Các phi công của chuyến bay AirAsia QZ8501 đã không nhận được báo cáo thời tiết cần thiết trước khi cất cánh và gặp nạn hôm 28-12-2014. Theo báo Jakarta Post hôm 4-1, thông tin này là cáo buộc mới nhất về những sai phạm có thể có của hãng hàng không AirAsia Indonesia trước khi xảy ra thảm kịch nói trên.
Tranh cãi về báo cáo thời tiết
Theo tài liệu được Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia (BMKG) gửi đến Bộ trưởng Giao thông Vận tải Ignatius Jonan hôm 31-12-2014, hãng AirAsia Indonesia chỉ nhận được báo cáo thời tiết lúc 7 giờ (giờ địa phương) hôm 28-12-2014, tức sau khi QZ8501 mất liên lạc với trạm kiểm soát không lưu Jakarta.
Bà Ruth Hanna Simatupang, cựu điều tra viên của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Indonesia (KNKT), cho biết các phi công buộc phải nhận báo cáo thời tiết từ BMKG ít nhất là 10 phút trước khi cất cánh. Bà Simatupang thắc mắc: “Theo quy trình chuẩn, mỗi khi phi công lên kế hoạch bay, họ phải xem các thông tin thời tiết từ BMKG. Vậy làm thế nào máy bay có thể cất cánh mà không nhận được báo cáo thời tiết từ cơ quan này?”. Theo bà Hanna, một nguyên nhân khả dĩ là do chuyến bay cất cánh sớm (lúc 5 giờ 35 phút) nên AirAsia không nhận được báo cáo thời tiết từ BMKG. Tuy nhiên, ông Sunu Widyatmoko, Giám đốc điều hành AirAsia Indonesia, đã bác bỏ cáo buộc trên. Ông khẳng định hãng luôn đánh giá cẩn thận báo cáo thời tiết của BMKG trước mỗi chuyến bay.
Trước đó một ngày, BMKG nhận định thời tiết xấu là yếu tố quan trọng trong vụ rơi máy bay QZ8501. Báo cáo dài 14 trang của cơ quan này cho biết theo các dữ liệu ban đầu, máy bay dường như đã bay vào vùng mây bão và “hiện tượng thời tiết có khả năng cao nhất là tình trạng đóng băng đã hủy hoại động cơ máy bay”. Edvin Aldrian, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của BMKG, nói với đài BBC rằng: “Theo dữ liệu của chúng tôi, vị trí cuối cùng của chiếc máy bay trước khi bị rơi dường như gặp thời tiết xấu và đó là yếu tố có khả năng nhất trong vụ tai nạn của chiếc QZ8501. Tình trạng đóng băng có thể khiến động cơ máy bay ngừng hoạt động và hư hỏng”. Tuy nhiên, giới chức Indonesia nhấn mạnh phân tích trên vẫn chưa phải là kết luận cuối cùng nhưng đây được xem là báo cáo công khai đầu tiên của nhà chức trách Indonesia về nguyên nhân khả dĩ của vụ tai nạn.
Phát hiện 34 thi thể
Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải Indonesia đã ra lệnh AirAsia Indonesia tạm ngừng các chuyến bay từ TP Surabaya đến Singapore vì nghi ngờ hãng này vi phạm những điều khoản quy định trong giấy phép khai thác đường bay này. Theo đó, AirAsia Indonesia chỉ được cấp phép bay tuyến nói trên trong các ngày thứ hai, ba, năm, bảy nhưng chiếc máy bay QZ8501 lại gặp nạn trong ngày chủ nhật.
Trong ngày 4-1, tàu hải quân Singapore -RSS Persistence đã vớt được 1 thi thể và tàu khu trục tên lửa Mỹ USS Sampson đã phát hiện 3 thi thể, nâng tổng số thi thể được tìm thấy lên 34 người. Ngoài ra, có thêm 3 nạn nhân được nhận dạng.
Theo hãng tin Reuters, thời tiết xấu khiến thợ lặn không thể tiếp cận nơi bị nghi có đống đổ nát của chiếc máy bay sau khi mảnh vỡ lớn thứ 5 được định vị dưới biển. Trong khi đó, tàu KRI Bung Tomo của Indonesia đã rời vị trí tìm kiếm, quay trở về và được thay thế bởi tàu KRI Usman Harun và KRI Frans Kaisepo. Hai tàu thay thế cũng có khả năng bắt tín hiệu hộp đen dưới nước.
Theo ông Bambang Soelistyo, người đứng đầu Cơ quan Tìm kiếm và Cứu nạn quốc gia Indonesia, 14 máy bay và 27 tàu hải quân tiến hành tìm kiếm, cứu nạn QZ8501 trong ngày 4-1. Ngoài ra, 17 thợ lặn Nga được triển khai tham gia chiến dịch.
Máy bay AirAsia hỏng động cơ
Trong một sự cố mới nhất liên quan đến hãng hàng không AirAsia Indonesia, động cơ của một chiếc máy bay đã bị hỏng trước khi cất cánh từ sân bay quốc tế Juanda ở TP Surabaya tối 3-1 (giờ địa phương).
Theo kênh Metro TV (Indonesia), chiếc máy bay vừa lăn bánh được khoảng 2-3 m thì động cơ đột ngột ngừng hoạt động, phải quay trở lại và 120 hành khách được yêu cầu xuống máy bay.
Mặc dù trục trặc đã được khắc phục sau đó nhưng khoảng 90% hành khách từ chối lên lại máy bay này vì lo sợ lỗi kỹ thuật sẽ diễn ra trong quá trình bay. AirAsia sau đó phải hoàn lại tiền vé cho các hành khách không chịu bay tiếp.