Cầu Thăng Long nằm trên đường trục đường Vành đai 3, với phần mặt đường ô tô trên 15 nhịp kết cấu dàn thép của cầu chính vượt sông dài 1.680m do Tổng cục đường bộ Việt Nam quản lý. Phần cầu dẫn phía Bắc và phía Nam chiều dài khoảng hơn 700m do Sở GTVT Hà Nội quản lý.
Cây cầu có nhiệm vụ kết nối đồng bộ với tuyến đường Vành đai 3 trên cao, đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long vừa được đưa vào khai thác, khơi thông tuyến đường huyết mạch kết nối trung tâm Hà Nội đến sân bay Nội Bài và các tỉnh lân cận, góp phần giảm ùn tắc cho các khu vực nội đô.
Trong những ngày đầu năm 2022, người tham gia giao thông qua cầu Thăng Long vô cùng bức xúc khi thường xuyên bắt gặp những xe có dấu hiệu quá tải, quá khổ hoạt động rầm rộ trong khi trạm kiểm soát tải trọng không hoạt động. Tình trạng này diễn ra ngay khi Hà Nội vừa tổ chức Lễ phát động ra quân năm an toàn giao thông 2022 và đợt cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông Tết Nguyên đán Nhâm Dần và lễ hội Xuân năm 2022.
Không ít xe container hoán cải, xe trọng tải lớn, xe chở vật liệu xây dựng cồng kềnh lưu thông với tốc độ cao khiến người tham gia giao thông trên cầu Thăng Long bất an.
Trong khi đó, nhiều đoạn mặt đường cầu Thăng Long bắt đầu có dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp. Các hoạt động duy tu của Sở GTVT Hà Nội cũng thường xuyên diễn ra khiến các chủ phương tiện gặp khó khi lưu thông qua cầu Thăng Long, đặc biệt vào giờ cao điểm.
Trao đổi với PV Báo Sức khỏe & Đời sống, ông Trần Hưng Hà, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 1 (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, công tác phối hợp kiểm soát tải trọng xe trên cầu Thăng Long do Tổng cục Đường bộ phối hợp với Thanh tra Sở GTVT Hà Nội được thực hiện 24/7, phân thành 3 ca trực hàng ngày, kể cả thứ 7 và chủ nhật. Tất cả các xe có dấu hiệu vi phạm tải trọng lưu thông trên cầu Thăng Long sẽ bị kiểm tra và xử lý theo quy định.
Trong khi đó, ông Lê Đăng Duy, Đội trưởng Đội TT-AT của Cục Quản lý đường bộ 1 lại cho biết - sở dĩ từ đầu năm 2022 đến nay trạm cân không hoạt động cũng như tổ công tác không thể tuần tra, xử lý phương tiện quá tải trọng trên các đoạn tuyến khu vực 2 đầu cầu Thăng Long theo kế hoạch do lực lượng Thanh tra Sở GTVT TP Hà Nội đã rút quân.
Sau khi Báo Sức khoẻ & Đời sống đăng tải bài viết: Xe cơi thùng, có ngọn 'trẩy hội' trên cầu Thăng Long do trạm cân 'tê liệt' (ngày 11/1/2022) và Lý giải bất ngờ về trạm cân tải trọng trên cầu Thăng Long 'tê liệt' (ngày 12/1/2022), đến ngày 13/1/2022, trạm cân tải trọng trên cầu Thăng Long đã hoạt động trở lại.
Theo lãnh đạo Đội TT-AT của Cục Quản lý đường bộ 1, ngày trong buổi sáng 13/1, tổ công tác đã đầy đủ quân số phối hợp như kế hoạch trước đây với 3 cán bộ của Thanh tra Sở GTVT Hà Nội và 3 cán bộ của Cục Quản lý đường bộ 1.
Với sự nỗ lực, cố gắng, làm việc hết mình, hết trách nhiệm, trong buổi sáng 13/1, tổ công tác đã dừng và xử lý được… một phương tiện quá tải trọng 30-50%.
Đến đêm cùng ngày theo ghi nhận của PV Báo Sức khoẻ & Đời sống, khu vực trực chốt trạm cân tải trọng ở cầu Thăng Long đã khoá cửa, không còn bóng dáng của tổ công tác. Đây cũng là thời điểm các phương tiện trọng tải lớn, xe cơi thùng, có ngọn hoạt động rầm rộ nhất.
Tiếp tục ghi nhận vào đầu chiều 15/1, chúng tôi khá bất ngờ khi chốt trạm này hoàn toàn không có bóng dáng của lực lượng chức năng làm nhiệm vụ.
Theo ghi nhận của phóng viên trong khoảng 1 giờ đồng hồ, có khoảng 50 phương tiện có dấu hiệu quá tải, quá khổ lưu thông qua lại cầu Thăng Long.
Cùng thời điểm trên, khi liên hệ đến Cục Quản lý đường bộ 1, chúng tôi được ông Trần Hưng Hà, Cục trưởng thông tin: "Dù là thứ 7, chủ nhật nhưng Thanh tra Cục vẫn phối hợp với Thanh tra Sở GTVT túc trực, kiểm soát tải trọng phương tiện qua cầu Thăng Long 24/7 (?)".
Thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, năm 2021 lực lượng chức năng kiểm tra gần 74.000 phương tiện, phát hiện tới hơn 9.200 xe vi phạm chở quá tải, xử phạt hơn 85 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, kết quả trên chỉ phản ánh được một phần số xe quá tải lưu thông qua đoạn đường có đặt trạm cân lưu động, cố định và những vị trí mà lực lượng chức năng kiểm soát bằng cân xách tay.
Xe quá tải bùng phát trở lại nhưng việc kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng lại gặp nhiều khó khăn. Gần đây còn xuất hiện tình trạng xe tải tự ý lắp đặt thùng container, ngụy trang kín để chở vật liệu, tàn phá hệ thống cầu đường.
Thậm chí người dân nghi ngờ có tình trạng bảo kê để xe quá tải lộng hành, ngay cả ở những khu vực có trạm cân tải trọng như cầu Thăng Long.
Do vậy, theo Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cần sớm lắp đặt hệ thống cân tự động tốc độ cao để loại bỏ được tiêu cực trong xử lý xe quá tải, nhất là việc "chống lưng" cho loại xe này hoành hành.
Báo Sức khỏe & Đời sống sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc!