Ám ảnh học sinh rối loạn tâm thần

22-07-2013 11:38 | Tin nóng y tế
google news

Những ngày thi nóng bỏng vừa qua, nhiều học sinh tâm thần bấn loạn, có em đã phải nhập viện. Đây là vấn đề đáng báo động nhưng chưa thực sự được quan tâm đúng mức.

Những ngày thi nóng bỏng vừa qua, nhiều học  sinh tâm thần bấn loạn, có em đã phải nhập viện. Đây là vấn đề đáng báo động nhưng chưa thực sự được quan tâm đúng mức.

Nói vấn đề chưa được quan tâm đúng mức vì việc học sinh cứ vào mùa thi lại có biểu hiện nhiễu loạn tâm  thần ngày một tăng, nhưng “cho đến nay vẫn chưa có một công trình tầm vóc quốc gia nào đánh giá vấn đề này để có sự điều chỉnh trong học hành, thi cử, giảm áp lực cho học sinh”, một bác sĩ chuyên khoa tâm thần nhận định. 

Áp lực và sự kỳ vọng

Em H. suốt mấy tháng chuẩn bị kỳ đại học gần như không ngủ, chỉ chợp mắt những giấc rất ngắn, tỉnh dậy ôn bài. Em học khá nên càng cần phải cố gắng đạt điểm cao. Tuy nhiên, khi thi môn hóa xong, em suy sụp tinh thần vì làm bài  không được. Em đầu tiên la hét, sau đó gần như câm lặng, không giao tiếp với bất cứ ai, cũng gần như không còn nhận ra thế giới bên ngoài, bố mẹ gặng hỏi cũng không trả lời… Lúc này, mẹ của em mới đưa đến bác sĩ tâm thần và bác sĩ cũng chỉ có thể tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến bệnh của em qua người mẹ mà thôi. Sau 1 tuần uống thuốc kết hợp tâm lý trị liệu, em H. mới hồi phục sức khỏe tinh thần.

Ám ảnh học sinh rối loạn tâm thần 1Ảnh minh họa
Tương tự, ngay đợt thi vừa rồi có thí sinh vừa cầm đề thi toán lên là… xỉu luôn. Điều này  chỉ có thể giải thích được khi học sinh này đứng trước áp lực phải đậu đạt nhưng gặp phải đề thi không… đúng với ý mình.

Theo thống kê, tại Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, vào những ngày mùa thi, trung bình có khoảng 10 - 15 học sinh đến khám vì nhiễu loạn tâm thần, vì căng thẳng, lo sợ, trầm cảm… Đây là con số không phản ánh đầy đủ số học sinh bị rối loạn tâm thần vì thi cử, do nhiều gia đình, nhiều em bị bệnh nhưng không có ý thức đi khám; có em đến chuyên viên  tâm lý, có em đến bác sĩ tâm thần ở phòng mạch tư.

“Nguyên nhân chủ yếu là học hành căng thẳng dồn vào một thời gian ôn thi quá ngắn. Bên cạnh đó sự kỳ vọng của phụ huynh cũng gây áp lực cho các em”, thạc sĩ - bác sĩ  Nguyễn Ngọc Quang (Giám đốc Pháp y tâm thần TP.HCM) nhận định.  Hầu hết thí sinh trong vài ba tháng ôn thi là lao vào học quên cả ăn, cả ngủ. Rất nhiều em vào các lò luyện thi cấp tốc và cấp tốc học. Trong khi đó, bố mẹ  thường nhắc nhở phải cố gắng, cố gắng… Có người còn nói: “Không đậu đại học thì đi… ăn mày”.

Cũng để đỗ đạt, một số em đã dùng thuốc Ritalin, một thuốc điều trị trẻ tăng động giảm chú ý. Ths.BS. Nguyễn Ngọc Quang  nói: “Dùng thuốc Ritalin nhằm mục đích tăng cường trí nhớ, độ tập trung học tập, nói chung là “bổ não” như một số phụ huynh quan niệm là rất nguy hiểm. Vì đây là thuốc điều trị cần có sự chỉ định của bác sĩ. Thuốc có những tác dụng phụ không thể dùng tùy tiện được”.

Áp lực những ngày thi không chỉ biểu hiện ở thí sinh mà còn thể hiện trên từng khuôn mặt lo lắng đợi con ở các điểm thi. Đỉnh điểm là một phụ huynh khi đưa con đến Huế đi thi đã lên cơn loạn thần cấp do mất 10 triệu đồng. “Trong hoàn cảnh này ai cũng có thể lên cơn điên loạn được. Anh cứ tưởng tượng: 10 triệu đồng là cả một gia tài lớn, là niềm hy vọng cho con đi thi và đỗ đạt. Hơn nữa tiền đó lại là tiền vay…”, một bác sĩ giải thích lý do phụ huynh này bị loạn thần cấp.

3 phòng tuyến “chống lũ”

Một không phụ huynh xin không nêu tên nhận xét: “Thật không hay chút nào khi con em chúng ta cứ vùi đầu vào học và thi, thi mãi. Ngay mới vào lớp 1, có trường đã trương bảng thi tuyển đầu vào thì không còn gì để nói”. Học và thi là chuyện đáng nói và đã có nhiều ý kiến. Tuy nhiên, nếu chúng ta vẫn chấp nhận việc học nặng về thi cử thì cần có phương pháp “chống lũ”, tức giảm thiểu những sang chấn tâm thần cho con em mình.

Điều đáng chú ý là các sang chấn tâm thần xảy ra nhiều ở mùa thi. Nguyên nhân là các học sinh phải tiếp nhận khối lượng kiến thức lớn trong thời gian quá ngắn. Để giải tỏa vấn đề này, điều quan trọng nhất là học sinh cần được xây dựng nền tảng kiến thức từ những lớp dưới, để… nhàn nhã hơn vào mùa ôn thi. Trong quá trình học phải dành thời gian cho giải trí, rèn luyện thể lực để phát triển hài hòa về nhân cách. Đến mùa ôn, cần xây dựng lịch học hợp lý, dành cho thời gian ngủ ít nhất 8 tiếng/ ngày, có thời gian nghỉ ngơi, nghe nhạc, xem phim… Học sinh cũng cần ăn uống đầy đủ.

Qua các trường hợp bị nhiễu loạn tâm thần, các bác sĩ nhận thấy, nhiều em do kỳ vọng quá cao, do tự bản thân đặt ra, hoặc do bố mẹ. Đây là việc tự tạo áp lực không đáng có. Do vậy việc học sinh tự lượng sức, dưới sự giúp đỡ, hướng dẫn của thầy cô và bố mẹ, là điều cần thiết. Khi học lực chỉ vào loại khá không nên đặt chỉ tiêu vào học trường hàng đầu chẳng hạn.

Trên đây được coi là phòng tuyến “chống lũ” thứ nhất, phòng thủ từ xa. Phòng tuyến này cần đáng chú ý hơn khi đã có những nghiên cứu cho thấy 19,4% số học sinh 10 - 16 tuổi có vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Phòng tuyến thứ hai là trong mùa ôn thi phụ huynh học sinh nên theo dõi sức khỏe của con mình để có can thiệp kịp thời. Nếu con có những triệu chứng: trở nên cáu gắt, than đau đầu, mất ngủ, chán ăn… phụ huynh nên tìm hiểu, hỏi han, giải tỏa tâm lý cho con và nếu cần đưa con đến chuyên viên tâm lý.

Phòng tuyến cuối cùng là khi học sinh có nhữg dấu hiệu bị nhiễu loạn tâm thần như: trầm cảm, lo lắng quá độ, có ý nghĩ hoang tưởng… cần đưa đến bác sĩ tâm thần sớm vì  càng điều trị sớm hiệu quả càng cao.

Ths. BS. Nguyễn Ngọc Quang nói: “Phụ huynh thường ngại đưa con em mình đến khám ở bác sĩ tâm thần. Nhưng thực sự cần thiết khi con em mình có những biểu hiện loạn thần, vì lúc này chỉ dùng liệu pháp tâm lý thôi là chưa đủ mà còn phải dùng thuốc. Không có gì phải ngại nếu để con em mình khỏe mạnh”.

 Mùa thi đã gần qua, nhưng rồi một mùa thi nữa sẽ đến. Dù có nhiều phòng tuyến “chống lũ” bao nhiêu đi nữa, nhưng đã đến lúc chúng ta cũng cần nhìn nhận lại việc học - thi đang gây áp lực cho mọi người, nhất là học sinh như thế nào và có cần sự điều chỉnh nào hay không.

 NGUYỄN HƯNG


Ý kiến của bạn