Hà Nội

Ám ảnh một gia đình ở Hải Dương có 8 người bị ung thư

12-04-2018 13:56 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Thông tin từ Bệnh viện K cho biết, gia đình ông Phạm Duy Vinh (51 tuổi, Ninh Giang, Hải Dương) là trường hợp mắc hội chứng ung thư gia đình khá hiếm gặp khi có tới 8 người bị ung thư đại trực tràng.

Mẹ và 7 người con đều bị ung thư đại trực tràng

Bị đau bụng, đi ngoài ra máu nhiều lần, ông Phạm Duy Vinh đến Bệnh viện K cơ sở Tân Triều khám. Bác sĩ chẩn đoán ông bị ung thư đại tràng góc lách, cần phẫu thuật.

Tuy nhiên do hoàn cảnh khó khăn, vợ mới bị đột quỵ nên ông Vinh âm thầm chịu đựng, đến giữa tháng 3 vừa qua mới vào viện điều trị.

TS Phạm Văn Bình, Trưởng khoa Ngoại Bụng 1, Bệnh viện K cho biết, theo kế hoạch, bác sĩ sẽ mổ nội soi, tuy nhiên do vị trí khối u khó nhận biết nên phải mổ mở để loại bỏ khối u kích thước 1x2 cm. Một ngày sau ca mổ, sức khỏe ông chuyển biến tích cực. Bệnh nhân được chỉ định truyền hoá chất và xạ trị.

Căn bệnh ung thư đại tràng nhiều năm qua đã trở thành nỗi ám ảnh của cả gia đình ông Vinh. Năm ngoái, mẹ ông đã qua đời ở tuổi 74 vì căn bệnh ung thư này. Nhà có 9 anh chị em, 4 con trai và 5 con gái thì tới nay tính cả ông Vinh đã có tới 7 người mắc ung thư đại tràng. Trong đó, người anh cả đã mất từ lâu, 5 người còn lại đang điều trị, tái khám tại Bệnh viện K.

TS Phạm Văn Bình cho biết, phần lớn ung thư không liên quan đến di truyền và không để lại bệnh cho các thế hệ sau nhưng riêng ung thư đại trực tràng, có khoảng 5% người mắc có yếu tố di truyền về gene, gọi là hội chứng ung thư gia đình.

“Vì Bệnh viện K là cơ sở y tế tuyến cuối về bệnh ung thư nên mỗi năm các bác sĩ ở đây cũng gặp 2 – 3 gia đình có người nhà cùng bị ung thư. Tuy nhiên, con số đó chỉ dừng lại ở 3 – 4 người còn gia đình anh Vinh có tới 8 người bị ung thư đại trực tràng thì lần đầu tiên chúng tôi gặp- TS Bình nói.

Theo TS. Bình, cả gia đình anh Vinh đều bị ung thư đại trực tràng do hội chứng đa polyp gia đình hay còn gọi hội chứng FAP là hội chứng điển hình có tính chất gia đình do đột biến gen APC, gen này có thể chuyển từ bố mẹ, sang con, đây là một loại gen có vai trò ức chế sự hình thành của khối u sinh ra ở đại tràng và có sự đột biến, nó chiếm 1% ung thư đại trực tràng.

Con gái ông Vinh đang chăm sóc ông tại Bệnh viện K. Ảnh BVCC

Những người nào có nguy cơ cao bị ung thư đại trực tràng?

Tại Việt Nam, ung thư đại trực tràng là dạng ung thư phổ biến, đứng hàng thứ 3 sau ung thư phổi và ung thư dạ dày ở nam, sau ung thư vú, cổ tử cung ở nữ và tăng rất nhanh.

Năm 2000, số mắc ở nam giới là 2.878 ca, đến năm 2010 đã tăng gần gấp 3 lên mức 7.568 ca và dự báo đến 2020 lên hơn 13.000 ca.

Ở nữ giới, trong vòng 10 năm, số ca mắc cũng tăng gấp 3 lần, từ hơn 2.500 ca năm 2000 lên 6.110 ca năm 2010 và dự báo 2020 lên 11.124 ca.

Cũng theo thông tin của TS Phạm Văn Bình, những người có nguy cơ cao bị ung thư đại trực tràng như tiền sử bản thân hoặc gia đình bị u tuyến, các hội chứng đa polyp hoặc ung thư đại trực tràng; các bệnh viêm ruột... nên làm xét nghiệm tìm máu trong phân, nội soi toàn bộ đại trực tràng... ở độ tuổi sớm hơn để sàng lọc bệnh. Tất cả loại đa polyp đại trực tràng nếu không được can thiệp thì sẽ có khoảng 50% chuyển thành ung thư (từ khi sinh ra đến khi 40 tuổi).

Điều trị ung thư đại trực tràng là điều trị đa mô thức gồm phẫu thuật, hóa chất, tia xạ. Trong đó, phẫu thuật đóng vai trò quan trọng nhất, với hai phương pháp chính là mổ mở truyền thống và phẫu thuật nội soi.

“Với các phương pháp điều trị ung thư điều quan trọng nhất, chìa khoá để thành công giúp bệnh nhân sống lâu hơn đó là chẩn đoán sớm. Các biện pháp phát hiện bệnh nhân ở giai đoạn sớm có thể phẫu thuật triệt căn là vô cùng quan trọng nhưng việc phát hiện sớm bằng các phương pháp y học hiện đại vẫn chỉ mang tính cá thể”- TS Bình nhấn mạnh.

Để phòng ngừa ung thư đại trực tràng, người dân cần:

- Tăng cường vận động thể chất.

- Hạn chế ăn mỡ, thịt động vật; giảm kcal, chất béo từ 40% xuống 20-25%.

- Tăng cường ăn các chất xơ và hoa quả tươi hằng ngày.

- Hạn chế thức ăn muối, lên men, cá khô, nước tương, thịt xông khói.

- Tránh để những chất gây đột biến gene nhiễm trong thức ăn như thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc tăng trọng.

- Hạn chế lạm dụng rượu, bia và các chất lên men khác.


Thái Bình
Ý kiến của bạn