Hơn 35 năm cuộc chiến đã đi qua, cuộc sống đã bước vào thời kỳ hoà bình và xây dựng, nhưng những gì tàn khốc của cuộc chiến thì vẫn còn là nỗi day dứt bởi có những kẻ nhẫn tâm giẫm đạp lên quá khứ để mưu cầu lợi ích cho mình. Phim Ám ảnh xanh đang phát trên VTV1 chính là sự nhận diện của người lính trong cuộc sống hôm nay.
Ám ảnh xanh là phim về đề tài chống tham nhũng, cuộc đấu mà bao giờ cũng “trần ai khoai củ”(như cách nói của dân Nam Bộ) 5 ăn 5 thua, nhưng ở đây là cuộc chiến của những người từng là đồng đội thời bom đạn ác liệt. Ở đó sinh mạng con người mong manh trong gang tấc, nhưng lòng dũng cảm, ý chí quyết thắng kẻ thù, sẵn sàng vượt qua mọi gian lao nguy hiểm thì chẳng gì sánh nổi. Ở đó cũng có những kẻ hèn nhát, dám bán đứng đồng đội để được yên thân. Nhưng trớ trêu thay, trở về cuộc sống thời bình, nhờ khôn ngoan mưu mẹo và nhờ cả những thủ đoạn tàn bạo, hắn lại trở thành người nắm giữ một đơn vị kinh doanh.
Thế nên trong Ám ảnh xanh, sự khốc liệt của cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chống cái ác của những người lính – công dân của xã hội hôm nay mang ý nghĩa như một bài học thức tỉnh ý thức trách nhiệm của mọi người. Câu chuyện xoay quanh cuộc đời, số phận của những con người từng là đồng đội, nay bỗng trở thành những thế lực đối nghịch mà đại diện là Sáu Nguyện, là Út Thêm với Năm Thành – kẻ phất lên nhờ những thủ đoạn làm ăn gian dối.
Một cảnh trong phim Ám ảnh xanh. |
Có thể nhận ra bóng dáng ngoài đời của một số kẻ như Năm Thành. Có lẽ Năm Thành là điển hình của cái ác – cái ác đến tột cùng – khiến nhà văn Chu Lai phải trở đi trở lại với nhân vật này vài lần trong tác phẩm ông mới cảm thấy thoả mãn. Lần thứ nhất, với tiểu thuyết nội chiến Ba lần và một lần, sau đó ông chuyển sang kịch bản phim Ba lần và một lần (NSUT Trần Vịnh đạo diễn). Câu chuyện trong phim là cuộc hành trình của một kẻ chiêu hồi (Năm Thành) sau trở thành giám đốc công ty liên doanh, một người sau cuộc chiến (Sáu Nguyện) trở về với cuộc đời ba chìm bảy nổi. Thoả hiệp hay tuyên chiến là câu hỏi nhức nhối với mỗi người, bởi cuộc chiến đã trôi qua từ lâu, nhưng cái ác vẫn còn tồn tại, lẩn khuất tinh vi trong các góc tối. Và với người lính, điều đó không thể chấp nhận. Lần thứ nhất ta tha khi mi là kẻ chiêu hồi bởi cái lẽ yếu đuối của con người trong chiến tranh tàn khốc có thể hiểu được; Lần thứ hai ta vẫn tha khi mi cướp đi người đàn bà mà ta yêu thương bởi cái mất của riêng ta so với sự mất mát của toàn dân tộc không có nghĩa gì; Lần thứ ba, sau 20 năm, do khôn ngoan mi trở thành tổng giám đốc liên doanh, mi phạm vào đủ tội ác kinh tế, về cách đối xử với con người, nhưng ta vẫn tha vì mi chỉ là sản phẩm tất yếu của mặt trái cơ chế kinh tế này; Lần thứ tư, ta không thể tha cho mi được nữa khi mi thản nhiên đứng nhìn con đàn bà ngoại quốc cầm dép đánh vào mặt công nhân của mi – cô công nhân ngày xưa mi từng quì xuống chân xin ban bố tình yêu – bởi đó là nỗi nhục quá lớn. Thế nhưng trớ trêu thay, kẻ gây tội ác thì không bị đền tội, còn anh phải chịu nhiều tức tưởi...
Thế rồi do tính chất khốc liệt của vấn đề và sự hấp dẫn của câu chuyện, một hãng phim lại đặt hàng nhà văn viết tiếp câu chuyện này. Lần đầu tiên, trái với “phương thức sản xuất” của Chu Lai, còn đầy hào hứng, ông viết luôn kịch bản điện ảnh Chỉ còn một lần – lần này thì phải diệt cái ác. 10 tập kịch bản đã được đạo diễn Châu Huế dàn dựng thành 36 tập phim mang tên Ám ảnh xanh. Vẫn tiếp tục cuộc đấu tranh của Sáu Nguyện, Út Thêm với Năm Thành, nhưng câu chuyện dữ dội hơn và nhấn sâu vào cuộc chiến của Út Thêm – nữ thượng tá công an có tinh thần đấu tranh quyết liệt chống tội phạm – với Năm Thành – kẻ đang khoác vỏ bọc doanh nhân thành đạt để phất lên bằng những thủ đoạn làm ăn gian dối, tàn ác. Những mất mát đau thương, những ân oán là nỗi ám ảnh khôn nguôi thôi thúc những người lính trong cuộc sống thời bình phải làm điều gì đó để bù đắp những thiệt thòi mà đồng đội phải gánh chịu trong chiến tranh.
Vấn đề chống tham nhũng không phải là mới, nhưng đề tài này luôn là vấn đề nhạy cảm và gai góc để các nhà làm phim khai thác và mang đến cho khán giả những bộ phim hấp dẫn. Có lẽ thành công nhất của Ám ảnh xanh là phác hoạ chân dung của Năm Thành với cái ác hai chiều. Bề ngoài Năm Thành là kẻ thủ đoạn, tàn nhẫn, nhưng về cơ bản anh ta là người tốt: nhiều tiền nhưng không bao giờ có mặt trong các nhà hàng, các cuộc chơi. Năm Thành sẵn sàng ra tay trừng trị những người cản trở công việc làm ăn của mình, nhưng không bao giờ gây án chết người. Điều đặc biệt là sau mỗi lần gây án, anh ta lại trở về với tiếng hát của cô ca sĩ quân giải phóng mù như muốn thanh lọc tâm hồn. Sâu xa trong con người Năm Thành, những hoài niệm về quá khứ vẫn còn rất đậm đặc. Sở dĩ Năm Thành tồn tại được vì có cái ô to ở thủ đô che chắn, các dự án lớn đều vào tay anh ta qua ông cán bộ cao cấp kia. Nhưng kẻ gieo gió thì cũng gặp bão, cuối cùng thì Năm Thành cũng bại hoàn toàn.
Tên các tác phẩm được nhà văn Chu Lai đặt như một quyết tâm: Ba lần và một lần – vẫn chưa diệt được cái ác. Đến Chỉ còn một lần - định làm quyết liệt, nhưng cuối phim Năm Thành có những hành xử đẹp nên lại không muốn diệt. Suy cho cùng, chống cái ác, cái tham nhũng thực ra là ta đang chống chính ta trong con người ta. Trong mỗi người đều có cái thiện, cái ác. Chính vì cái “lương” này mà làm cho xã hội ổn định hơn.
Đặt vấn đề chống tham nhũng trong thời điểm hiện nay là sự nhạy bén của các tác giả trong việc nắm bắt thời tiết chính trị khi mà vấn đề nhạy cảm này đang được nhà nước chú trọng, nhất là dịp chuẩn bị đại hội Đảng.
Lệ Quyên