Người thì cho rằng nên giao bài tập về nhà để các em vui chơi nhưng không quên nhiệm vụ. Người thì ý kiến, Tết là thời gian được nghỉ ngơi thư giãn nên không cần phải giao bài tập về nhà cho học sinh...Vì thế, câu chuyện giao bài tập Tết cho học sinh luôn là chủ đề nóng mỗi khi Tết đến.
Quan điểm của cá nhân tôi, Tết là dịp các em kết nối với các thành viên trong gia đình. Vì thế, theo tôi nên bỏ hẳn việc giao bài tập trong đợt nghỉ Tết Nguyên đán nói riêng và các ngày nghỉ lễ nói chung, đặc biệt là với các học sinh cấp Tiểu học. Bởi vì việc nhớ hay quên kiến thức là một quá trình, nghỉ Tết 7 ngày không thể biến một đứa trẻ từ giỏi thành dốt hoặc ngược lại.
Ngày nghỉ lễ là ngày vui chơi, vì vậy đừng bắt con phải làm bài tập để tránh áp lực cho học sinh và phụ huynh. Bởi vì, gia đình về quê hoặc đi du lịch mà con vẫn phải mang theo phiếu bài tập và ngồi riêng một góc để làm, tôi thấy mất vui cho cả con và bố mẹ. Còn lại, với cấp THCS và THPT, nhà trường cần thống nhất số lượng kiến thức ôn tập, tránh lượng bài giao quá nhiều và chỉ tập trung vào kiến thức bài cũ tiếp nối sang bài mới. Đối với học sinh cuối cấp như lớp 9, 12, đây là khoảng thời gian các em có thể tận dụng để ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Giáo viên không giao bài nhưng cần khuyến khích, tạo điều kiện để em nào có nhu cầu sẽ có tài liệu ôn tập. Chúng ta nên tùy theo cấp học, có thể xem xét giao các bài tập nhẹ nhàng, không quá áp lực và phù hợp với khả năng học sinh.
Ngoài ra, hình thức giao bài tập cũng quan trọng, làm sao cho các em có hứng thú với việc ôn bài. Tốt nhất là thiết kế bài tập dạng online, trải nghiệm, giúp học sinh học hỏi thêm kiến thức mới một cách thú vị và hứng thú.
Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán là khoảng thời gian để học sinh có cơ hội trải nghiệm, tìm hiểu các phong tục đẹp, truyền thống trong ngày Tết. Học sinh không học qua sách vở nhưng sẽ học được những kỹ năng, phẩm chất khác thông qua chất liệu cuộc sống như trò chuyện, chúc Tết gia đình, phụ giúp bố mẹ làm việc nhà.
Do đó, các nhà trường, thầy cô giáo cần tạo điều kiện để học sinh có khoảng thời gian nghỉ Tết thực sự, sum họp bên gia đình, vui chơi, đảm bảo sức khỏe bằng cách bỏ việc giao bài tập nặng về kiến thức sách vở và thay bằng giao những bài tập về nhà mang tính trải nghiệm thực tiễn để giúp các em có tâm thế thoái mái, chủ động và phát huy tính tự giác, tích cực trong những hoạt động ngày Tết.
Các bài tập không nặng về kiến thức, nằm ngoài chương trình học, nội dung chủ yếu liên quan đến những giá trị nhân văn, truyền thống, bài học về đạo đức, ứng xử ngày Tết như vậy vừa giúp các em có kiến thức về văn hóa vừa có tâm thế thoải mái không bị ám ảnh 'núi' bài tập mỗi dịp nghỉ Tết đến.