Ám ảnh “giang hồ nhí” ở Đà Nẵng (3): Mở lại những cuộc đối thoại với thanh niên hư?

13-09-2022 11:13 | Pháp luật

SKĐS - Môi trường không gian mạng với các trò chơi điện tử bạo lực, chém giết là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng tội phạm ở độ tuổi thanh thiếu niên tại Đà Nẵng gia tăng.

Ám ảnh “giang hồ nhí” ở Đà Nẵng (2): Nhiều em chỉ chạy theo 'chơi' chứ không chém ai...Ám ảnh “giang hồ nhí” ở Đà Nẵng (2): Nhiều em chỉ chạy theo "chơi" chứ không chém ai...

SKĐS - Ngoài việc mua các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ trên mạng thì nhiều nhóm “giang hồ nhí” còn mua cả máy cắt, máy hàn để về "độ", "chế" vũ khí phục vụ cho các trận hỗn chiến.

Trong thời kỳ làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng giai đoạn từ năm 2010-2012, ông Nguyễn Bá Thanh (1953 - 2015) đã nhiều lần tổ chức các buổi đối thoại, trò chuyện với thanh thiếu niên hư, vi phạm pháp luật để lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của các em này. Ông còn đích thân dẫn các em đến tham quan trại tạm giam Hòa Sơn (Công an Đà Nẵng), trung tâm giáo dưỡng 05-06 của Đà Nẵng để răn đe, giáo dục...

Sau lưng những đứa trẻ ngang tàng...

Lật lại hồ sơ của những "giang hồ nhí" tham gia vụ hỗn chiến bằng dao kiếm và bom xăng vào khuya ngày 7/5 gây náo loạn trên tuyến đường ven biển Võ Nguyên Giáp vừa bị Công an quận Sơn Trà khởi tố thì hầu hết đều có hoàn cảnh chung là "gia đình, bố mẹ ít quan tâm". 

Nhiều em đã bỏ học, đi lêu lỏng cùng đám bạn xấu. Cá biệt có một số em chỉ mới 13-14 tuổi, "nghiện" game online nên khi nghe bạn bè rủ đi đánh nhau cũng xách mã tấu chạy theo.

Theo Đại tá Trần Phước Hương – Trưởng Công an quận Hải Châu (Đà Nẵng) thì chính sự thiếu quan tâm của gia đình đã khiến những em này bị lôi kéo và các băng, nhóm thanh thiếu niên hư hỏng. 

Trong đó, có những em vì tâm lý muốn thể hiện, muốn ra oai với bạn bè nên cũng ngồi lên xe máy, vác theo dao kiếm đi đánh nhau. Thêm vào đó là sự độc hại trên môi trường mạng xã hội, Internet. Ngoài các game bạo lực thì những em này còn thích sự thể hiện trên các trang mạng xã hội...

“Giang hồ nhí” ở Đà Nẵng: Làm gì để ngăn thanh thiếu niên phạm tội? (3) - Ảnh 1.

Cơ quan công an thu giữ bom xăng, vũ khí tự chế cùng thiết bị dùng để "độ", "chế" các loại dao, mã tấu của một nhóm giang hồ nhí. Ảnh: NGA

"Hiện chế tài pháp luật để xử lý các nhóm giang hồ này còn nhiều điểm vướng. Thứ nhất, là mức xử phạt không đủ sức răn đe, chưa thể làm các nhóm giang hồ này bớt manh động. Vừa rồi, Công an Hải Châu có xử lý một nhóm gần 40 đối tượng dùng hung khí đánh nhau. Mặc dù là khởi tố vụ án như vậy nhưng nhiều đối tượng dưới 16 tuổi nên không xử lý hình sự được. Rồi trong cả băng nhóm mang theo dao kiếm chạy giữa đường thành từng đoàn, từng tốp như vậy nhưng mình chỉ có thể xử lý các đối tượng cầm đầu, có tham gia đánh nhau. Những đối tượng chạy xe máy theo thì khó", ông Hương thông tin.

Cũng theo Đại tá Hương thì nếu như trước đây, các thanh thiếu niên phạm tội sẽ đưa đi trại giáo dưỡng. Tuy nhiên, với những quy định hiện nay thì rất khó để đưa các em này đi.

Anh Nguyễn Mạnh Dũng – Bí thư Thành đoàn Đà Nẵng cho biết, tình trạng các băng, nhóm thanh thiếu niên dùng dao kiếm, bom xăng tụ tập, đánh nhau, gây rối trật tự công cộng đang là vấn đề bức xúc của xã hội. 

"Hiện Thành đoàn đang phối hợp với công an thành phố để nắm lại danh sách những thanh thiếu niên hư, vi phạm pháp luật. Từ đó, các chi đoàn cơ sở có hướng tiếp cận, hỗ trợ, giúp đỡ. Có thể đưa các em đó vào tham gia những hoạt động của Đoàn, để các thấy được vị trí, trọng trách của mình khi Đoàn giao phó. 

Bên cạnh đó thì Thành đoàn đã lên kế hoạch, triển khai các biện pháp tuyên truyền, giáo dục về pháp luật cho các thanh thiếu niên trên không gian mạng".

Dù vậy, theo Bí thư Thành đoàn Đà Nẵng thì yếu tố quan trọng nhất để ngăn ngừa thanh thiếu niên phạm tội chính là sự quan tâm của gia đình. "Gia đình và nhà trường vẫn là tấm khiên chắn tốt nhất để ngăn các em đến với bạn xấu rồi từ đó nảy sinh hành vi phạm tội", anh Dũng nói.

Tại sao không đối thoại với "thanh niên hư"?

Ngăn ngừa thanh thiếu niên phạm tội không chỉ là câu chuyện "đau đầu" của Đà Nẵng mà còn là vấn đề nan giải với nhiều địa phương khác như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương… Khi những băng, nhóm "giang hồ nhí" này càng lộng hành, manh động thì bài toán làm sao để ngăn ngừa càng trở nên bức thiết. 

“Giang hồ nhí” ở Đà Nẵng: Làm gì để ngăn thanh thiếu niên phạm tội? (3) - Ảnh 2.

Các tổ công tác 911 của Công an Đà Nẵng thường xuyên tuần tra, kiểm soát để kịp thời ngăn chặn các băng nhóm "giang hồ nhí" hỗn chiến. Ảnh: NGA

Trong câu chuyện với Bí thư Thành đoàn Đà Nẵng, chúng tôi nhớ về những lần đối thoại của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng với các thanh thiếu niên "hư" trên địa bàn trước đây.

Đó là những cuộc nói chuyện, lắng nghe những tâm tư nguyện vọng của giới trẻ do cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng thời điểm đó là ông Nguyễn Bá Thanh chủ trì. Tham gia còn có Thành đoàn, Hội cựu chiến Binh, Công an thành phố và một số Sở, ban ngành. 

Không chỉ lắng nghe, ông Thanh còn tìm hiểu cặn kẽ lý do vì sao các em phạm tội, vì sao lại bỏ học. Nhiều trường hợp bỏ học giữa chừng do hoàn cảnh khó khăn thì ông Thanh chỉ đạo các Sở, ngành có biện pháp hỗ trợ tức thì. 

Có em nêu lý do vì đi học xa, ông Thanh cho ngay một chiếc xe đạp. Có em nói khó khăn không có tiền để học nghề, ông Thanh chỉ đạo cho một suất học nghề miễn phí.

Sau buổi đối thoại, cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng còn dẫn các thanh thiếu niên hư này tham quan trại giáo dưỡng 05-06, nơi đang giáo dục những trẻ vị thanh niên phạm tội. Khi đi tham quan cuộc sống trong trại giáo dưỡng sẽ là một cách răn đe, giáo dục các em nếu tiếp tục trượt dài trên con đường phạm tội sẽ phải chịu hình phạt nghiêm khắc như trên. 

Như chính lời ông Thanh từng nói: "Xã hội, các cơ quan đoàn thể luôn tạo mọi điều kiện, quan tâm đến từng số phận của các thiếu niên hư. Nhưng thành phố cũng sẵn sàng mở rộng thêm Trại giam Hòa Sơn để có chỗ sẵn sàng "đón" thanh thiếu niên phạm pháp". 

Cũng chính nhờ cách tiếp cận vừa cảm thông, chia sẻ với những hoàn cảnh gia đình không êm ấm của các bạn trẻ, bị bạn xấu rủ rê, lôi kéo dẫn đến phạm pháp vừa răn đe, giáo dục đã khiến nhiều "giang hồ nhí" gác kiếm. Nhiều em sau đó đã xin đi học trở lại, học nghề và có những tiến bộ trong rèn luyện đạo đức.

"Những buổi nói chuyện, đối thoại với thanh thiếu niên hư của chú Thanh ngày ấy có hiệu quả giáo dục rất nhiều. Nhưng trải qua một thời gian, cũng vì nhiều lý do mà thành phố không còn tổ chức các buổi đối thoại cởi mở như vậy. Sắp tới, Thành đoàn sẽ có kiến nghị với lãnh đạo thành phố để mở lại những buổi đối thoại như vậy", anh Nguyễn Mạnh Dũng – Bí thư Thành đoàn Đà Nẵng thông tin.

GIA AN
Ý kiến của bạn