Hà Nội

Alzheimer làm tăng nguy cơ mắc COVID-19 nghiêm trọng và tử vong

15-06-2021 08:31 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Các nguyên nhân gây sa sút trí tuệ cũng là yếu tố nguy cơ gây ra mức độ nghiêm trọng và tử vong ở COVID-19 và những nguy cơ này rõ ràng hơn đối với bệnh nhân Alzheimer.

Đây là kết quả một nghiên cứu được thực hiện ở Brazil, do các nhà nghiên cứu tại Đại học São Paulo (USP) và Viện Butantan phối hợp thực hiện.

Alzheimer có nguy cơ mắc COVID-19 nghiêm trọng và tử vong cao gấp 3 lần

Sa sút trí tuệ đã được xác định là một yếu tố nguy cơ của COVID-19, cùng với các bệnh đi kèm khác, như tim mạch, hô hấp, huyết áp cao, tiểu đường, béo phì và ung thư. Một yếu tố nữa là tuổi tác: Bệnh nhân sa sút trí tuệ có xu hướng già hơn.

Tuy nhiên, trước đây chưa có nghiên cứu nào được tiến hành để tìm hiểu xem liệu những người bị rối loạn thoái hóa thần kinh gây ra chứng mất trí, như Alzheimer và Parkinson, khi bị nhiễm SARS-CoV-2 có nguy cơ tiến triển COVID-19 nghiêm trọng hoặc tử vong hay không?

Để trả lời những câu hỏi này, các nhà nghiên cứu đã điều tra dữ liệu về các ca bệnh chẩn đoán dương tính, nhập viện và tử vong do COVID-19 trong một nhóm thuần tập gồm 12.863 bệnh nhân trên 65 tuổi, những người có kết quả xét nghiệm dương tính hoặc âm tính với SARS-CoV-2. Dữ liệu được đưa vào từ tháng 3 đến tháng 8 năm 2020 tại UK Biobank, một cơ sở dữ liệu y sinh chứa thông tin di truyền và sức khỏe được thu thập từ nửa triệu bệnh nhân kể từ năm 2006 bởi nhóm do Rory Collins, Giáo sư Y khoa và Dịch tễ học tại Đại học Oxford dẫn đầu.

Trong số gần 13.000 đối tượng, 1.167 người có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 bằng RT-PCR. Các nhà nghiên cứu đã loại trừ nhóm đối tượng từ 49-65 tuổi và chỉ bao gồm những người từ 66 tuổi trở lên, phân họ thành ba nhóm tuổi: 66-74, 75-79 và 80-86.

Lợi thế của việc sử dụng dữ liệu lâm sàng từ Ngân hàng Biobank của Vương quốc Anh bao gồm số lượng chi tiết, vì hồ sơ đề cập đến tất cả các bệnh đã mắc từ trước và liệu bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính, nhập viện và tử vong do COVID-19 hay không. Điều này cho phép các nhà nghiên cứu đánh giá các yếu tố nguy cơ liên quan đến nhiễm trùng, mức độ nghiêm trọng và tử vong do căn bệnh này, bao gồm tất cả các nguyên nhân gây sa sút trí tuệ, đặc biệt là Alzheimer và Parkinson.

Bệnh nhân Alzheimer có nguy cơ phát triển COVID-19 nghiêm trọng hoặc tử vong cao gấp 3 lần.

Phân tích thống kê cho thấy tất cả các nguyên nhân gây sa sút trí tuệ, đặc biệt là bệnh Alzheimer, đều là những yếu tố nguy cơ dẫn đến mức độ nghiêm trọng của bệnh và tử vong đối với trường hợp bệnh nhân nhập viện, bất kể tuổi tác.

Đặc biệt bệnh Alzheimer không làm tăng nguy cơ nhập viện so với các bệnh mãn tính đi kèm. Tuy nhiên, sau khi nhập viện, bệnh nhân Alzheimer có nguy cơ phát triển COVID-19 nghiêm trọng hoặc tử vong cao gấp ba lần so với những bệnh nhân không mắc bệnh Alzheimer. Đối với bệnh nhân Alzheimer trên 80 tuổi, nguy cơ cao hơn gấp sáu lần so với bệnh nhân ở nhóm tuổi trẻ hơn.

Các giả thuyết chẩn đoán

Theo các nhà khoa học, tình trạng viêm mãn tính hoặc phản ứng miễn dịch bị lỗi do lão hóa của hệ thống miễn dịch (miễn dịch phát sinh) có thể làm tăng tính dễ bị tổn thương của những bệnh nhân này.

Một giả thuyết khác cho rằng bệnh Alzheimer làm thay đổi tính thẩm thấu của hàng rào máu não, làm cho hệ thần kinh trung ương dễ bị nhiễm trùng.

Nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng SARS-CoV-2 có thể xâm nhập hệ thần kinh trung ương qua niêm mạc khứu giác và sự hiện diện của virus trong vùng này dẫn đến phản ứng miễn dịch viêm tại chỗ. Nghiên cứu tương tự đã phát hiện ra virus trong thân não, bao gồm trung tâm kiểm soát tim mạch và hô hấp chính, làm tăng khả năng nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương có thể làm trung gian hoặc làm trầm trọng thêm các vấn đề về hô hấp và tim mạch ở bệnh nhân COVID-19.

Kết quả nghiên cứu nhấn mạnh rằng cần có sự quan tâm đặc biệt đối với những bệnh nhân Alzheimer khi họ phải nhập viện do COVID-19.


Lê Minh
Ý kiến của bạn