Đồ bảo hộ chống cháy "cháy hàng"
Hàng loạt vụ cháy nhà gây ra những cái chết thương tâm, gần đây nhất là vụ cháy quán karaoke IRIS trên đường Quan Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) khiến thị trường đồ bảo hộ chống cháy nóng lên. Nhiều người tìm mua đồ bảo hộ để phòng rủi ro khiến giá cả loại mặt hàng này cũng tăng theo.
Thị trường mặt hàng bảo hộ chống cháy có nhiều sản phẩm với đủ mức giá khác nhau. Mặt nạ chống độc dao động từ 80.000 - 500.000 đồng/chiếc, có 2 loại là 1 phin và 2 phin.
Bình chữa cháy bột loại 1-8kg có giá 160.000 - 300.000 đồng/bình; bình chữa cháy CO2 từ 3-5kg có giá 360.000 - 570.000 đồng/bình.
Thang dây thoát hiểm có hai loại là dây dù và dây bằng cáp, bán kèm là bộ dây đai, giá cả dao động 90.000 - 150.000 đồng/m. Dây thoát hiểm xuất xứ từ Hàn Quốc có giá từ 3,6 - 4,9 triệu đồng/bộ.
Mặt nạ phòng độc của Mỹ giá từ 2 triệu đồng/chiếc. Bình chữa cháy công nghệ cao có giá 700.000 đồng/bình,...
Chị Minh Phương, chủ một cơ sở phân phối hàng bảo hộ lao động ở Tây Hồ (Hà Nội) cho biết, với kết cấu gồm phần mũ làm từ chất liệu chống cháy, màng chắn bảo vệ mắt và phin lọc hoạt tính, chống khói, chống độc, mặt hàng "hot" này có giá bán từ 800.000 đồng. Ngoài ra, mặt nạ phòng khói than hoạt tính cũng được nhiều khách hàng Hà Nội - đa phần là cư dân sống tại các khu chung cư cao tầng, tìm mua vì mức giá rẻ hơn, dao động từ 150.000 - 180.000 đồng.
Tại các con phố chuyên bán đồ bảo hộ lao động ở Hà Nội như Yết Kiêu, Lê Duẩn... mặt nạ chống khói, phòng độc gồm 1 hoặc 2 phin lọc than hoạt tính, không mũ trùm đầu cũng được nhiều người tìm mua. Mặc dù có giá bán không hề rẻ, dao động gần 7 triệu đồng trở lên, song dây thoát hiểm xuất xứ Hàn Quốc cũng trong tình trạng khan hiếm hàng.
Chị Lê Ngọc Yến, chủ một cửa hàng chuyên kinh doanh thiết bị bảo hộ lao động trên đường Yết Kiêu (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, hiện nay hút hàng nhất là balo thoát hiểm. Loại này sẽ được đeo vào người và có dây cáp kéo bên trong, một đầu móc vào tường và người gặp nạn sẽ từ từ bám vào tường để tụt xuống dưới. Giá balo sẽ dao động từ 1 - 5 triệu đồng, tùy vào xuất xứ.
Chị Yến cho biết, những ngày gần đây, số lượng bán các mặt hàng bình chữa cháy, mặt nạ chống độc, balo thoát nạn tăng gấp 3-4 lần. Nhiều người sẵn sàng bỏ ra hàng chục triệu đồng để trang bị sẵn các loại đồ bảo hộ này trong nhà, phòng rủi ro cháy nổ.
"Nhiều vụ cháy, lực lượng cứu hộ không thể tiếp cận bên trong cứu người do thiết kế nhà kín mít, khung sắt hàn nối chắc chắn với nhau. Mỗi gia đình nên sửa lại phần khung sắt này. Bằng cách làm thêm các bản lề, tạo ra cánh cửa sắt có thể đóng vào mở ra. Chìa khóa của cánh cửa này để ở nhiều nơi trong nhà, có thể lấy từ bất cứ chỗ nào để khi hỏa hoạn xảy ra, người trong đám cháy có đường thoát.
Những gia đình làm lồng sắt đặc biệt lưu ý, không được hàn các khung sắt kiên cố ở khu vực ban công, mặt tiền của căn nhà, để tạo điều kiện thuận lợi thoát hiểm. Phía tầng tum của ngôi nhà cũng không nên làm bịt kín, để các khoảng hở ra bên ngoài vừa có không khí lưu thông, vừa là một lối thoát khi có hỏa hoạn", chuyên gia Nguyễn Đình Tú.
Đồ cứu hộ để lâu không dùng cũng tự mủn
Tiến sĩ vật lý Nguyễn Văn Khải, Trung tâm Dung dịch hoạt hóa điện hóa và đèn tiết kiệm năng lượng cho rằng, việc mua các thiết bị phòng cháy là cần thiết đề phòng các sự cố có thể xảy ra. Tuy nhiên, chỉ nên chọn những thứ thật cần thiết chứ không nên mua theo trào lưu, rất tốn kém. Cần lưu ý là các mặt hàng như mặt nạ chống khói hay thang dây đều sẽ bị lão hóa khi để lâu. Chất liệu làm mặt nạ sẽ bị bết, dính lại, thang dây sẽ mục ra nếu để quá lâu không sử dụng. Đến khi xảy ra cháy, đem đồ đã hỏng ra sử dụng, có khi lại mắc thêm tai vạ.
"Nếu trang bị đồ bảo hộ chống cháy trong gia đình, phải thường xuyên lấy ra kiểm tra. Trường hợp phát hiện hư hỏng, bong tróc, rách… phải thay mới, mà như thế thì khá tốn kém", TS. Khải nói.
Cũng theo TS. Nguyễn Văn Khải, phòng cháy là yếu tố quan trọng nhất để tránh những hậu quả đáng tiếc. Khi xảy ra cháy, dùng nước để dập lửa là hiệu quả nhất. Khi thiết kế nhà, phải có hệ thống phun nước chữa cháy ở hành lang và trong nhà. Để khi có cháy, hệ thống này tự động phun nước là sẽ dập tắt được đám cháy. Các gia đình có thể trang bị bình CO2 được thiết kế giống như quả gấc. Khi nhiệt độ cao, tự nó sẽ nổ để dập tắt đám cháy. Nhưng với đám cháy lớn thì bình CO2 cũng không có giá trị.
Ngoài ra, hệ thống đường dây điện, bóng điện phải được thiết kế đúng chuẩn, tránh tạm bợ dẫn đến chập cháy. Trong nhà phải có chuông báo cháy.
Khi thiết kế nhà, không nên làm cửa lùa mà nên làm cửa đóng vì cửa lùa rất dễ bị kẹt khi xảy ra cháy do nhôm bị nóng chảy. Với cửa mở cánh, nên trang bị khóa cửa đủ dài để chống lại áp suất mạnh đẩy vào cửa khi xảy ra cháy. Ở các cửa sổ, không nên đóng kín mà nên cài khóa ở chế độ không khóa. Khi xảy ra cháy, có thể mở cửa này hoặc cửa ban công để ra ban công.
"Nếu có cháy, có thể tự tạo thang dây bằng cách cắt chăn màn để nối dây thoát hiểm. Cứ 50 cm lại phải buộc nút một lần, không được nối chăn màn lại với nhau để làm dây thoát hiểm, vì như thế rất dễ bị tuột và ngã xuống do các mấu bám vào quá xa nhau. Ngoài ra, luôn phải dự trữ nước trong nhà để khi có cháy thì dùng khăn mặt, chăn thấm nước để bịt mũi, choàng vào người thoát khỏi đám cháy", TS. Nguyễn Văn Khải cho biết.
"Không ai mong muốn sự cố xảy ra, nhưng khi có sự cố thì cách phòng tránh tốt nhất là trang bị các kỹ năng thoát hiểm. Tìm hiểu các kỹ năng ứng phó như sử dụng nước dập lửa, các kỹ năng đóng, mở cửa, leo trèo khi có hỏa hoạn", TS. Nguyễn Văn Khải cho biết.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Việt Nam báo động: Số ca mắc Covid-19 tăng vọt, nhiều người tái nhiễm do biến chủng phụ mới | SKĐS