sẻ nỗi đau và nỗi bất hạnh của bệnh nhân.

Hoạt động thiện nguyện của Đoàn Bác sĩ Tâm Việt cũng sôi nổi và có sức lan tỏa mạnh mẽ đến cộng đồng.

Năm qua, đoàn đã thực hiện nhiều chương trình như các Chương trình Y tế Xanh được thực hiện tại các huyện An Phú, tỉnh An Giang và đồng bào biên giới tỉnh Kandal, vương quốc Campuchia; xã Tân Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An...

Và gần đây nhất là chương trình người nghèo và ước mơ về thuốc trị bệnh tại Bệnh viện Lộc Ninh, thị trấn Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.

Các bác sĩ trong và ngoài nước kết hợp khám và điều trị cho bệnh nhân tại Trung tâm chỉnh hình và phục hồi chức năng Vinh, Nghệ An.

Và những “chiến dịch” đem sức khỏe tới đồng bào

Ngoài những tổ chức thiện nguyện của các y, bác sĩ với những hoạt động thường xuyên thì trong năm qua, nhiều chiến dịch khám chữa bệnh nhân đạo cũng được Bộ Y tế phát động và tổ chức thành công. Có thể kể đến chiến dịch khám chữa bệnh nhân đạo tháng 11/2014 vừa qua.

Với thực tế, ở vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, người dân nghèo vẫn chưa được tiếp cận đầy đủ với các dịch vụ y tế. Một số bệnh viện, trạm y tế còn thiếu nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, kỹ thuật nên chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. Vì thế, Bộ Y tế, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã cùng ký chương trình triển khai hoạt động khám, chữa bệnh nhân đạo giai đoạn 2014-2017. Hàng năm, chiến dịch được tổ chức với chỉ tiêu ít nhất một triệu lượt người được khám, chữa bệnh và tư vấn sức khỏe.

Ngay sau Lễ phát động này, 20 đoàn khám, chữa bệnh tình nguyện ra quân trong toàn quốc, trong đó 10 đoàn của Trung ương ra quân khám tại các huyện nghèo thuộc các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Cao Bằng, Tuyên Quang, Phú Thọ, Yên Bái, Lạng Sơn, Hà Giang, Thanh Hóa; 10 đoàn cấp tỉnh ra quân khám tại: Hà Nội, Hòa Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Thái Bình, Hải Phòng, Bắc Giang.

Ngày 2/11, hai đoàn công tác của Bệnh viện Bạch Mai với các bác sĩ đầu ngành đang triển khai khám, phát thuốc miễn phí cho hơn 2.000 người dân 2 huyện nghèo của Thanh Hóa.

Hiện trên toàn quốc có khoảng 4 triệu người nghèo, người cận nghèo cần được hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế. 100% người thuộc hộ gia đình nghèo và dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng đặc biệt khó khăn đã được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Người cận nghèo chỉ được hỗ trợ 70%; dù một số địa phương hỗ trợ thêm đến 30%, nhưng vẫn có nhiều người không có thẻ, vì vậy, những hoạt động nhân đạo sẽ giúp họ có những cải thiện về sức khỏe hết sức hữu ích và thiết thực.

Những ngày này, trang web cũng như trang facebook của các câu lạc bộ từ thiện lại bắt đầu sôi động chương trình mới cho dịp cuối năm và đầu xuân 2015. Đọc những dòng tin cập nhật danh sách những mạnh thường quân, các nhà hảo tâm gửi tặng liên tiếp nối dài, những dòng thông báo, phát động chương trình ngắn gọn và nóng hổi, dường như sự nồng ấm trong những thành viên của những y, bác sĩ đã làm lan tỏa ra rộng khắp một sự thanh thản, một niềm tin vô hình nhưng lớn lao trong mỗi con người. Một mùa xuân mới, những “cánh én” cần mẫn mang niềm vui cho đồng bào lại rộn ràng vẫy cao.

Hoàng Lê

 

 


Ý kiến của bạn