Cà Mau xuất hiện nhiều chợ nổi, nhưng có hai chợ được xếp loại là chợ nổi phường 8, trên sông Gành Hào TP. Cà Mau và chợ nổi Thới Bình, tại ngã ba sông Trẹm - Chắc Băng, huyện Thới Bình. So với những chợ nổi mua bán trên sông nổi tiếng miền Tây Nam Bộ như: Cái Răng, Phụng Hiệp - Ngã Bảy, Phong Điền (Cần Thơ), Cái Bè (Tiền Giang)... thì chợ nổi ở Cà Mau hãy còn thua chị, kém em về quy mô, cơ sở hạ tầng, số lượng ghe xuồng neo đậu trao đổi, mua bán hàng hóa. Chợ nổi nhóm họp, buôn bán trên sông mang tính tự phát. Sản phẩm trao đổi mua bán chủ yếu là các loại hàng nông sản thực phẩm, trái cây, hoa màu... sản xuất tại địa phương, các vùng lân cận chuyển tới phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại chỗ hoặc đưa đi tiêu thụ tại các chợ huyện, xã... Theo đó, nào là bắp cải, khoai lang, bầu, bí, củ sắn, quýt, cam... treo lủng lẳng trên mui ghe để giới thiệu, mời gọi khách mua hàng.
Thăng trầm nghề buôn nơi chợ nổi
Trong tiết trời se se lạnh của những ngày cuối năm âm lịch 2009, chòng chành trên sóng nước nơi khu chợ nổi phường 8, TP. Cà Mau, tôi chiêm nghiệm ra rằng, yếu tố kinh tế, văn hóa, xã hội chính là chất cốt lõi của chợ nổi, giúp nó tồn tại, phát triển. Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành chức năng tỉnh Cà Mau, ngày thường tại chợ nổi phường 8 có trên dưới 200 phương tiện ghe, tàu neo đậu mua bán, trao đổi hàng hóa. Phần lớn ghe có trọng tải từ 2-2,5 tấn, chuyên chở, mua bán nhiều mặt hàng như: dưa cải, củ cải muối, bắp, khoai, bí bầu... Và, đi chợ nổi Cà Mau những ngày sắp Tết này thật lắm chuyện buồn, vui! Hàng trăm ghe tàu vận chuyển, mua bán hàng hóa neo đậu tấp nập, ken đặc cả một khúc sông. Người mua, kẻ bán rộn ràng, nhộn nhịp. Nhưng có lẽ ấn tượng nhất là những chiếc ghe dưa hấu từ miệt vườn Long An, Cần Thơ chuyển xuống; nhiều chiếc khác trên mui chở đầy hoa, kiểng đủ màu tươi tắn từ Sa Đéc - Đồng Tháp, Cái Mơn - Bến Tre đến góp mặt chuẩn bị cho chợ Tết Cà Mau thêm xôm tụ...
Tương lai chợ nổi ở đây ra sao? Theo Giám đốc Sở Thương mại du lịch Cà Mau cho biết: "Tỉnh đang tích cực đầu tư quy hoạch chợ nổi trên sông nhằm giải tỏa chợ nổi tự phát hiện nay, đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, tạo điều kiện cho người dân buôn bán ổn định trên sông lâu dài, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, nguồn nước. Hình thành điểm tham quan du lịch chợ nổi trên sông, đây là cảnh quan đặc thù của một đô thị vùng sông nước...". Theo đó, khu vực chợ nổi này quy hoạch đầu tư xây dựng trên sông Gành Hào, phường 7, TP. Cà Mau với quy mô diện tích gần 11,5ha, gồm nhiều phân khu chức năng.
Ngày xuân đi chợ nổi là về với một vùng sông nước thanh bình, sống lại với nền văn hóa sông nước sôi động mà sâu lắng. Chắc chắn một điều, nét văn hóa của chợ nổi sẽ còn sống mãi với nền kinh tế nông nghiệp. Mai đây, cho dù "chợ trên bờ" quy hoạch với cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp; những siêu thị mọc lên theo xu thế phát triển của thời đại văn minh, hiện đại đến đâu đi nữa thì chợ nổi vẫn tồn tại, phát triển như một yếu tố văn hóa tinh thần không thể thiếu trong đời sống cộng đồng dân cư vùng sông nước Cà Mau nói riêng và vùng đồng bằng Nam Bộ nói chung. Bao giờ sông cạn nước thì chợ nổi mới không tồn tại. Có lẽ đây là một triết lý sống của những người mà qua nhiều thế hệ, gia đình họ chuyên sống bằng nghề mua bán trên sông.
Phóng sự của: Ngô Quyết