Hà Nội

Ðăk Pơ Những linh hồn bất tử

01-09-2014 14:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Học lịch sử phổ thông, nếu ai chịu học sẽ nghe nói đến trận Đăk Pơ, hay còn gọi là trận GM Xăng (GM 100).

Học lịch sử phổ thông, nếu ai chịu học sẽ nghe nói đến trận Đăk Pơ, hay còn gọi là trận GM Xăng (GM 100). Đây là một trận đánh rất lớn của quân đội ta thời ấy. Trận Đăk Pơ được coi là cú hích cuối cùng cùng với trận Điện Biên Phủ buộc Pháp ngồi vào bàn đàm phán ở Hội nghị Geneve...

Mấy năm nay tôi như người được cột duyên nợ với Đăk Pơ, với các cựu quân nhân Trung đoàn 96 còn sống đến giờ. Món nợ ấy vô tình đến từ bài bút ký của tôi. Các bác cựu chiến binh, người trẻ nhất cũng đã hơn bảy chục tuổi, còn lại là tám chín mươi, nhưng đều xa xót đau đáu việc các đồng đội của mình, những người cùng mình một thời tuổi trẻ, chịu đói khát sốt rét bệnh tật và giờ vẫn nằm đâu đó ở Đăk Pơ. Nơi này rất gần làng S’tơ tức Kông Hoa của anh hùng Núp và chính ông Núp thời ấy cũng tham gia vào việc dẫn đường cho bộ đội “điều nghiên” trận địa, mà một trong những anh bộ đội ấy sau này là nhà văn Nguyên Ngọc. Rồi còn người của phía bên kia. Cuộc chiến này đã qua sáu mươi năm rồi...

Lễ khởi công xây dựng tượng đài và đền tưởng niệm liệt sĩ Đăk Pơ.

Lễ khởi công xây dựng tượng đài và đền tưởng niệm liệt sĩ Đăk Pơ.

Một kế hoạch được vạch ra để đáp ứng nguyện vọng thiết tha của các cựu chiến binh. Bí thư Huyện ủy Đăk Pơ trực tiếp chủ trì làm đề án, nhờ Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Gia Lai, một người cũng từng là cán bộ ở rừng ra, rất tâm huyết với việc đền ơn đáp nghĩa, cầm ra Hà Nội gõ cửa... chào hàng. Trong bộ hồ sơ ấy có... bài báo của tôi. Và kết quả vượt ra ngoài ước mong, mười chín tỉ đã được duyệt để xây ở đây một đài chiến thắng và đền tưởng niệm do hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam đóng góp thông qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ban đầu ý định là xây một tượng đài chiến thắng, các cụ cựu chiến binh cương quyết không chịu. Các cụ bảo: Tượng đài chiến thắng thì cả nước ta chỗ nào cũng có rồi, cả đất nước ta là một tượng đài rồi, nhưng một chỗ cắm hương cho anh em thì chưa có. Trong khi chưa có điều kiện quy tập anh em về, nói chính xác chưa tìm được di hài các liệt sĩ, thì phải làm một cái đền thờ chung cho anh em có chỗ về trú ngụ, sinh hoạt. Và rồi cái ước nguyện chính đáng ấy cũng được đáp ứng bằng cách là có cả tượng cả đền. Trong khả năng của mình, tôi cũng đi “nhỏ to” với một số bác có trách nhiệm tham mưu, thiết kế, trong khi trình bày ý tưởng, các bác ấy lồng vào và rồi thành công.

Tiếp xúc mới thấy, té ra dù đã hơn nửa thế kỷ, chính xác là sáu mươi năm, nhưng canh cánh trong lòng các cụ cựu chiến binh vẫn là việc những đồng đội của họ chưa tìm về được, dù các cụ, có người quân hàm đến thượng tướng như bác Nguyễn Minh Châu, còn phần lớn là đại tá, thượng tá. Thượng tướng Nguyễn Minh Châu mới mất năm ngoái, một số cựu chiến binh Trung đoàn 96 còn khỏe thì con cháu đưa đến viếng thượng tướng và tại đám tang ấy, chuyện 147 liệt sĩ trận Đăk Pơ vẫn được nhắc và họ hứa với linh hồn thủ trưởng cũ của mình, sẽ tiếp tục... kêu cho đến khi nhắm mắt xuôi tay như thủ trưởng, nếu vẫn chưa có chỗ thờ liệt sĩ thì con cháu của họ sẽ tiếp tục.

Tỉnh Gia Lai vừa long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Đăk Pơ và lễ động thổ xây tượng đài đền thờ liệt sĩ trận Đăk Pơ. Nhiều cựu chiến binh được mời về, nhưng chỉ có một số bác về được khi có con cháu đưa đi. Số cựu chiến binh về được trong ngày kỷ niệm chiến thắng và khởi công xây dựng đền thờ ít lắm, đếm trên đầu ngón tay. Hiện nay theo chúng tôi được biết, số cựu chiến binh Trung đoàn 96 còn một số bác ở rải rác các tỉnh thành: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Đồng Nai, Thanh Hóa và các tỉnh Nam miền Trung...

Bây giờ 147 liệt sĩ, cứ tạm cho con số này là chính xác, vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Sáu mươi năm rồi, cát bụi cả rồi, nhưng vẫn đau đáu trong thân nhân và đồng đội các liệt sĩ cái khát vọng tìm lại được, quy tập về một chỗ, có thể là ngay phía sau đền tưởng niệm. Nhưng những chứng nhân cuối cùng của trận thắng oai hùng này đã rất già yếu, đi đã phải có người dìu, mà cũng chỉ một số bác đi được, còn lại là ngồi một chỗ và ngóng. Vậy thì ai, cấp nào sẽ tiến hành các công việc tiếp theo, ấy là tổ chức tìm, trước hết là từ các nhân chứng là các chiến sĩ cũ của trung đoàn, những người dân địa phương tham gia, phục vụ và chứng kiến trận đánh đang leo lét như đèn dầu trước gió, để có kế hoạch khai quật, tìm kiếm các liệt sĩ, không chỉ của Trung đoàn 96...

Các cựu binh Trung đoàn 96 anh hùng hôm nay.

Các cựu binh Trung đoàn 96 anh hùng hôm nay.

Sáu mươi năm, những linh hồn liệt sĩ vẫn bất tử, nhưng không có nghĩa là không cần đến sự ra tay ngay lập tức của chúng ta để các liệt sĩ yên lòng bất tử...

Trước khi đóng bài viết này, chúng tôi nhận được tin sốt dẻo từ anh Trần Hữu Đức, Bí thư Huyện ủy Đăk Pơ: Đội K52 của Tỉnh đội Gia Lai đã chính thức được giao nhiệm vụ đi tìm và quy tập hài cốt các liệt sĩ trong trận Đăk Pơ, hiện một số cán bộ chiến sĩ của đội đang đi tìm các nhân chứng, vẽ sơ đồ, khảo sát... để tiến hành quy tập. Cầu mong cho mọi việc hanh thông để các liệt sĩ an lòng và người sống cũng thanh thản...

Bài và ảnh: Văn Công Hùng

 


Ý kiến của bạn