Hà Nội

Ðại tướng Võ Nguyên Giáp - Hiện thân của truyền thống Việt

01-09-2017 16:11 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Trong không khí đất nước kỷ niệm 72 năm Ngày Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2017), chúng ta lại nhớ về “người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam” - Ðại tướng Võ Nguyên Giáp (1911 - 2013), người đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng, sự phát triển của đất nước.

Theo GS. Trần Ngọc Thêm, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp trở thành một con người vĩ đại vì ông là hiện thân của những gì tốt đẹp nhất của truyền thống dân tộc ta.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp được người đời sau nhắc nhớ tới qua những chiến công hiển hách trong hai cuộc chiến tranh thần kỳ của dân tộc, về “Nhân - Nghĩa - Trí - Tín”. Khi còn sống, trong một lần gặp gỡ với giới văn nghệ sĩ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đưa ra phương châm với 8 chữ: “Độc lập, tự do, thông minh, sáng tạo”. “Độc lập, tự do” theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp là tiền đề cho một dân tộc thông minh như nước ta sáng tạo nên những công trình văn hóa, nghệ thuật và khoa học. Đó chính là ý tưởng mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp muốn nhắn nhủ và hướng dẫn cho giới văn nghệ sĩ nước nhà. Nhiều chuyên gia đánh giá, tư chất của người làm nên lịch sử, hiểu theo hai nghĩa: người trong cuộc và người chép lại lịch sử, đã giúp Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở thành một con người văn hóa, một biểu tượng văn hóa. Nhưng theo nhà nghiên cứu văn hóa - GS. Trần Ngọc Thêm, nhận định như vậy là chưa đủ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bản thân Đại tướng là một nhà sử học nhưng thực ra vấn đề rộng lớn hơn nhiều.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (thứ 3 từ trái sang) với các văn nghệ sĩ cựu chiến binh. Ảnh: Trung tá Nguyễn Trọng Nghị

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (thứ 3 từ trái sang) với các văn nghệ sĩ cựu chiến binh. Ảnh: Trung tá Nguyễn Trọng Nghị

GS. Trần Ngọc Thêm đi sâu phân tích: “Truyền thống của dân tộc ta đó là một truyền thống yêu hòa bình. Một dân tộc lúa nước thì không có gì to lớn hơn là con người muốn yên ổn, để sống và làm ăn chứ không phải để chiến tranh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ra là một người rất yêu nghệ thuật, yêu văn chương, yêu khoa học xã hội. Bí danh của ông là Văn. Ông học sử học và là một thầy giáo dạy sử rồi sau đó là luật. Nghĩa là học toàn về khoa học xã hội chứ không phải khoa học quân sự. Văn hóa Việt Nam có truyền thống nhân ái, nhân văn rất là mạnh. Vì thế, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng như Bác Hồ chính là hiện thân của truyền thống tốt đẹp đó”.

Cũng có nhiều nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa khẳng định rằng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là hiện thân của cái văn và cái võ. Cuộc đời, trí thức của Đại tướng là văn và Đại tướng đã ứng dụng văn vào trong nghiệp võ. Đó chính là cái làm nên những chiến thắng vĩ đại nhất của dân tộc ta. Những đối thủ lớn một thời của chúng ta là Pháp và Mỹ đã thua chúng ta chính là thua về văn hóa.

GS. Trần Ngọc Thêm đã dẫn một câu chuyện để chứng minh: “Trong một lần gặp MacNamara - cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Đại tướng hỏi: - Các ông biết vì sao các ông thua không? MacNamara nói “không biết” thì Đại tướng nói: - Các ông thua vì các ông chưa hiểu văn hóa Việt Nam. Sau này trong hồi ký của mình, MacNamara đã thừa nhận điều đó. MacNamara là một nhà kỹ trị, rất giỏi về kỹ thuật mà hàng rào điện tử mang tên ông ấy là một minh chứng, nhưng khi áp dụng ở Việt Nam, nó đã đụng vào cái vô hình. Đó là văn hóa, là chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích mà phương Tây khi đó không thể nào hiểu hết, không thể nào biết hết được. Vì thế phương Tây thua là thua về văn hóa. Và Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người đã kết tinh cho mình cái truyền thống văn và truyền thống võ đó”.

GS. Trần Ngọc Thêm cho biết thêm, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người đã đề cập đến rất nhiều vấn đề đi trước thời đại. Đặc biệt, nhân cách của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vô cùng cao đẹp. Khi mà ở thời điểm tưởng như con người chỉ chạy theo đồng tiền, chạy theo kinh tế, bỏ đi rất nhiều giá trị nhân văn, thì việc Đại tướng trở về và nằm trong lòng đất mẹ Quảng Bình đã làm cho cả dân tộc đoàn kết lại.  Ngoài ra, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người rất biết kiên trì, biết nhẫn và quả thật chưa có việc gì mà Đại tướng từ nan. Báo Le Monde của Pháp từng nhận xét: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một ngọn núi lửa phủ tuyết”. Đại tướng  đúng là một người như vậy. Đằng sau lớp tuyết mỏng manh, mềm mại và mát lành là một ngọn núi lửa, luôn và sẽ còn là động lực để cho chúng ta vươn lên, sống có ý nghĩa cho đời.

Hiểu một cách sâu rộng hơn, đối với giới khoa học xã hội, văn hóa nghệ thuật, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vừa là người anh cả, là người thầy của giới khoa học xã hội và nhân văn cũng như giới văn hóa, nghệ thuật Việt Nam. Chắc chắn thế hệ hôm nay và mai sau sẽ thấm nhuần những bài học giá trị của Đại tướng. Để làm giàu thêm bản sắc, truyền thống văn hóa của dân tộc, hơn hết chúng ta phải thật thông minh, sáng tạo thì mới gìn giữ và phát triển được những điều gốc rễ đó.

Trong ngày vui lớn của dân tộc, đâu đây lại ngân lên những thanh âm trữ tình, sâu lắng của ca khúc “Tiếng đàn” của nhạc sĩ An Thuyên. Bài hát được nhạc sĩ An Thuyên viết sau ngày Đại tướng vừa trở về với lòng đất mẹ Quảng Bình. Những ca từ thiết tha sẽ len lỏi vào không gian với muôn vàn xúc cảm lay động lòng người: Tiếng đàn vị tướng, mười ngón tay thô, lướt trên thăng trầm, trắng đen cuộc đời, vinh quang cay đắng, cây đời vẫn xanh...Tiếng đàn Tổ quốc, toàn thắng reo ca, cánh chim ngang trời vẫn không biết mỏi, vẫn mơ ước sống, lo nhiều cho dân...


Phạm Khôi Nguyên
Ý kiến của bạn