Ám ảnh với Ngày xưa có một chuyện tình

28-10-2016 09:05 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Đọc một mạch cuốn truyện dài mới xuất bản của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh Ngày xưa có một chuyện tình, hình ảnh về mối tình tay ba của Vinh...

Đọc một mạch cuốn truyện dài mới xuất bản của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh Ngày xưa có một chuyện tình, hình ảnh về mối tình tay ba của Vinh, Miền, Phúc cứ ám ảnh trong tâm trí tôi. Những kỷ niệm đẹp, những câu chuyện buồn, tình bạn, tình yêu, cảm xúc, lý trí... của các nhân vật đã mang đến cho người đọc nhiều cung bậc cảm xúc từ chất văn chương “rất Nguyễn Nhật Ánh” .

Nếu nói về cốt truyện thì Ngày xưa có một chuyện tình không có gì mới. Đó là câu chuyện xoay quanh ba nhân vật chính là Miền, Vinh còm và Phúc. Ba người cùng lớn lên, cùng theo học tại một trường phổ thông ở thôn quê. Vinh và Phúc là hai người bạn thân và cùng yêu Miền. Trong khi Vinh yêu Miền bằng một tình cảm chân thành, giản dị, không toan tính thì Miền lại yêu Phúc. Miền mang thai với Phúc trong một lần “vượt quá giới hạn” nhưng Phúc không hay biết điều này. Sau đó, Phúc theo bố bỏ đi xa xứ còn Miền được gia đình đưa đến Phú Yên sống với chị gái chờ ngày sinh nở để tránh sự dị nghị của hàng xóm láng giềng. Sau nhiều năm gặp lại, Vinh - giờ đã là một thầy giáo quyết định cầu hôn Miền và nhận bé Su (con của Miền và Phúc) làm con. Cuộc sống tưởng cứ êm đềm trôi qua nhưng một ngày, Phúc và bố trở về quê hương, mối tình tay ba lại một lần nữa được xới lên.

Chuyện chỉ đơn giản như vậy nhưng cách kể chuyện của Nguyễn Nhật Ánh rất hấp dẫn, nó lôi kéo người đọc đi từ nút thắt, mở này sang nút thắt, mở khác, để rồi cuối cùng “lâng lâng” cảm xúc với cái kết rất “trọn vẹn”. Tưởng như Miền đã sẵn sàng rũ bỏ tất cả để chạy trốn cùng Phúc theo tiếng gọi của tình yêu thời cắp sách nhưng cuối cùng, cô quyết định ở lại với Vinh vì cho đến tận lúc này, khi gần như bước qua những ranh giới mong manh trong cuộc sống cô mới nhận ra đâu là tình yêu đích thực của đời mình. Còn với Phúc, khi đứng chờ Miền ở điểm hẹn, anh cũng bắt đầu nghĩ về tương lai, soi xét quá khứ. Bé Su là sợi dây gắn kết anh với Miền, là điều thôi thúc anh rủ Miền chạy trốn nhưng cũng đặt ra hàng loạt câu hỏi khiến anh băn khoăn để rồi quyết định tự bỏ đi một mình. Vinh thì cao thượng và chấp nhận hy sinh tình yêu của mình khi cho rằng, tình yêu không phải là cái gì cưỡng ép và một phía. Anh lấy lý do đi Đà Nẵng để cho Miền không cảm thấy khó xử nếu quyết định bỏ trốn theo Phúc.

Nhân vật xưng “tôi” trong Ngày xưa có một chuyện tình được kể đan xen giữa Miền, Phúc, Vinh và cả bé Su - con của Miền và Phúc. Thông qua cảm nhận, câu chuyện xoay quanh nhân vật “tôi” mà độc giả lần lượt được giải mã những “lớp lang” giữa ba nhân vật chính. Đây có thể nói là sự tài tình của Nguyễn Nhật Ánh. Bởi, khi phải hóa thân cùng lúc thành các nhân vật khác nhau, diễn tả được cảm xúc, tâm trạng của từng nhân vật làm sao không bị trộn lẫn mà vẫn giữ được “mạch” chuyện là điều không hề đơn giản.

Nguyễn Nhật Ánh vẫn giữ được cách kể chuyện hóm hỉnh, hồn nhiên, văn phong trong sáng, giản dị. Những câu văn ngắn gọn, rõ ràng, dễ đọc, dễ hiểu. Nếu nói về ngôn ngữ văn học hiện đại, Nguyễn Nhật Ánh không sử dụng bút pháp, ngôn từ vốn được nhiều bạn trẻ, cư dân mạng hiện nay yêu thích. Tuy nhiên, chính sự giản dị, trong sáng trong ngôn từ là sức hấp dẫn rất riêng có trong văn phong Nguyễn Nhật Ánh.

Một điểm nữa cũng rất đáng chú ý trong Ngày xưa có một chuyện tình là có khá nhiều “tuyên ngôn” về tình  yêu. Có thể, những triết lý tình yêu của Miền, Phúc, Vinh sẽ tạo nên những “cơn sốt” trong giới trẻ trong thời gian tới. Những định nghĩa tình yêu đầy chất văn học như: “Tình yêu, nếu ta tôn thờ nó, nó sẽ đủ sức thanh minh cho tất cả. Dẫu sao tình yêu đâu phải là phát minh của tôi. Khi con người sinh ra, tình yêu đã có sẵn ở đó rồi”. “Đi tìm tình yêu cũng phiêu lưu giống như đi tìm kho báu vậy. Con không thể biết trước cái con sắp đào lên là những thỏi vàng hay chỉ là những mảnh bát vỡ”. “Tôi biết Vinh yêu tôi rất nhiều, nhiều hơn Phúc yêu tôi. Tôi biết điều đó mà không cần tới trực giác. Tình yêu của Vinh bền chắc, vị tha, sáng rõ, vững chãi, gần như ở thể rắn, có thể sờ thấy được. Đó là thứ tình yêu được chưng cất mỗi ngày và bền bỉ kết tinh qua năm tháng”...

Ngày xưa có một chuyện tình chất chứa nhiều câu chuyện rất đời, thời sự với chuyện tình yêu, rồi cả tình dục của giới trẻ. Tuy nhiên, đó không phải là “mảnh đất” để ngòi bút Nguyễn Nhật Ánh “tung tẩy” với những dòng văn viết về “cảnh nóng”. Có lẽ, với Nguyễn Nhật Ánh, cảnh nóng không phải là mồi câu và Ngày xưa có một chuyện tình cũng không cần đến cảnh nóng để “làm màu” cho tác phẩm của mình. Chuyện tình yêu của những cô, cậu cấp ba được kể với đúng tâm trạng, cảm nhận từ tâm hồn non nớt của họ.

Trong bối cảnh văn chương Việt, nhất là dòng văn học trẻ đang thiếu những tác phẩm văn học hay, thực sự có chức năng giáo dục, định hướng thẩm mỹ cho giới trẻ thì sự xuất hiện của Ngày xưa có một chuyện tình rất đáng trân trọng. Văn chương cũng chẳng cần những câu chuyện “đao to, búa lớn”, đề tài “giật gân, câu khách”, cứ nhẹ nhàng, giản dị vậy thôi cũng đủ để ám ảnh lắm rồi...

Văn chương của Nguyễn Nhật Ánh là một “đỉnh cao”, một “thương hiệu” là điều không có gì phải bàn cãi. Những trang viết của anh cho thiếu nhi, mà đúng hơn là viết cho những ai đã từng trải qua tuổi thơ đã trở thành mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn nhiều thế hệ độc giả Việt. Ngày xưa có một chuyện tình được đánh giá là một hướng đi khác của Nguyễn Nhật Ánh. Đó không còn là câu chuyện về tuổi thơ đẹp đẽ, trong sáng như những trang viết trước đây mà đan xen vào đó là câu chuyện của tuổi mới lớn với những vấn đề “gai góc”, xã hội hơn như tình yêu tay ba, mang thai, xây dựng gia đình...


Tường Phạm
Ý kiến của bạn