Theo báo Le Monde, ngày 4.9, thủ lĩnh của al-Qaeda Ayman al-Zawahiri tuyên bố mở chi nhánh tại tiểu lục địa Ấn Độ với mục tiêu thiết lập một “triều đại Hồi giáo” (caliphate) trải rộng khắp nhiều khu vực của Myanmar, Bangladesh và Ấn Độ.
Tuyên bố của ông al-Zawahiri chính là lời đáp trả trực tiếp nhằm vào tham vọng muốn thống lãnh lực lượng Hồi giáo cực đoan của IS. Thời gian gần đây, sự trỗi dậy của IS tại Iraq không chỉ ảnh hưởng đến an ninh khu vực mà cũng là mối đe dọa đối với al-Qaeda.
Muốn “quyền lực tối cao”
Vào đầu tháng 7 vừa qua, thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi bất ngờ xuất hiện trong một đoạn phim, tự xưng là “caliph Ibrahim” và yêu cầu tất cả người Hồi giáo phải tuân phục mình, theo Le Monde. Tự nhận là caliph (nghĩa là “người kế thừa” Tiên tri Muhammad và là lãnh đạo duy nhất của caliphate), thủ lĩnh IS tự cho mình có quyền lực tối cao đối với cộng đồng Hồi giáo, bao gồm cả al-Qaeda.
Chính tuyên bố đầy khiêu khích này đã khiến ông al-Zawahiri nhắc đến khái niệm “caliphate”. Xưa nay, al-Qaeda ít khi đề cập chuyện thiết lập một “triều đại Hồi giáo” mà chỉ tập trung vào các kế hoạch chống phương Tây. Ngay cả những khu vực từng thuộc quyền kiểm soát của al-Qaeda, tổ chức này cũng chỉ tìm cách áp đặt luật Hồi giáo chứ không tuyên bố thành lập “caliphate”.
Từ trước những tuyên bố của ông al-Baghdadi vào tháng 7, IS đã là “cái gai trong mắt” của al-Qaeda.
Chẳng hạn, những lần IS đổi tên cũng thể hiện sự khiêu khích rõ rệt. Từ tên Nhà nước Hồi giáo Iraq (ISI) khi được thành lập vào năm 2006, al-Baghdadi đổi thành Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL) vào năm 2013, ngầm khẳng định đã mở rộng tầm ảnh hưởng từ Iraq sang Syria.
Ngay khi sau đổi tên, ISIL đã tuyên bố muốn “thu nhận” tổ chức Mặt trận al-Nusra (JN), “chi nhánh” chính thức của al-Qaeda ở Syria.
Đến cuối tháng 6.2014, ISIL lại tiếp tục “vuốt mặt không nể mũi” al-Qaeda khi đổi tên thành Nhà nước Hồi giáo (IS) với mục tiêu từ những khu vực đang kiểm soát ở Iraq và Syria sẽ mở rộng thành một “triều đại Hồi giáo” kéo đến tận Li Băng.
Phát ngôn viên của IS còn tuyên bố “các lực lượng Hồi giáo đều phải tuyên thệ trung thành với caliph Ibrahim”. Mới nhất, AFP dẫn nguồn tin riêng cho biết IS đã ghép thành phố Bukamal (đông Syria) với thành phố al-Qa’im (tây Iraq) thành “wilaya” (đơn vị hành chính của các triều đại Hồi giáo trước đây) al-Furat. IS muốn khẳng định quyền lực qua việc “xóa bỏ” biên giới Iraq-Syria ở những khu vực do tổ chức này kiểm soát.
Mâu thuẫn từ trong trứng nước
Tiền thân của IS là tổ chức AQI (chi nhánh của al-Qaeda ở Iraq) do Abu Musab al-Zarqawi đứng đầu. Al-Zarqawi bắt đầu gây sự chú ý khi đích thân chặt đầu doanh nhân người Mỹ Nicholas Berg vào tháng 5.2004.
Tuy nhiên, chỉ huy người Jordan này cũng từng nhiều lần làm tổ chức “mẹ” nóng mặt khi không ngần ngại tàn sát người Hồi giáo Shiite. Al-Qaeda lo ngại AQI sẽ đi quá xa mục tiêu “chống phương Tây”, sa đà vào những đợt “thanh lọc” đẫm máu gây chia rẽ người Hồi giáo nên yêu cầu al-Zarqawi chấm dứt các kế hoạch tấn công cộng đồng Hồi giáo Shiite nhưng không thành công.
Sau khi tên này bị Mỹ tiêu tiệt trong một đợt không kích vào tháng 6.2006, al-Qaeda để AQI kết hợp với một số nhóm Hồi giáo vũ trang để thành lập tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở Iraq (ISI).
Ngay khi trở thành thủ lĩnh của ISI vào đầu năm 2010, Abu Bakr al-Baghdadi đã nối tiếp phương thức hành động “loại bỏ tất cả những kẻ không quy phục” của al-Zarqawi. Tháng 5.2010, hắn thực hiện 60 vụ tấn công liên tiếp ở nhiều thành phố của Iraq trong 1 ngày, làm 110 người thiệt mạng.
Dưới sự chỉ huy al-Baghdadi, ISI ngày càng chống đối al-Qaeda, nhất là từ khi trở thành ISIL thì không ngại ngần tỏ rõ ý muốn “nuốt gọn” Mặt trận al-Nusra ở Syria.
Từ 10.000 - 50.000 tay súng
Đối phó với tham vọng của IS chắc chắn không phải là mục tiêu đơn giản đối với al-Qaeda vì tổ chức của al-Baghdadi đang được đánh giá là có lực lượng hùng hậu hơn và tiềm lực quân sự, kinh tế mạnh hơn.
Số lượng thành viên của IS vẫn là một chủ đề gây tranh luận đối với nhiều chuyên gia. Tờ The New York Times dẫn lời một quan chức tình báo Mỹ ước tính có từ 10.000-17.000 tay súng hoạt động dưới trướng của Abu Bakr al-Baghdadi.
Trong khi đó, tờ La Croix dẫn lời chuyên gia về Hồi giáo cực đoan Romain Caillet cho rằng hiện IS có 25.000 thành viên, tập trung chủ yếu ở Iraq và Syria.
Còn tổ chức OSDH thì khẳng định có nhiều dữ liệu cho thấy có đến 50.000 tay súng IS đang tham gia giao tranh ở 2 nước này.
Đáng chú ý, theo Bộ Ngoại giao Mỹ, hiện có hàng ngàn người nước ngoài là thành viên của IS. Đây chính là chiến lược ngay từ ban đầu của tổ chức này: quảng bá rộng rãi về IS cho những người Hồi giáo có xu hướng cực đoan ở khắp thế giới, đặc biệt là giới trẻ.
Hồi tháng 6, tổ chức của al-Baghdadi đã mở chiến dịch “1 tỉ người Hồi giáo ủng hộ IS” trên mạng internet. Ngoài ra, IS còn thực hiện “báo cáo quân sự thường niên” để tường thuật chi tiết những tội ác đã gây ra nhằm thu hút sự chú ý của những kẻ cực đoan.