Hiện nay insulin vẫn là một “vũ khí” chiến lược trong điều trị đái tháo đường (ĐTĐ). Tuy nhiên, không chỉ bệnh nhân mà ngay cả bác sĩ vẫn còn trù trừ khi dùng thuốc này, mặc cho chỉ định dùng thuốc là cần thiết.
Insulin
Insulin là một hoóc-môn do tế bào tụy tiết ra, có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát chuyển hóa các chất đường, đạm và mỡ, không có insulin tính mạng cơ thể sẽ bị đe dọa.
Tác dụng quan trọng nhất của insulin là làm giảm đường trong máu. Insulin được tụy tiết ra liên tục 24 giờ trong ngày, và còn được tiết ra theo nhu cầu từng lúc của cơ thể. Sự tăng đường máu sẽ kích thích tụy sản xuất insulin, nhất là sau các bữa ăn. Khi đường máu giảm, hoặc khi đói thì tụy sẽ giảm tiết insulin. Ngoài ra, tụy luôn tiết một lượng insulin tối thiểu để duy trì chuyển hóa cơ bản gọi là insulin nền.
Nhiều người vẫn còn ngại khi dùng insulin để điều trị đái tháo đường |
Ra đời vào năm 1922, thuốc insulin đã tạo nên một cuộc cách mạng trong điều trị ĐTĐ và hiện nay nó vẫn đóng vai trò chủ lực trong các phác đồ điều trị ĐTĐ týp 1 và týp 2. Dùng thuốc insulin để thay thế quá trình bài tiết insulin sinh lý của tuyến tụy nhằm kiểm soát nồng độ đường huyết, nhưng cần hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra cơn hạ đường huyết.
Hiện nay, trên thị trường có nhiều dạng insulin khác nhau về đặc tính dược động học và thời gian tác dụng. Insulin là một protein nên khi uống vào đường tiêu hóa sẽ bị phân hủy, vì vậy phải dùng theo đường tiêm. Các loại insulin uống và xịt qua đường hô hấp vẫn còn đang trong giai đoạn thử nghiệm.
Chỉ định dùng insulin
1. Bắt buộc với ĐTĐ týp 1, ĐTĐ thai kỳ.
2. ĐTĐ týp 2 khi có:
- Mất bù do stress, nhiễm trùng, vết thương cấp, tăng đường huyết với tăng xê-tôn máu cấp nặng. Sụt cân không kiểm soát được.
- Can thiệp ngoại khoa.
- Có thai.
- Suy gan, thận.
- Dị ứng với các thuốc hạ đường huyết uống.
- Chỉ định tạm thời ngay khi có đường huyết tăng cao >250 -300 mg/dl (14 - 6,5 mmol/l), HbA1c > 11%.
3. ĐTĐ có hôn mê toan xê-tôn hoặc tăng áp lực thẩm thấu.
4. ĐTĐ do bệnh lý tuỵ: viêm tuỵ mạn, sau phẫu thuật cắt tuỵ…
5. Trong một số trường hợp, nhu cầu insulin của bệnh nhân tăng cao: do dùng thuốc gây tăng đường huyết như corticoid.
Phân loại insulin
Dạng tác dụng rất nhanh (apart, lispro) khởi phát tác dụng 10 - 20 phút khởi phát tác dụng 2 - 5 giờ. Tương tự loại tác dụng nhanh (regular), 15 - 30 phút, 4 - 8 giờ; bán chậm (lente, NPH) 1- 2 giờ, 10 - 16 giờ; tác dụng chậm (glargin, detemir), 1,5 giờ,
22 - 24 giờ; hỗn hợp bán chậm/rất nhanh, 15 phút, 12 giờ; hỗn hợp bán chậm/nhanh, 30 phút, 12 giờ.
Liều tiêm insulin
Do bác sĩ chỉ định, liều tham khảo:
- Liều insulin cần thiết ở những bệnh nhân ĐTĐ týp 1 từ 0,5 - 1,0 UI/kg cân nặng. Liều khởi đầu thường từ 0,4 - 0,5 UI/kg/ngày. Liều thông thường 0,6 UI/kg, tiêm dưới da 1-2 lần trong ngày. Sau đó, căn cứ trên kết quả đường huyết mà tăng hoặc giảm liều insulin từ 1 - 2 UI/lần. Lời khuyên của thầy thuốc Có hai loại ĐTĐ chính, ĐTĐ týp 1 xảy ra do tụy giảm tuyệt đối tiết insulin, và ĐTĐ týp 2 là do tụy giảm tương đối tiết insulin và/hoặc đề kháng insulin ở mô ngoại vi. Trong điều trị, bệnh nhân ĐTĐ týp 1 cần phải dùng insulin suốt đời; còn bệnh nhân ĐTĐ týp 2 có thể dùng thuốc viên, nhưng đến một lúc nào đó thì họ cũng cần đến insulin để kiểm soát bệnh.
- Liều insulin ở bệnh nhân ĐTĐ týp 2: khởi đầu từ 0,2 UI/kg/ngày. Thường 0,3 - 0,6 UI/kg/ngày.
- Liều insulin nền 0,1 - 0,2 UI/kg.
Các phác đồ điều trị
Có nhiều phác đồ điều trị insulin khác nhau.
- Đối với ĐTĐ týp 1 thường sử dụng phác đồ tiêm 2 - 4 mũi/ngày.
- Đối với ĐTĐ týp 2, ngoài phác đồ như ĐTĐ týp 1 có thể sử dụng thêm phác đồ 1 mũi insulin (lente, NPH, detemir, hoặc glargin) kết hợp với thuốc viên.
- ĐTĐ thai kỳ thường sử dụng phác đồ 1- 4 mũi/ngày tùy theo nồng độ đường huyết của bệnh nhân.
Tác dụng không mong muốn
Nhìn chung insulin rất ít độc nhưng cũng có thể gặp các tác dụng không mong muốn sau:
- Hạ đường huyết: thường gặp khi tiêm insulin quá liều, hoặc tiêm insulin xong nhưng ăn muộn hoặc bỏ bữa ăn.
- Dị ứng: có thể xuất hiện sau khi tiêm lần đầu hoặc sau nhiều lần tiêm insulin, tỉ lệ dị ứng nói chung thấp.
Phản ứng tại chỗ tiêm. Ngứa, đau, cứng hoặc u mỡ vùng tiêm. Để tránh tác dụng phụ này, nên thay đổi vị trí tiêm thường xuyên và các mũi tiêm cách nhau 3 - 4cm (hoặc 2 - 3 khoát ngón tay).
Bảo quản insulin
Insulin được bảo quản ở nhiệt độ 4 - 8oC, vì vậy nên cất insulin trong ngăn mát (ngăn chứa trái cây) của tủ lạnh.
BS.CK1.NGUYỄN THANH HẢI