Cũng như rất nhiều khu chợ khác như chợ trâu, chợ bò, chợ chiếu, chợ hoa, chợ chuối… ở thị trấn Mộc Hóa (huyện Mộc Hóa, Long An) từ lâu đã tồn tại một khu chợ rắn khá nổi tiếng. Chợ này nhỏ, kiểu chợ cóc, nằm ngay ngã ba ven quốc lộ 62, tuyến đường nối liền thành phố Tân An với trung tâm Ðồng Tháp Mười rộng lớn nhưng rất đặc biệt vì chỉ toàn bán rắn, có khi tới vài chục loại. Lần đầu đến đây, tôi không khỏi rùng mình với cơ man là các loại rắn, từ rắn mối, rắn mòng, rắn bông súng cho tới những loại cỡ cự như hổ mang chúa, hổ mây, hổ hoành, rắn lục… dài tới hơn mét và nặng ngót nghét vài ký lô, bò lúc nhúc trong những chiếc lồng sắt mắt vuông, bày bán như người ta bán gà ngày Tết.
Ðủ loại rắn “độc”
Bắt đầu từ khoảng tháng 8 âm lịch, khi những con nước bắt đầu tràn bờ ở vùng rốn Đồng Tháp Mười, chợ rắn nơi đây lại hình thành và trở nên nhộn nhịp với rất nhiều rắn được mang về, rồi tỏa đi khắp các địa phương miệt đồng bằng. Bình thường, chợ rắn chỉ họp khoảng 2 - 3 tháng, tức là khoảng giáp Tết Dương lịch là tan vì khi ấy, nguồn rắn cung cấp cũng đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, năm nay là năm Quý Tỵ, đó là năm con Rắn nên theo nhiều chủ sạp, chợ sẽ hoạt động cho tới giáp Tết cổ truyền.
![]() Mùa nước nổi, rắn quấn lên trên các cành cây để tránh nước. |
Trong thời gian chợ rắn hoạt động cũng là lúc vùng Đồng Tháp Mười này ngập mênh mông bởi những con lũ phía thượng nguồn sông Mêkông tràn về kèm theo rất nhiều cá tôm, sản vật khác, trong đó có rắn. Có lẽ không nơi đâu rắn nhiều như ở Đồng Tháp Mười mùa nước nổi. Thế nhưng, khác với mọi năm, khi mùa nước rút cũng là lúc chợ rắn trở nên thưa vắng bởi lượng người mua và người bán đều giảm rõ rệt thì năm nay là năm con Rắn nên chợ rắn vẫn hoạt động rầm rộ, nhất là dịp cuối năm. Nhiều khách mua rắn không phải vì công dụng của nó mà vì họ muốn “lấy hên” với một chú rắn sống động trong nhà của ngày đầu xuân năm mới Quý Tỵ. Theo đó, những khách hàng này chủ yếu chỉ mua rắn bông súng, loại rắn rẻ nhất mà lại không độc, không cắn người nên ai cũng dễ dàng tiếp xúc với chúng.
Ghé vào sạp rắn nhà chị Năm Hồng, một chủ bán rắn hơn chục năm ở đây, thấy chị và chồng, anh Tân đang hì hục chuyển hơn 3 chục con rắn bông súng từ lồng sắt sang một cái bao bố bằng ni-lông, cẩn thận buộc túm lại. Chị bảo, có ông khách quen ở dưới Tân An (Long An) đặt mua để bán lại cho khách. Mọi năm, tầm giáp Tết thế này rất ít khách nên cũng không dám nhập hàng bên Miên (Campuchia) về vì sợ ế. Tuy nhiên, năm nay là năm con Rắn nên chợ vẫn đông khách, chủ yếu là khách hàng quen mối trên TP. Tân An, Sài Gòn, Mỹ Tho và cả những khách đi mua sắm, đi chơi ở cửa khẩu Bình Hiệp ghé ngang mua về thành phố làm quà.
Theo vợ chồng chị Năm thì nhu cầu mùa rắn năm nay tăng hơn vào dịp cuối năm nhưng chủ yếu là rắn loại 1. Đó là những loại đắt tiền và thuộc loại “hàng độc” cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Chị bảo: “Rắn loại thường chỉ khoảng 200 - 300 ngàn/kg. Họ chủ yếu mua rắn về ngâm rượu, làm thuốc uống bổ cho sức khỏe và trị các bệnh đau khớp. Đó là rắn hổ hoành, rắn hổ mang chúa, rắn lục… có giá trung bình khoảng từ 600 - 1 triệu đồng/kg”.
Bắt 3 cặp hổ mang to có giá 3,5 triệu/cặp, chị Năm cũng giới thiệu luôn: “Đây là rắn hoang dã chính cống được nhập về từ S-vây-riêng (Campuchia) chứ không phải rắn nuôi như nhiều tiệm bán rắn ở thành phố khác. Rắn hoang dã thường có tuổi đời cao hơn, quý hơn bởi công dụng làm thuốc cũng tốt hơn rắn nuôi rất nhiều. Tuy nhiên, để mua được những con rắn hoang ưng ý thì có lẽ ở chợ rắn này là khách hàng cảm thấy an tâm nhất”.
Nhộn nhịp ngày cuối năm
Theo quan sát của chúng tôi, ở khu chợ rắn này, ngoài vợ chồng chị Năm, anh Tân còn có hàng chục hộ dân khác với những lồng sắt cùng hàng trăm con rắn mà nếu ai yếu tim, lần đầu nhìn thấy chúng cũng không khỏi lạnh sống lưng bởi loài vật từ lâu đã được cho là nguy hiểm chết người này. Dường như hiểu ý của chúng tôi, bác Sáu Bình, một chủ bán rắn ở đây cười khà khà: “Nom rắn vậy chứ chúng cũng hiền lành lắm. Mặc dù là loài vật từng gây nên những cái chết kinh hoàng cùng những câu chuyện bi thương nhưng rắn chỉ tấn công khi nó ở thế bị động và gặp nguy hiểm”.
![]() Chị Năm Hồng giới thiệu về rắn. |
![]() Rắn được bày bán trong các lồng sắt ở chợ biên giới. |
Rồi để minh chứng cho điều mình nói, bác thọc tay vào chiếc giỏ chứa hàng trăm con rắn đang bò loằng ngoằng, cầm tới sáu bảy con, giơ cao lên cho chúng tôi xem. Thú thực, nhìn những chiếc đầu rắn nhọn hoắt, lưỡi cứ lè ra, thụt vào mà chúng tôi bất giác lùi lại theo một phản xạ rất tự nhiên. Bỏ lũ rắn vào “ngôi nhà” của chúng, bác Sáu xoa xoa tay cười hề hề: Tôi năm nay tròn sáu mươi tuổi, cũng cầm tinh con rắn nên hình như cả đời mình đều gắn liền với… rắn. Này nhé, lúc còn thanh niên trai trẻ, đêm nào cũng theo cha đi bắt rắn ở các gốc cây trong Đồng Tháp Mười cho tới sáng. Nhìn vậy chứ bắt rắn lại khá dễ dàng vì chỉ cần một chiếc đèn pin, một bao vải, một sợi dây thun thật chắc chắn là được. Mỗi đêm, cứ chèo ghe len lỏi qua những tán rừng tràm, thấy những cây cao có nhiều cành, sần sùi gân guốc là dễ có rắn vì chúng lấy đó làm nhà, tránh nước nổi. Ngày xưa, mùa nước về dài khoảng 5 tháng, từ tháng 8 tới Tết mới hết nên rắn rất nhiều, bắt hoài không hết. Còn bây giờ, chẳng hiểu sao nước chỉ nổi chừng non 3 tháng là cạn hết trơn, rắn, rùa, cá tôm cũng ít hơn trước. Giờ đây, đa phần là bắt ở bên Miên về. Có thể do người dân Việt Nam mình qua bên đó thuê đất mặt nước, đầm lầy, ruộng hoang để đánh bắt rồi mang về bán hoặc chính người Khmer bản địa bên đó bắt, sau bán lại cho các lái buôn rồi họ mang về đây…Có lẽ không ở nơi đâu mà ý nghĩa của năm con Rắn lại thiết thực và hiển hiện rõ nét như không khí ở cái chợ cóc nhỏ bé bên quốc lộ 62 này với hàng trăm con rắn khác nhau.
Bài và ảnh: Đoàn Đại Trí