Ai phải có giấy phép hành nghề theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2024?

01-01-2024 13:42 | Y tế

SKĐS - Từ hôm nay, 1/1/2024, Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi có hiệu lực thi hành. Một trong những điểm mới của Luật là quy định thời hạn giấy phép hành nghề là 5 năm và phải tiếp tục gia hạn giấy phép sau khi đã có đủ điều kiện về cập nhật kiến thức y khoa liên tục.

"Chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh" được đổi thành "Giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh"

Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi được Quốc hội thông qua ngày 9/1/2023 tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 khóa XV và gồm 12 Chương, 121 Điều có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024. Dự án Luật này thay thế cho Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009 với nhiều điểm mới thể hiện sự tiến bộ trong việc tiếp cận, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh trên quan điểm lấy người bệnh làm trung tâm, công bằng, hiệu quả, chất lượng và phát triển.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi quy định về quyền, nghĩa vụ của người bệnh; người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh; khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền và kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại.

Luật đã tháo gỡ một số vướng mắc, giải quyết những bất cập, điều chỉnh một số nội dung cho phù hợp với bối cảnh thực tế, thể hiện rõ chính sách ưu tiên trong khám bệnh, chữa bệnh.

Ai phải có giấy phép hành nghề theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2024?- Ảnh 1.

Từ hôm nay, 1/1/2024, Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi có hiệu lực thi hành. Một trong những điểm mới của Luật là quy định thời hạn giấy phép hành nghề là 5 năm, sau đó phải tiếp tục gia hạn giấy phép sau khi đã có đủ điều kiện về cập nhật kiến thức y khoa liên tục.

Một trong những điểm mới quan trọng đáng chú ý tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi là thay thế tên gọi của "Chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh" thành "Giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh". Phương thức cấp Giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh sẽ chuyển từ quy định xét duyệt hồ sơ sang quy định phải kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề trước khi cấp Giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

Việc tổ chức thi đánh giá năng lực người hành nghề được thực hiện trước khi cấp giấy phép hành nghề do Hội đồng Y khoa Quốc gia thực hiện. Giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh có thời hạn 5 năm và để được gia hạn Giấy phép hành nghề thì phải đáp ứng yêu cầu về cập nhật kiến thức y khoa liên tục theo quy định.

Việc chuyển đổi từ "Chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh" được cấp trước ngày 01/01/2024 sang "Giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh" sẽ được thực hiện theo lộ trình do Chính phủ quy định và thực hiện việc gia hạn theo định kỳ 5 năm một lần kể từ ngày chuyển đổi.

Những chức danh chuyên môn phải có giấy phép hành nghề

Theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, những chức danh chuyên môn phải có giấy phép hành nghề bao gồm:

Bác sỹ; Y sỹ; Điều dưỡng; Hộ sinh; Kỹ thuật y; Dinh dưỡng lâm sàng; Cấp cứu viên ngoại viện; Tâm lý lâm sàng; Lương y; Người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền.

Chính phủ quy định chức danh chuyên môn và điều kiện cấp mới, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ hành nghề, thu hồi giấy phép hành nghề đối với chức danh chuyên môn được bổ sung ngoài các chức danh quy định tại khoản 1 Điều này phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ sau khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tại Điều 27 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi quy định về nội dung giấy phép hành nghề nêu rõ: Mỗi người hành nghề chỉ được cấp 01 giấy phép hành nghề có giá trị trong phạm vi toàn quốc; Giấy phép hành nghề có thời hạn 05 năm.

Nội dung của giấy phép hành nghề bao gồm các thông tin cơ bản sau đây:

Họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; số định danh cá nhân đối với người hành nghề Việt Nam; số hộ chiếu và quốc tịch đối với người hành nghề nước ngoài; Chức danh chuyên môn; Phạm vi hành nghề; Thời hạn của giấy phép hành nghề.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh nêu rõ: Người đề nghị cấp mới, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh giấy phép hành nghề phải nộp phí theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí, trừ trường hợp do lỗi của cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề mà phải cấp mới, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh.

Ai phải có giấy phép hành nghề theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2024?- Ảnh 2.

Một số quy định mới về người hành nghề khám chữa bệnh theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi.


Thủ tục cấp mới giấy phép hành nghề thế nào?

Việc cấp mới giấy phép hành nghề được thực hiện với những trường hợp:

  • Người lần đầu tiên đề nghị cấp giấy phép hành nghề.
  • Người hành nghề thay đổi chức danh chuyên môn đã được ghi trên giấy phép hành nghề.
  • Người bị thu hồi giấy phép hành nghề thuộc trường hợp cấp mới theo quy định của Chính phủ.
  • Trường hợp khác theo quy định của Chính phủ.

Theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, người đề nghị cấp mới giấy phép hành nghề nộp hồ sơ theo quy định nêu trên cho cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề;

Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề phải cấp mới giấy phép hành nghề trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ; trường hợp không cấp mới giấy phép hành nghề thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Trường hợp cần xác minh tài liệu có yếu tố nước ngoài trong hồ sơ đề nghị cấp mới giấy phép hành nghề thì thời hạn cấp mới là 30 ngày kể từ ngày có kết quả xác minh.

Cũng tại điều 28 quy định, Bộ Y tế đình chỉ hành nghề đối với người hành nghề làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên phạm vi toàn quốc; thu hồi giấy phép hành nghề đối với người hành nghề làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý;

Bộ Quốc phòng đình chỉ hành nghề, thu hồi giấy phép hành nghề đối với người hành nghề làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý;

Bộ Công an đình chỉ hành nghề, thu hồi giấy phép hành nghề đối với người hành nghề làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý;

Cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đình chỉ hành nghề đối với người hành nghề làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn quản lý; thu hồi giấy phép hành nghề đối với người hành nghề thuộc thẩm quyền quản lý.

Nhiều điểm mới về lĩnh vực tâm thần được bổ sung trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023Nhiều điểm mới về lĩnh vực tâm thần được bổ sung trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023

SKĐS - Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp là 14,9% dân số- nghĩa là có gần 15 triệu người. Ở trẻ em, các vấn đề sức khỏe tâm thần vào khoảng 12%, tương đương hơn 3 triệu trẻ em có nhu cầu về các dịch vụ sức khỏe tâm thần.

Thái Bình
Ý kiến của bạn