1. Allopurinol không làm tăng nguy cơ tử vong ở người mắc bệnh thận mãn tính
Tác giả nghiên cứu, GS Yuqing Zhang tại khoa thấp khớp, dị ứng và miễn dịch học tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts và Trường Y Harvard, ở Boston cho biết: Allopurinol là loại thuốc làm giảm urat được sử dụng rất rộng rãi. Hai nghiên cứu công bố vào năm 2020 trên tạp chí Y học New England, đã báo cáo rằng allopurinol có liên quan đến việc tăng gấp hai lần nguy cơ tử vong ở những bệnh nhân bị bệnh thận nhưng không mắc gout. Tuy nhiên, trong báo cáo mới được công bố ngày 25/1 trên tạp chí Annals of Internal Medicine, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, việc bắt đầu sử dụng allopurinol không liên quan đến tỷ lệ tử vong cao hơn so với việc không dùng allopurinol ở bệnh nhân gout mắc bệnh thận.
Hình ảnh gout
Bệnh gout là loại viêm khớp phổ biến, nó được đặc trưng bởi nồng độ axit uric tăng cao. Nếu không được kiểm soát, sẽ dẫn đến việc kích hoạt nhanh chóng các cơn đau khớp thường xuyên và gây suy nhược cho người bệnh.
Allopurinol lần đầu tiên được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ cho phép sử dụng vào năm 1966, thường được kê đơn để kiểm soát nồng độ acid uric và ngăn chặn các cuộc tấn công của cơn gout cấp. Allopurinol cũng có thể được kê đơn cho người mắc bệnh thận mãn tính (để làm chậm sự tiến triển của bệnh). Ngoài ra, khoảng 1/5 bệnh nhân gout dùng allopurinol hàng ngày, cũng mắc bệnh thận mãn tính.
Cụ thể, nhóm của Zhang đã phân tích hồ sơ sức khỏe điện tử trên gần 5.300 bệnh nhân người Anh trong độ tuổi từ 40 đến 89. Tất cả đều mắc bệnh gout và bệnh thận từ trung bình đến nặng.
Sau khi theo dõi tỷ lệ tử vong trong thời gian theo dõi 5 năm, các nhà điều tra xác định, không có nguy cơ tử vong cao hơn ở những người mới bắt đầu dùng allopurinol; cũng không có bất kỳ nguy cơ tăng cao nào ở những người dùng đã allopurinol để kiểm soát mức axit uric.
Zhang cho biết: Những phát hiện của chúng tôi có liên quan về mặt lâm sàng trong việc chăm sóc bệnh gout và cung cấp sự đảm bảo rằng việc điều trị bằng allopurinol không có tác động bất lợi rõ ràng đến tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân bị cả bệnh gout và bệnh thận mãn tính.
Allopurinol là thuốc dùng trong điều trị gout
2. Allopurinol dùng khi nào?
Allopurinol là thuốc được dùng trong các trường hợp:
- Điều trị lâu dài tăng acid uric máu do viêm khớp gout mạn tính.
- Bệnh sỏi thận do acid uric (kèm theo hoặc không kèm theo viêm khớp do gout).
- Tăng acid uric máu khi dùng hóa trị liệu điều trị ung thư trong bệnh bạch cầu, lympho, u ác tính đặc…
Không sử dụng allopurinol trong các trường hợp:
- Gout cấp (nhưng nếu có đợt gout cấp xảy ra trong khi đang dùng allopurinol, vẫn tiếp tục dùng allopurinol và điều trị đợt cấp riêng rẽ).
- Tăng acid uric huyết đơn thuần không có triệu chứng.
- Bệnh nhân mẫn cảm với allopurinol…
3. Những lưu ý khi dùng allopurinol trị bệnh gout
- Cần uống nhiều nước trong quá trình sử dụng thuốc
- Do thuốc có thể gây buồn ngủ nên thận trọng khi lái xe hoặc vận hành máy móc.
- Một số bất lợi thường gặp là nổi ban trên da. Các ban thường là dát sần hoặc ngứa, thỉnh thoảng là ban xuất huyết. Các phản ứng mẫn cảm trầm trọng hơn có thể xảy ra bao gồm ban tróc vảy, hội chứng Stevens – Johnson và hoại tử biểu bì nhiễm độc. Vì vậy, phải ngừng allopurinol ngay lập tức nếu ban xảy ra.
- Bất lợi trên tiêu hóa như: Buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy, táo bón, đầy hơi, tắc nghẽn ruột, viêm trực tràng, rối loạn vị giác, viêm miệng, khó tiêu, chán ăn, viêm dạ dày, chảy máu đường tiêu hóa, viêm tụy xuất huyết, sưng tuyến nước bọt, phù lưỡi.
- Khi dùng allopurinol lâu dài phải chú ý đến tương tác thuốc. Các thuốc có thể làm tăng nồng độ acid uric như aspirin và các salicylat, có thể làm giảm tác dụng của allopurinol, tránh dùng khi có tăng acid uric máu và gout...
Mời độc giả xem thêm video:
Cà dầm tương xứ Đoài