Ai sẽ thay thế Tổng thống Pháp - Hollande?

23-04-2017 08:28 | Quốc tế
google news

SKĐS - Khủng bố, Thất nghiệp, An ninh, EU…Đó là những thách thưc đặt ra đối với tât cả các ứng cử viên Pháp trong vòng 1 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp diễn ra hôm 23/4.

Cùng với tỷ lệ thất nghiệp, các vụ khủng bố và nguy cơ an ninh đe dọa nước Pháp đã và đang khiến vòng 1 cuộc bầu Tổng thống Pháp diễn ra rất “nóng”. Trong bối cảnh vụ xả súng hôm 20/4 tại đại lộ Champs-Elysees ở thủ đô Paris vừa mới xảy ra, cử tri Pháp dường như đòi hỏi các ứng cử viên phải có những chính sách hiệu quả hơn bảo đảm an ninh cho nước Pháp. “Điều tôi quan ngại nhất là chính phủ sẽ tiếp sinh lực cho nền kinh tế ốm yếu của Pháp và giải quyết tỷ lệ thất nghiệp ngày càng lớn như thế nào?. Thứ hai, chúng tôi quan tâm đến sự an toàn của người dân Pháp các ứng cử viên sẽ giải quyết ra sao?”, một cử tri Pháp nói.

2 năm trở lại đây, nước Pháp liên tục phải đối mặt với hàng loạt vụ tấn công khủng bố đẫm máu, trong đó có vụ khủng bố Paris hồi tháng 11/2015 khiến hơn 200 người thiệt mạng và vụ tấn công tại thành phố Nice hồi năm ngoái khiến 80 người chết. Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn AP ngày 21/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không ngần ngại nhận xét rằng, vụ tấn công tại đại lộ Champs-Elysees hôm 20/4 vừa qua có thể góp phần củng cố vị trí của Chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận Dân tộc (FN) Marine Le Pen, với tuyên bố cứng rắng nhất về vấn đề kiểm soát biên giới Pháp, nếu bà này trở thành Tổng thống.

Ứng cử viên Francois Fillon

A1: Ứng cử viên tiềm năng Francois Fillon “thề” quyết chiến ngày 21/4 để giảnh chiếc vé vào vòng 2 bầu cử Tổng thống Pháp

Theo giới phân tích, những vấn đề nóng như trên đang tạo bước ngoặt lớn cho vòng 1 cuộc bầu cử ngày 23/4. Trong bối cảnh cử tri đang hoang mang, lo lắng về một mối đe dọa khủng bố, rất có thể ứng cử viên cánh hữu François Fillon, người luôn thể hiện quan điểm quyết liệt trong cuộc chiến chống khủng bố và ứng cử viên cực hữu bà Marine Le Pen, người đưa ra khẩu hiệu “nước Pháp trên hết” giống như Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đây, sẽ có thêm nhiều ưu thế. Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Kinh tế và là ứng cử viên trung dung Emmanuel Macron, người được cho là thiếu kinh nghiệm trên chính trường sẽ gặp nhiều bất lợi.

Ước tính, có khoảng 45 triệu cử tri Pháp đủ điều kiện để đi bỏ phiếu bầu tổng thống nước này. Sẽ có 11 ứng cử viên tham gia vào cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm nay.  Kết quả các cuộc thăm dò dư luận mới nhất cho thấy, chỉ có 4 ứng cử viên được đánh giá có nhiều tiềm năng nhất. Trong đó, ứng cử viên độc lậpEmmanuel Macron đang dẫn đầu với tỷ lệ ủng hộ dao động từ 23-25%, tiếp theo là Chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận Dân tộc (FN) Marine Le Pen với 22-23%, 2 ứng cử viên gồm cựu Thủ tướng François Fillon và nhà lãnh đạo của phong trào “Nước Pháp bất khuất” Jean-Luc Melenchon  ngang nhau với 19%. Kết quả thăm dò dư luận cũng cho thấy không có ứng cử viên nào có thể giành đủ số phiếu quá bán trong vòng 1 và 2 ứng cử viên dẫn đầu sẽ bước vào vòng 2 cuộc bầu cử diễn ra vào 7/5 tới.

Người dân Pháp đi bầu cử Tổng thống

Cử tri Pháp chán nản

Tờ Le Monde hôm 22/4 có bài viết “Bầu cử Tổng thống: Tôi xấu hổ vì nước Pháp”, dẫn lời một cử tri 26 tuổi đang sống ở thành phố Montreal (Canada) cho biết cô chán nản về tình hình nước Pháp hiện nay. “Khi nghe những cuộc tranh luận về chủ đề nhập cư mà ứng cử viên Le Pen đề ra, bản thân tôi cũng là một người nhập cư, tôi cảm thấy bị mất phương hướng”, Pernelle, 26 tuổi, một người Pháp đang sống ở Montreal nói “Tôi xấu hổ với bạn bè và các đồng nghiệp vì những gì đang xảy ra tại nước Pháp, một đất nước mà lẽ ra phải giữ vai trò dẫn dắt châu Âu, nhưng đáng tiếc thay đang bị chia rẽ. Chỉ cần bà ý giơ 2 ngón tay (chữ V), là nước Pháp sẽ rời khỏi EU. Tôi chưa bao giờ thất vọng đến vậy”.

Pernelle chỉ là một trong số 1,3 triệu người Pháp đang sống ở nước ngoài đủ tư cách bỏ phiếu bầu chọn Tổng thống mới. Nó cho thấy những lo ngại của cử tri Pháp trước viễn cảnh nước Pháp có thể rời EU nếu như các ứng cử viên cực hữu thắng cử. Trên thực tế, cả 4 ứng cử viên được xem là sáng giá nhất trong cuộc bầu cử Pháp năm nay đều có quan điểm mang tính xung đột nhau trong cách giải quyết mối quan hệ với châu Âu. Bà Le Pen và ông Jean-Luc Melenchon  ủng hộ chủ trương Pháp sẽ rời khỏi Liên minh châu Âu nếu thắng cử.

A2: 31% cử tri Pháp còn đang lưỡng lự không biết nên bỏ phiếu cho ai.

Ứng cử viên Emmanuel Macron và ứng cử viên François Fillon lại có quan điểm ủng hộ Liên minh châu Âu. Đây được xem là yếu tố có thể phân rẽ các cử tri Pháp. Các cuộc điều tra dư luận trước bầu cử cho thấy, cử tri Pháp có quan điểm khá trái chiều về vấn đề này. “72%  người dân Pháp không muốn rời Liên minh châu Âu. Họ cảm thấy lo ngại trước đề xuát của một số ứng cử viên về việc rời Liên minh châu Âu” Chủ tịch Quỹ Robert Schuman, Jean Domonique Giuliani nhận định “ Tôi cho rằng, chủ đề tư cách thành viên của pháp trong Liên minh châu Âu sẽ đóng một vai trò đáng kể trong ý định bỏ phiếu của cử tri Pháp lần này.”

Với rất nhiều biến động như hiện nay, khó có thể đưa ra những dự đoán chính xác về kết quả cuộc bầu cử. “Người Pháp không hài lòng về rất nhiều thứ. Tuy nhiên, một thứ mà họ biết rất rõ là số lượng tài sản trị giá 4 nghìn tỷ euro của Pháp”, Giáo sư khoa học chính trị Pháp Dominique Reynie nói. “Nếu chúng ta rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu, số tài sản này sẽ bị ảnh hưởng và giá trị của số tài sản này sẽ giảm mạnh do sự định giá tiền tệ. Do vậy người nào bảo vệ đồng euro và sự tối thượng của Liên minh châu Âu, người đó sẽ chiến thắng không quan trọng là việc bỏ phiếu diễn ra như thế nào.”

Hiện còn quá sớm để có thể dự báo ứng cử viên nào sẽ trở thành chủ nhân mới của điện Elysee. Trong bối cảnh tình hình nước Pháp và thế giới đang có nhiều biến động như năm nay,mọi nhân tố đều có thể ảnh hưởng đến quyết định của cử tri trong cuộc bầu cử lần này.Theo số liệu của viện điều tra dư luận Pháp Ipsos, có đến 31% cử tri Pháp đến nay vẫn còn do dự chưa biết phải bầu cho ứng cử viên nào./.


N.Minh
Ý kiến của bạn