Hà Nội

Ám ảnh loại vi khuẩn có trong món ăn khoái khẩu khiến toàn thân tím đen, tử vong nhanh chóng

12-09-2023 15:14 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Sau khi ăn tiết canh, giết mổ lợn, nhiều bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sốt, đau nhức, toàn thân da tím đen... Có trường hợp không cấp cứu kịp thời đã tử vong do nhiễm liên cầu lợn.

Mới đây, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vừa tiếp nhận một bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt 40 độ C, mệt mỏi, đau nhức cả hai khớp chân. Người nhà bệnh nhân cho biết trước đó đã dùng thuốc hạ sốt nhưng tình trạng bệnh vẫn nặng lên.

Tại bệnh viện, bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi biến chứng sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, toan chuyển hóa nặng. Các bác sĩ cho biết diễn biến bệnh nhân rất nhanh, tử vong chỉ sau vài giờ vào viện. Kết quả xét nghiệm cấy máu của bệnh nhân cho thấy dương tính với vi khuẩn liên cầu lợn (Streptococcus suis).

Tại các cơ sở y tế khác như Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Quân y 105 cũng ghi nhận một số ca nhiễm liên cầu lợn nhập viện. Thậm chí, tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai, trung tuần cuối tháng 5 có tới 5 ca liên cầu lợn/tuần.

Cùng với đó, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng tiếp nhận 2 ca bệnh liên cầu lợn nhập viện trong tình trạng da tím đen hoại tử toàn thân, nổi nhiều ban xuất huyết. Đa số các bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sau khi giết mổ, ăn tiết canh, thịt lợn ốm...

Nhiều bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn toàn thân tím đen, thậm chí tử vong  - Ảnh 1.

Một bệnh nhân nam 59 tuổi (Thái Bình) cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng viêm màng não mủ có tiền sử nghiện rượu và ăn tiết canh trước 6 ngày trước đó.

Liên cầu lợn là bệnh gì?

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh liên cầu lợn xuất phát từ nguyên nhân người dân ăn uống không bảo đảm vệ sinh, ăn tiết canh lợn hoặc tiết canh dê có pha tiết lợn.

Bệnh cảnh lâm sàng liên cầu lợn khá nặng nề. Bệnh nhân sốt cao, đau đầu, nôn mửa, có biểu hiện xuất huyết ngoài da. Trong trường hợp nặng có thể nhiễm trùng huyết và tổn thương thính giác do tổn thương ốc tai, thậm chí có thể điếc vĩnh viễn.

Ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ, bệnh nhân cần đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể giữ được tính mạng tuy nhiên vẫn có khả năng di chứng. Trong trường hợp điều trị muộn có thể dễ dẫn đến tử vong.

Nhiều bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn toàn thân tím đen, thậm chí tử vong  - Ảnh 2.

PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai.

Liên cầu lợn lây qua đường nào?

Gần đây, có rất nhiều trường hợp bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn. Nhiều người quan niệm rằng tiết canh là món ăn bổ, mát, còn có những người xem tiết canh là món "may mắn" và thường ăn vào ngày đầu tháng.

Chuyên gia lưu ý, vi khuẩn trong tiết canh lợn có thể xâm nhập qua đường máu sau đó tấn công não và gây nhiễm trùng huyết. Vì vậy, người dân không nên ăn tiết canh, đặc biệt là tiết canh lợn.

Ngoài ra, khi giết mổ lợn có nhiễm bệnh hoặc không rõ nguồn gốc, mầm bệnh có thể lây qua các vết thương ngoài da, niêm mạc. Người dân tuyệt đối không nên giết mổ, mua bán lợn ốm, lợn chết. Không sử dụng thịt lợn có màu sắc bất thường, xuất huyết hoặc phù nề.

Khi mắc liên cầu lợn, người bệnh thường có các biểu hiện lâm sàng như:

  • Sốt
  • Đau đầu
  • Nôn
  • Rối loạn ý thức
  • Trên da có thể nổi các đám xuất huyết
  • Trường hợp nặng có thể hôn mê.

Ngay khi có dấu hiệu bất thường người dân cần đến cơ sở y tế để thăm khám và chẩn đoán bệnh, bởi nhiễm liên cầu lợn khi có các dấu hiệu như xuất huyết, tím đen toàn thân... có thể dẫn tới nguy cơ tử vong cao. Bên cạnh đó, nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể tránh được những nguy cơ biến chứng.

Xem thêm video được quan tâm:

Sốc nhiễm khuẩn nguy kịch do nhiễm liên cầu khuẩn lợn | SKĐS


Kim Dung
Ý kiến của bạn